'Miền hoang' đoạt giải Sách hay 2015: Nỗi ám ảnh từ những mất mát chiến tranh

29/09/2015 12:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Giải thưởng Sách hay 2015 vừa được công bố và vinh danh các tác giả có sách nghiên cứu, giáo dục, kinh tế, quản trị, thiếu nhi, văn học và sách phát hiện mới xuất sắc nhất trong năm qua. Miền hoang - tiểu thuyết đầu tay của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã được vinh danh ở hạng mục quan trọng nhất: “Sách Văn học”.

1. Hẳn nhiều người sẽ hỏi Miền hoang có “chất” gì đặc biệt để được vinh danh?

Trước hết, đây là cuốn tiểu thuyết viết về người lính Việt Nam trên chiến trường Campuchia năm 1979, giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia đánh đuổi đám quân phản loạn Pôn Pốt, Iêng Sary, đồng thời củng cố hậu phương, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, nhân vật chính tên Tùng bị lạc trong rừng, sau khi bị đám tàn quân Pol Pot bắt làm tù binh sau một trận đánh.

Năm 1977, tác giả cùng đồng đội “hành quân” đến biên giới vùng Mộc Bài, Gò Dầu – Tây Ninh trấn ải; khi ấy nhà văn luôn đau đáu, ám ảnh từ những chuyện xảy ra trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và sau đó là những ngày ở chiến trường Campuchia cho đến tận bây giờ. “Đặc biệt là những cái chết, những mất mát mà tôi chứng kiến cứ ám ảnh, dằn vặt tôi” - nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết.


Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Trước và trong khi viết tiểu thuyết Miền hoang, Sương Nguyệt Minh không muốn quay lại nơi ngày xưa từng là chiến trường, bởi “tôi sợ không gian, con người, hình ảnh bây giờ đã đổi khác sẽ “giết” chết kỉ niệm, cảm xúc, và sức tưởng tượng sẽ không còn bay bổng nữa”, nhà văn Sương Nguyệt Minh kể thêm.

Thế nhưng, cuốn tiểu thuyết của ông vẫn cứ ngồn ngộn chi tiết ám ảnh người đọc, tạo ra sợi dây liên kết giữa tác phẩm – tác giả - công chúng như một chất keo dính vô hình nhưng bền chặt.

2.Miền hoang có khoảng 88 cái phụ đề (đề từ) đặt trên đầu 88 chương, chủ yếu trích từ báo, tạp chí và của các hãng thông tấn trong nước và nước ngoài về tấn bi kịch diệt chủng, về cuộc chiến khốc liệt ở Campuchia.

Với cách bài trí sáng tạo này của tác giả đã giúp bạn đọc hình dung một cách chân thật, nóng hổi về bức tranh rộng lớn của đất nước con người Campuchia và chiến trường K một thời. Bạn đọc trẻ chưa qua chiến tranh, chưa hiểu nhiều về nạn diệt chủng, ít biết về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam thì có thể chỉ đọc các lời đề từ này cũng hình dung ra bối cảnh cuộc chiến làm nền cho các tuyến truyện trong tác phẩm.


“Miền hoang” của nhà văn Sương Nguyệt Minh là một trong số ít tác phẩm viết về đề tài chiến tranh ra mắt thời gian qua

Một điểm nhấn nữa của Miền hoang ngoài phần đề từ còn có 5 bài thơ của 5 nhà văn đã từng khoác áo lính, cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến đấu ở chiến trường K.

Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, 5 bài thơ của các tác giả: Văn Lê, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Đoàn Minh Tuấn (Đoàn Tuấn) và Lương Hữu Quang đã từng sống những năm tháng trẻ trung đẹp nhất đời người ở chiến trường K khốc liệt.

Những bài thơ của đồng nghiệp và cũng là đồng đội của ông năm nào đã viết về đói khát, về sự hy sinh mất mát, về tháp cổ hoang tàn. Điều này đã tô thắm thêm cho Miền hoang một nét riêng, như một sự  khơi gợi, nhắc nhớ và giãi bày cùng bạn đọc hôm nay.

Vẫn theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, tính khốc liệt ở tiểu thuyết của ông chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong sa mạc hiện thực chiến trường K mà ông đã từng trải qua. Tình thương yêu và lòng nhân đạo con người trong chiến tranh đối kháng mất - còn cũng thế, độc giả không nên nghĩ người lính trong trận mạc chỉ có bom đạn, giết chóc; mà ở đó vẫn còn những khoảng lặng tâm trạng, các mảng sáng và tâm hồn tươi xanh, nếu không thế thì làm sao người lính chịu nổi sự khốc liệt ở chiến trường.

Miền hoang vì thế đem đến cho người đọc một luồng gió mát lành, đầy tính nhân văn dù tác phẩm đề cập đến vấn đề khói lửa chiến tranh một thuở. Nhưng điều đặc biệt nhất để Miền hoang ghi dấu trên văn đàn đương đại nước nhà, đó là tác giả đã truyền đi thông điệp: Niềm tin và khát vọng được sống trong cuộc sống hòa bình, yên lành, văn minh sẽ trở thành nguồn sức mạnh mãnh liệt giúp con người thoát khỏi tăm tối!

Và hơn thế, cuốn tiểu thuyết này được ra đời trong bối cảnh nền văn học Việt Nam hiện nay đang thiếu vắng những tác phẩm mới về chiến tranh, về trải nghiệm đầy gian truân, sống chết của người lính!

Phạm Hoa Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm