01/06/2022 04:53 GMT+7 | Thể thao
Lực sỹ Phạm Văn Mách là một trong ít VĐV tham dự đủ 2 kỳ SEA Games Việt Nam đăng cai. Ở tuổi 46, anh vẫn “vô đối” ở hạng cân dưới 55kg. Tấm HCV SEA Games 31 càng tô điểm cho một huyền thoại thể hình Việt Nam. Cuộc đời của “kiến càng” cũng thật thú vị. Thể thao & Văn hóa trân trọng mời độc giả đọc loạt bài về anh chàng này.
Phạm Văn Mách là con của ông chủ công ty chuyên sản xuất thuốc lá có tên Công ty Thuốc lá Miền Tây thập niên 70, 80 tại Long Xuyên (An Giang), với 400 - 500 công nhân lao động, gia đình luôn có 3 người giúp việc nhà, trong gia trang rộng lớn vài trăm m2. Cậu bé Mách năm xưa “xinh xắn”, đáng yêu và luôn được gia đình cưng chiều vì Mách là con trai duy nhất trong gia đình có 8 chị em.
Yêu nghệ thuật từ nhỏ và luôn vẽ tranh đến lớp bán dù chỉ được 50 xu, nhưng số tiền ấy như một món quà của tuổi thơ còn sống lại trong tâm hồn mộc mạc của Mách, dù Sài Gòn đắt đỏ, xa xỉ với biết bao ước mơ tốn kém.
Gặp lực sĩ Phạm Văn Mách ngoài đời, cứ mường tượng ra trong “khu rừng thể thao quốc gia” đang trồng rất nhiều cây gỗ quý ấy, lực sĩ Phạm Văn Mách như cây sưa đỏ 100 năm tuổi, một “lão làng” đầy kinh nghiệm và trải nghiệm vinh quang và cay đắng trong bộ môn thể hình. Nhưng thăng hay trầm, nét mặt của Phạm Văn Mách cũng không thể dùng cái app nào che giấu được, đó là sự mộc mạc, gần gũi “rất miền Tây”.
Cái tên Phạm Văn Mách “lạ” giữa muôn vàn cái tên “khuôn vàng thước ngọc” trong showbiz hay thể thao, bởi nó chân thật, nguyên sơ như cánh đồng cò bay thẳng cánh, trải dài dưới nắng chiều chậm rãi trong ký ức của những ai từng đi qua thập niên 80.
Chú bé lạ lùng!
Tuổi thơ đọng lại là hình ảnh mỗi sáng được ba chở đi ăn sáng, uống cà phê, xong ba mới vô công ty làm việc. Trên chiếc xe DD màu đỏ thời ấy ở Long Xuyên, An Giang chỉ có 2 cái, thì gia đình Phạm Văn Mách đang sở hữu một cái làm phương tiện đi làm, đi ăn sáng của ba mỗi ngày.
Khi ấy Mách 6,7 tuổi, luôn mặc áo hoa và quần kẻ caro chỉn chu, rất xinh xắn, đáng yêu. Nhìn thoáng qua đã thấy Mách là cậu bé được gia đình cưng chiều. Trong ký ức của Mách, ba là một người quản lý nhân sự rất chỉn chu, khi ấy mỗi khi đi theo ba đến chỗ làm, Mách thường xuống xe tung tăng vô công ty trước. Khi ấy, hàng trăm công nhân đang làm gia công thuốc lá, nói chuyện ồn ào như cái chợ. Thấy bóng dáng cậu chủ nhỏ tung tăng bước vào là họ đoán ông chủ sẽ vô sau ít phút nữa. Giây phút ba Mách vừa bước vào đấy, khu sản xuất im phăng phắc không một tiếng nói chuyện riêng. Mách kể, đến giờ điều Mách ảnh hưởng nhất ở ba, chính là máu kinh doanh và cách nhìn nhận con người.
Yêu cậu con trai cưng Phạm Văn Mách nên khi Mách 1 tuổi thì bị chứng mất ngủ và khóc từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau nhiều tháng trời. Đem con đi khám bệnh khắp nơi không khỏi, ba mẹ Mách nghe người lớn khuyên đi gặp ông thầy người Chăm để “chữa lành” tâm linh bên trong. Sau buổi gặp ông thầy, cái tên Phạm Văn Mách đã thay thế cái tên trong giấy khai sinh trước đó.
Sau này nhiều lần Mách hỏi mẹ cái tên của mình khi xưa là gì? Nhưng mẹ Mách im lặng lảng tránh không nói. Mách chỉ biết rằng cái tên Mách là tên của người Chăm, có ý nghĩa là tên một “vị Thánh”. Từ khi đưa Mách đi gặp thầy về cùng cái tên mới này, Mách đã trở thành đứa trẻ bình thường, ăn ngon ngủ ngon không còn quấy khóc ròng rã như trước.
Là con trai cưng của ông chủ, Mách được ba chở đi ăn đi chơi và coi Mách như “bảo bối” đáng tin cậy của ông. Nhưng có một ngày cậu con trai cưng đã suýt “gây họa”. Ba Mách giàu có và có bạn gái, vì quá tin con còn nhỏ không biết gì nên ba đem Mách đi khoe bạn gái. Cái kết đắng không thể tả là cậu bé 6 tuổi ấy lại về nhà bi bô kể cho mẹ: “Mẹ ơi hồi sáng ba chở con đi cà phê, ba thân với một cô trẻ, xinh, dữ lắm đó mẹ!”.
Hôm đó ba giận quá, ném cái gối vô người Mách, quát: “Ba đã dặn không được về kể lại cho mẹ cơ mà!”. Nhắc đến kỷ niệm vừa buồn cười, vừa ngây thơ ấy, Mách bảo: “Ngày đó nhỏ vậy đâu biết chuyện đó nguy hiểm thế nào đâu? Trời ơi ba mẹ xào xáo nhau cả mấy tháng trời. Nhưng sau vụ đó, ba mẹ sống rất hạnh phúc.”
Mách nhớ những buổi chiều, mẹ và chị ba đi thu tiền mặt ở các cửa hàng thuốc lá, lúc về chở theo một bao tải tiền lẻ. Mách ngồi chầu hẫu đợi mẹ và các chị đếm tiền xong, mẹ sẽ cho Mách rất nhiều tờ 50 xu, để Mách mua nhiều đồ chơi như súng nhựa, xe tăng để cho các bạn trong xóm chơi cùng.
Biết Mách mê nghệ thuật, ba thuê cả nhạc công và nghệ sĩ hát ca vọng cổ về tận nhà để hát phục vụ gia đình và hàng xóm, mướn thầy dạy đàn riêng cho Mách. Chính sự cưng chiều này của ba giống như hạt mầm nghệ thuật được chăm sóc khi mới bắt đầu ấy. Mách có niềm tin một ngày nào đó Mách sẽ hát say sưa bên dàn nhạc công, hát hay như người nghệ sĩ năm xưa ba thuê về.
Ba Mách không chỉ kiếm tiền giỏi mà còn có đầu óc sáng tạo! Ông đã chế tạo ra cái máy cuộn thuốc lá tự động có thể thay thế cho 20 lao động chân tay. Những tưởng cuộc sống sẽ yên ấm lâu dài nhưng biến cố đổ xuống khiến gia đình Mách lâm vào cảnh phá sản khi ba đầu tư quá dàn trải. Lĩnh vực thuốc lá thành công nhưng những lĩnh vực khác thất bại nặng nề khiến Công ty Thuốc lá miền Tây phải dừng hoạt động.
Ba Mách đã chuyển qua sản xuất đá mài cao cấp, lăn lộn đủ nghề nhưng thời kỳ đỉnh cao đã đi qua.
Giã từ Đại học kiến trúc vì si mê nghiệp thể hình
Có 2 năng khiếu hình thành trong Mách từ khi còn nhỏ, là ca hát và vẽ. Cứ tưởng bức tranh vẽ bán 50 xu của Mách khi 6 tuổi chỉ là trò vui chơi thời thơ ấu. Nhưng giấc mơ vẽ đã đưa Mách trở thành tân sinh viên Đại học Kiến trúc TP. HCM năm học 1994 – 1995. Chính môi trường đại học này chưa kịp đào tạo Phạm Văn Mách trở thành kiến trúc sư thì một cuộc thi thể hình cho sinh viên thời ấy đã đem đến cho Mách giải nhất đã khiến anh “loãng” dần cảm xúc với đèn sách. Nhưng bước ngoặt định mệnh khi Mách tham gia cuộc thi giải quốc gia phong trào (hệ B) và rinh thêm giải nhất hạng 60kg. Khi ấy BHL giải thể hình quốc gia thấy tiềm năng lâu dài của Phạm Văn Mách nên đã mời anh về. Phạm Văn Mách kể: “Năm 1998, Mách được gọi tập trung về đội tuyển quốc gia cùng anh Lý Đức và những vận động viên khác.”
Ngổn ngang giữa dòng đời với bao hoài bão, dứt bỏ sự nghiệp học hành ở một trường đại học mà bao sinh viên mơ ước thi đậu khi đó, Phạm Văn Mách bắt đầu “đánh cược” với giấc mơ bằng cuộc chinh phục thật nhọc nhằn để đổi lấy vinh quang.
Người thổi nên ngọn lửa khát khao trong con người Phạm Văn Mách chính là vị thống đốc bang California, ngài Arnold Schwarzenegger, VĐV thể hình vĩ đại nhất thế giới. Arnold còn là 1 diễn viên điện ảnh nổi tiếng, từ đó Mách quyêt tâm xây dựng hình ảnh của mình theo hình mẫu của tiền bối.
Phạm Văn Mách lúc đến với thể hình đâu biết sự tốn kém lại đến từ chế độ dinh dưỡng dành cho vận động viên chuyên nghiệp. Anh thật may mắn vì nhờ quãng thời gian làm thuê cho trung tâm thể hình của thầy Võ Ngọc Toàn, xưa là chủ phòng tập ở Bào Cát, Tân Bình. Người thầy thứ hai là thầy Nguyễn Quang Hải, ông dạy Mách theo con đường thể hình chuyên nghiệp. Cái tên lực sĩ Phạm Văn Mách bắt đầu tỏa sáng ở những giải đấu trong nước, trên khu vực và nhiều lần vô địch thế giới. Nhưng ít ai biết rằng: Phạm Văn Mách đã nhọc nhằn với giấc mơ cơ bắp và con đường đến chức vô địch thế giới bộ môn thể hình gian nan biết chừng nào.
Đón đọc kỳ II: Nhọc nhằn giấc mơ cơ bắp và đường đến chức vô địch thế giới
Sự nghiệp lẫy lừng 5 lần vô địch thế giới 2017 2014, 2010, 2009, 2001 hạng 55 kg; 7 lần liên tiếp vô địch châu Á (từ 2004 đến 2012, trừ năm 2006 không tổ chức giải) và 1 lần 2014; HCB châu Á 1998, 1999, 2000, 2001, 2010; HCB thế giới 2000; Nhiều lần vô địch SEA Games, vô địch quốc gia, và nhiều thành tích khác. Danh hiệu: VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam trong nhiều năm. |
Lý Thu Thủy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất