15/04/2013 09:03 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Đặng Đình Hưng đã cô đơn đến mức nào mới viết nên một Bến lạ dài hơn bình thường và có thi pháp khác thường khiến làng thơ sửng sốt lúc nó được công bố vào những năm 1990?
Bến lạ là một trong những tác phẩm của Đặng Đình Hưng chỉ được công bố sau khi tác giả qua đời vào năm 1990 ở tuổi 66. Theo lời giới thiệu Bến lạ, tác phẩm được “tác giả viết trên giường bệnh vào lúc ông bước đến tuổi 60”.
Tối 13/4, rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó những người gần như cùng thời với Đặng Đình Hưng, đã đến Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội để theo dõi đêm thơ - nhạc Bến lạ. Đạo diễn Lê Thiết Cương và đạo diễn âm nhạc Phan Nam đã dùng nhiều loại hình nghệ thuật (nhạc, họa, nhảy) làm nền cho “nhân vật” chính, bài thơ Bến lạ, vang lên qua giọng đọc của hai nữ nghệ sĩ trẻ: một giọng Bắc (Phương Chi), một giọng Nam (Nhã Uyên).
“Thơ chưa bao giờ là đánh đố”
“Bài thơ rất cách tân, không hẳn là thơ tự do, cũng không cố tình khước từ quá khứ. Bài thơ có tinh thần thơ văn xuôi” - đạo diễn chương trình, họa sĩ Lê Thiết Cương nói với TT&VH. Thơ văn xuôi là thể loại hiện nay đã rất thịnh hành trong thơ ca Việt Nam đương đại, kể cả lối viết “j” thay cho “gi” hay “z” thay cho “d” như của Đặng Đình Hưng cũng thỉnh thoảng xuất hiện trong những tác phẩm thời này.
Cố nhà thơ Đặng Đình Hưng (trái) và họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh tư liệu |
Bến lạ dễ tạo ấn tượng là một bài thơ khó hiểu, thậm chí cực kỳ khó hiểu nhưng theo lời đạo diễn Lê Thiết Cương thì “Nghệ thuật không thể lấy tiêu chí dễ hiểu hay khó hiểu để đánh giá”. Anh cho biết, về sau có thể chọn thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến hay Mai Văn Phấn để dựng. Đó cũng là những tác giả có xu hướng cách tân tiếp nối so với thời của Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, dù có thể có chút “đứt đoạn”.
“Thơ Đặng Đình Hưng không thể nào dễ nghe bằng thơ của Xuân Quỳnh hay Lưu Quang Vũ. Nếu là Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ thì hôm nay khán giả sẽ đông hơn. Thơ Đặng Đình Hưng hay dở chưa bàn nhưng nói thẳng là ít người biết đến hơn, so với cả Trần Dần, Lê Đạt. Vậy chúng tôi tạo điều kiện cho khán giả tiếp cận. Thơ chưa bao giờ là đánh đố, thơ khác, câu đố khác” - lời họa sĩ Lê Thiết Cương.
“Tối nay, tất cả các nhạc cụ, điệu nhảy cũng chỉ làm nền cho thơ. Tap dance là thể loại chỉ đi vào tiết tấu. Tôi nói với các nghệ sĩ nhị, sáo và guitar rằng phải bỏ đi giai điệu, chỉ để lại tiết tấu thôi. Chỉ là âm thanh, không phải âm nhạc”.
“Cuối cùng phải là thơ” - đạo diễn khẳng định với TT&VH.
Hai nghệ sĩ Trần Thụy Nhã Uyên (trái) và Hoa Phương Chi trong đêm thơ - nhạc Bến lạ ở Hà Nội tối 13/4 |
Thơ Đặng Đình Hưng “để trần đau đớn”
Dàn dựng sân khấu, bức tranh vòng tròn không khép kín (dựa theo tứ thơ của Bến lạ) treo chính giữa sân khấu, phần đệm của các nhạc công, bộ gõ và những màn tap dance của nghệ sĩ Nguyễn Tất Long cũng được nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đánh giá cao, gọi đây là “sự yểm trợ rất thơ”.
Bà nói: “Tôi có thiện cảm với toàn bộ không khí của đêm nhạc - thơ này, nhất là khán giả, khi họ im phăng phắc để lắng nghe và cảm nhận bài thơ, không chỉ trên bề mặt của chữ nghĩa”.
Nhưng nhà phê bình chưa mãn nguyện với hai giọng đọc nữ mà bà cho là “chưa gánh được trọng lực của tác phẩm”. Theo bà, chất giọng miền Nam của Nhã Uyên thể hiện sự thấu hiểu lớn hơn đối với tác phẩm, nhưng nghe gần giống với ngâm, trong khi thơ Đặng Đình Hưng “khước từ sự ngâm thơ”. “Thơ ông để trần đau đớn, khước từ mọi râu ria và lên bổng xuống trầm. Khi đọc, người ta nên đọc bằng giọng trần trụi, nên có sự tiết chế”.
Tập thơ Bến la |
“Thơ của Đặng Đình Hưng cực kỳ cô đơn. Chính sự cô đơn đã dẫn ông đến Bến lạ. Trên đời này ai cũng cô đơn và ai cũng muốn đi cùng với ông” - cảm nhận của nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái về thi phẩm.
“Tôi ghé Bến lạ một chiều không αlfa” - một câu khá khó hiểu của Bến lạ. “Tôi già rồi/ Tôi không làm jì được quyển lịch” - một trong những câu dễ hiểu. Nỗi khát khao yêu thương của Đặng Đình Hưng khác thời Xuân Diệu rồi, khác lắm (dù cùng viết về những nụ hôn): “tôi, 50 tuổi rồi/ 50 khá/ 50 tồi/ 50 lời/ 50 lưỡi zao cạo/ Vậy, tôi vẫn cần zùng/ đúng 50 đôi môi”. Đoạn này, trong đêm thơ, nghệ sĩ Phương Chi đọc khá ấn tượng.
Câu kết là “Đời jì/ Sao cứ đi đi, những cái vali cứ về Bến lạ!”.
Đêm nhạc - thơ Bến lạ:Lê Thiết Cương đạo diễn, Phan Nam đạo diễn âm nhạc và bộ gõ, Trần Thụy Nhã Uyên và Hoa Phương Chi đọc thơ, Nguyễn Tất Long nhảy tap dance và các nhạc công chơi guitar, nhị, sáo. Sau đêm diễn tại Hà Nội, nhóm thực hiện dự định đưa chương trình vào TP.HCM. Nhà thơ Đặng Đình Hưng (1924-1990) sinh tại Hà Đông, mất tại Hà Nội. Ông có vợ là NSƯT Thái Thị Liên và là bố của NSND Đặng Thái Sơn. . |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất