Nghịch lý ở Nhật Bản: Đến sân golf để câu cá

25/12/2016 13:51 GMT+7 | Golf

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Nhật Bản đang diễn ra một điều hiếm thấy. Tại các CLB golf nở rộ dịch vụ câu cá, trượt cỏ và thậm chí là đá bóng.
Oằn mình chống chọi suy thoái

Những năm 1990, golf từng là môn thể thao nở rộ ở Nhật Bản. Thời đó, golf được coi là biểu tượng của địa vị và là "sợi dây" dẫn tới các hợp đồng kinh tế.

Một nhân viên vào làm việc tại một công ty lớn bắt buộc phải tham gia vào khóa đào tạo golf. Người ta chẳng lạ gì cảnh hàng loạt nhân viên công ty phải đứng "canh" điện thoại để đặt chỗ cho sếp tại các CLB golf, cách Tokyo tới 100km. Chưa hết, họ phải thức dậy vào lúc 3 giờ sáng để đón sếp trước khi lái xe hai giờ đồng hồ tới sân golf.

Nhân viên phục vụ sếp chơi golf, còn sếp của họ phải chiều lòng các đối tác. Họ phải đến sân golf trước khách hàng của mình để chuẩn bị quà tặng. Thông thường đó là những quả bóng golf hay trang phục chơi golf mới. Trên sân golf, họ phải cố gắng để làm sao thua đối tác với điểm số sát sao nhất.

Thống kê cho thấy vào thời điểm đó Nhật Bản có tới 13,7 triệu người chơi golf.

Nhưng khi bong bóng kinh tế vỡ tung, khủng hoảng len lỏi vào mọi mặt của đời sống, golf cũng chẳng nằm ngoài quy luật. Số lượng người chơi golf ở Nhật đã giảm 50% so với thời hoàng kim. Doanh thu tại các sân golf giảm xuống còn một nửa. "Đó là một cơn khủng hoảng. Không còn nghi ngờ gì nữa, thị trường đang bị thu hẹp lại", ông Masahiro Kuramoto, Chủ tịch Hiệp hội Golf chuyên nghiệp Nhật Bản, thừa nhận.

Jack Nicklaus từng nhận định rằng sự suy thoái của golf diễn ra trên toàn cầu bởi trò chơi này quá mất thời gian và tốn kém. Nhưng có lẽ không ở đâu sự suy giảm thể hiện rõ nét như ở Nhật Bản.

Golf là một trong những vấn đề mà Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế Nhật Bản. Giá thấp, người tiêu dùng thờ ơ, giới hạn phụ nữ và sự lão hóa dân số. Năm 2013, golf thu về 1,37 tỉ yen (11,5 triệu USD) từ doanh thu các sân golf và bán lẻ dụng cụ thi đấu, chưa bằng một nửa so với doanh thu của những năm đỉnh cao. Trong đó, tỷ lệ những người trên 70 tuổi - đối tượng chơi golf vào các ngày trong tuần và góp phần khiến doanh thu trung bình của các sân golf Nhật giảm 1/3 trong thập kỷ qua- tăng 17%.

Giá thành viên tại CLB cao cấp Koganei Country Club giảm từ 450 triệu yen những năm 1980 xuống còn khoảng 40 triệu yen. Nhiều CLB khác ở ngoại ô thủ đô Tokyo bây giờ chào mức giá thành viên chỉ vào khoảng 80.000 yen. Thậm chí, một số CLB còn cho phép những người không có thẻ thành viên trả tiền theo ngày để chơi golf trên sân của họ.

Giá thấp, chi phí cao, số lượng thành viên ít đã khiến nhiều sân golf phải quyết định đóng cửa. Theo Hiệp hội Chủ sân golf Nippon (NGK), từ tháng 3/2014-3/2015, có tới 50 sân golf ở Nhật dừng hoạt động.

Thay đổi để thích nghi

"Golf đang trở nên lỗi thời. So với thời kỳ bong bóng, nó đã thay đổi", ông Tatsuo Sonoda (61 tuổi), chia sẻ khi đang chơi golf với bạn bè. Ông cho biết hai con trai của ông, đang ở độ tuổi 30, không quan tâm tới sân golf. Sở thích của họ là đi xe đạp và leo núi.

Người trẻ Nhật bây giờ khác với cha ông, họ không hề xem golf là biểu tượng của địa vị. Những dịp cuối tuần, họ thích dành thời gian nghỉ ngơi và vui vầy bên gia đình. Nếu ra ngoài, họ có nhiều hoạt động khác năng nổ, sôi nổi hơn. Trong làm ăn, họ cũng thấy không cần thiết phải ra sân golf, mất cả ngày đi lại và thi đấu để bàn công việc với khách hàng.

Để ngăn chặn sự suy thoái kéo dài, các sân golf giờ phải oằn mình thích nghi với thời thế. Mục tiêu của họ là làm sao để golf được phổ biến rộng rãi, được phụ nữ quan tâm, thu hút giới trẻ và trở thành môn giải trí mới cho các gia đình.

Những sân golf cách xa thành phố giờ đây cung cấp dịch vụ đưa đón thành viên tận nơi bằng cách liên kết với các công ty cho thuê xe giảm giá. Năm ngoái, tờ rơi quảng cáo sân golf lần đầu tiên xuất hiện tại nhà ăn của các trường đại học. Tờ rơi có những khuyến mãi rất hấp dẫn, chẳng hạn mời chơi golf miễn phí trong vòng 1 năm với những ai bước sang tuổi 20.

Hiroshi Tezuka, doanh nhân sở hữu 7 sân golf trên toàn Nhật Bản, thì khuyến khích các cặp vợ chồng hay tình nhân tới các CLB của ông với thẻ giảm giá. Trong dịp nghỉ hè của học sinh, ông mở cửa sân golf phục vụ các hoạt động khác, từ bóng đá, đi xe trượt cỏ hoặc đánh bắt cá trong các hồ nước. Những đứa trẻ sẽ tham gia các hoạt động này trong khi cha mẹ chúng tập trung chơi golf. Ngoài ra, các quy định nghiêm ngặt về thành viên trước đây cũng dần được gỡ bỏ để thích nghi với lối sống phóng khoáng hơn của giới trẻ Nhật.


Hiroshi Tezuka đã phải nghĩ ra ý tưởng mở dịch vụ câu cá ở sân golf để mở rộng nguồn doanh thu

Biến chuyển có vẻ khá chậm chạp. Trong vòng 1 tháng, 7 CLB của ông Tezuka thu hút thêm 17 thành viên ở độ tuổi 20. Nhưng thay đổi còn hơn là đứng yên để chờ "chết".

Nếu golf Nhật Bản không trẻ hóa độ tuổi người chơi, rất nhiều khóa học có lẽ sẽ phải đi theo con đường của Toba Country Club và Golf Suwa Club. Hai sân golf này đã được chuyển đổi thành trang trại năng lượng mặt trời theo ý tưởng của tập đoàn tập đoàn Kyocera.

Matsuyama có thể truyền cảm hứng?

Hideki Matsuyama vừa mới đây đã vô địch giải HSBC tổ chức ở Hong Kong với sự tham dự của nhiều golfers tài năng đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả McIlroy.

Hideki Matsuyama, sinh năm 1992, tốt nghiệp trường Tohoku Fukushi University và bắt đầu thi đấu golf chuyên nghiêp từ năm 2013. Và anh không cần mất nhiều thời gian để đưa Nhật Bản lên bản đồ thế giới, với việc đứng trong nhóm các golfers đứng thứ 10 của US Open.

Một năm sau, Matsuyama lên ngôi giải The Memorial Tournament 2014 dù anh phải cạnh tranh với rất nhiều các golfer hàng đầu với bề dày danh hiệu như Bubba Watson, Adam Scott, Steve Stricker, Charl Schwartzel, Rory McIlroy, Matt Kuchar, Jason Dufner, Ernie Els, Jim Furyk, Jason Day, Dustin Johnson hay Phil Mickelson. Chiến thắng của Hideki khiến làng gôn châu Á phải thán phục về một tài năng trẻ xuất sắc.

Và danh hiệu HSBC năm nay có thể sẽ truyền cảm hứng cho cả làng golf Nhật.

Cẩm Oanh
Thể Thao & Văn Hóa Cuối Tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm