(TT&VH) - Gần chục hộ dân ở tỉnh Đồng Nai đã bị mất nhà chỉ sau một thời gian ngắn vay tiền lãi suất cao. Người dân đặt câu hỏi có hay không một ý đồ cho vay nặng lãi để siết nhà dân nghèo?
Trắng tay vì đi vay
Qua tìm hiểu, hiện tại xã An Hòa, huyện Long Thành và phường Bình Đa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện có 9 hộ dân đang kêu cứu vì phải “ôm” một số nợ lớn vượt quá khả năng chi trả. Số nợ các hộ dân này đang mang nhiều gấp đôi so với số tiền họ nhận được từ vợ chồng chủ nợ Lê Thị Mỹ Hạnh, ngụ tại địa chỉ số 243/24 KP2, phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa. Theo tìm hiểu, số người vay tiền từ vợ chồng bà Hạnh không chỉ dừng lại ở 9 hộ dân tại 2 phường kể trên, mà còn tại các địa phương khác và hoạt động cho vay đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Bà Lài phải ở nhà tạm sau khi bị siết nhà Bà Trần Thị Kim Chi, tại số 82, tổ 17, KP2, phường Bình Đa, TP Biên Hòa, tỉnh cho biết: “Đầu năm 2008, chồng tôi là ông Phạm Thanh Nhàn bị tai nạn giao thông phải nằm viện dài ngày. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải vay tiền của cô Hạnh để chữa trị cho chồng và nuôi con. Tổng cộng tôi vay vợ chồng cô Hạnh 5 lần từ ngày 22/3/2008 đến ngày 2/3/2009 với tổng số tiền vay là 165 triệu với lại suất 7% đến 18%/ tháng. Lần vay cuối là 80 triệu đồng vào ngày 2/3/2009 thì được cô Hạnh đồng ý với điều kiện phải viết giấy nợ 280 triệu đồng với lãi suất chỉ 2%/ tháng và sau 2 tháng tôi không trả lãi suất thì cô Hạnh sẽ toàn quyền sở hữu nhà của tôi.
Sau đó cô Hạnh dẫn vợ chồng tôi đến văn phòng Công chứng số 1 Đồng Nai để kí vào giấy tờ sang nhượng nhà đất với giá là 280 triệu đồng. Vợ chồng tôi thắc mắc có bán nhà đâu mà ký giấy sang nhượng thì được cô Hạnh giải thích: Đây chỉ là thủ tục làm bằng chứng trả nợ, ai vay đều phải làm như vậy. Do không hiểu biết pháp luật và trong lúc khó khăn, chúng tôi đã tin lời cô Hạnh nên ký vào hợp đồng sang nhượng nhà đất. Chúng tôi không biết rằng, ký vào giấy đó là đã bán nhà cho cô Hạnh với giá 280 triệu đồng, trong khi giá thị trường căn nhà lên tới 700 triệu đồng”. Theo bà Chi, sau 5 lần đi vay thì tiền lãi mỗi ngày mà vợ chồng bà phải đóng cho vợ chồng bà Hạnh là 427.000 đồng và số tiền đã trả lãi cho vợ chồng bà Hành khoảng 145 triệu đồng.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngụ tại 636, tổ 14, KP4, ấp An Hòa, huyện Long Thành, Đồng Nai cho biết: “Sau 5 lần vay tiền vợ chồng cô Hạnh, số nợ của tôi lên đến 90 triệu đồng, nhưng khi thỏa thuận kí kết thì cô Hạnh buộc tôi phải ghi là 180 triệu đồng trong giấy tờ sang nhượng nhà đất và phải làm giấy thuê nhà lại để ở. Theo lời cô Hạnh, số tiền 90 triệu đồng chênh lệch kia sẽ lo cho tòa án, thi hành án nếu như tôi không trả nổi số tiền nợ với lãi suất 8%/ tháng”.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Nhung năm 2009 đã phải giao căn nhà số 653 tổ 13, KP4, xã An Hòa, huyện Long Thành cho vợ chồng bà Hạnh vì không trả nổi số tiền nợ. Bà Nguyễn Thị Lài cũng phải giao căn nhà số 511A, KP2, xã An Hòa, huyện Long Thành cho vợ chồng bà Hạnh và căn nhà số 614 KP4, xã An Hòa của bà Dương Thị Lý Em cũng cùng chung cảnh ngộ. Các trường hợp bị mất nhà trên đều bị vợ chồng bà Hạnh bắt ghi giấy nợ hoặc ghi vào giấy sang nhượng nhà đất ở (nếu có) với số tiền nợ tăng gấp đôi và cũng với điệp khúc: “Nếu sau này không trả nổi thì ra tòa, số tiền chênh lệch sẽ lo cho tòa án và thi hành án”.
Hãy cảnh giác khi đi vay tiền
Trong hồ sơ chúng tôi có được, còn có đoạn băng ghi âm cuộc trao đổi giữa bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, bà Đào Thúy Oanh với vợ chồng bà Lê Thị Mỹ Hạnh tháng 9/2009. Trong đoạn trao đổi đã nêu rõ nội dung xin giảm lãi suất hằng tháng của bà Mai nộp cho vợ chồng bà Hạnh với số tiền nợ 90 triệu đồng. Bà Hạnh đã đồng ý giảm lãi suất từ 7,2 triệu/ tháng (tương đương 8%) xuống còn 6,3 triệu/ tháng (tương đương 7%) cho bà Mai.
Về số tiền 180 triệu đồng được ghi vào giấy mua bán, sang nhượng nhà đất, bà Hạnh đã thừa nhận việc ghi gấp đôi số tiền là do: “Vì khi ra tòa, có bao nhiêu tháng tiền lời của em trong đó, tiền án phí, tiền xuống kê biên đấu giá nhà chị tốn nhiều tiền lắm nên em phải lấy chị 180 triệu không bớt một đồng”. Bà Hạnh còn tuyên bố sẽ đưa ra tòa nếu như bà Mai không trả được số tiền 90 triệu đồng và còn thách thức: “Ra tòa là hết tình cảm, bút sa gà chết. Chị không tin thì chị cứ đi hỏi công an, thẩm phán: “Tôi làm giấy chuyển nhượng, giấy thuê nhà là 180 triệu đồng vậy tôi phải trả người ta bao nhiêu? Tôi đã lăn tay, ký giấy đàng hoàng bằng chữ ký tôi đó. Chị muốn chuộc nhà thì chị đưa tiền cho em, không thì ra tòa em cũng lấy nhà chị thôi. Chị mua lại tôi bán cho chị 180 triệu đó”.
Thời gian qua, có 9 hộ dân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của họ. Tuy nhiên, vợ chồng bà Hạnh cũng đã đã khởi kiện vụ án tranh chấp tài sản, đòi lại nhà cho thuê. Cụ thể, vào tháng 8/2009, vợ chồng bà Hạnh đã kiện bà Nguyễn Thị Tuyết Mai về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đến ngày 9/11/2009, TAND huyện Long Thành đã ra quyết định số 249/QĐ.DSST về quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, theo quyết định hủy hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất và bà Mai phải trả cho vợ chồng bà Hạnh 180 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 12/1/2010 bà Mai tiếp tục gửi đơn tố cáo và xin cứu xét khẩn cấp gửi lên các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai về hành vi cho vay nặng lãi, đòi lấy nhà.
Qua những thông tin người dân phản ánh, đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ sự việc, ổn định dư luận. Đồng thời đây cũng là 1 bài học cảnh tỉnh cho người dân trước tình trạng vay tiền từ tư nhân.
Điền Minh