18/08/2021 07:59 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Vào thời điểm Roger Federer ngậm ngùi thừa nhận sẽ phải chống nạng “trong nhiều tháng” sau phẫu thuật đầu gối, Rafael Nadal gặp bác sĩ để xem xét chấn thương bàn chân, thì Novak Djokovic thoải mái dự tiệc trên một du thuyền sang trọng ở Serbia.
Họ cùng bỏ qua các giải Masters 1000 ở Toronto và Cincinnati, nhưng lý do thì hoàn toàn khác nhau. Federer và Nadal không thể tham dự vì chấn thương, còn Djokovic đơn giản là muốn nghỉ ngơi, trước khi bung sức chinh phục US Open 2021.
Thời của Djokovic
Thật ra, điều này đã được khẳng định từ cách đây 3 năm, khi Djokovic chấm dứt 2 năm trắng tay ở Grand Slam bằng chức vô địch Wimbledon 2018. Đó là mùa giải Djokovic tái hợp ông thầy cũ Marian Vajda, làm lành với cô vợ Jelena Ristic sau một thời gian căng thẳng, và đó là yếu tố cốt yếu giúp anh hồi sinh trở lại. Ba năm qua, Djokovic vô đối ở Australian Open, Wimbledon, bên cạnh những chức vô địch ở US Open (2018) và Roland Garros (2021).
Nhưng chưa bao giờ, Djokovic thể hiện rõ quyền lực của mình ở Grand Slam rõ rệt như mùa giải này. Bất chấp sự trỗi dậy của nhóm Next Gen, hay nỗ lực của Nadal tại Roland Garros, Nole đều khẳng định đẳng cấp vượt trội khi vô địch cả Australian Open, Roland Garros và Wimbledon. Và bây giờ, anh tiếp tục là ứng viên số một cho chức vô địch US Open, để qua đó hoàn tất mục tiêu Calendar Slam. Trong lịch sử, chỉ có hai tay vợt nam từng lập được kỳ tích như thế là Don Budge (1938) và Rod Laver (1962, 1969).
Thất bại của Nole ở Olympic Tokyo 2020 phần nào chứng minh sự đáng gờm của thế hệ Next Gen ở các giải đấu thi đấu theo thể thức 3 set thắng 2. Nhưng tại sân chơi Grand Slam với thể thức 5 set thắng 3 thì lại khác. Kinh nghiệm, bản lĩnh luôn giúp Djokovic chiến thắng những tay vợt đàn em trong các thời khắc quyết định. Chiến thắng thuyết phục trước Daniil Medvedev trên mặt sân cứng Melbourne, màn marathon thể lực trước Stefanos Tsitsipas trên mặt sân bụi đỏ ở Paris, cho đến cú lội ngược dòng trước Matteo Berrettini là những minh chứng thuyết phục nhất.
Người gần nhất đánh bại được Djokovic ở chung kết Grand Slam là Rafael Nadal ở Roland Garros 2020, một giải đấu kỳ lạ vì nó được dời đến sau… US Open vì dịch Covid-19. Nhưng bây giờ, Nadal đang gặp vấn đề với bàn chân trái của mình, và các chuyên gia cho rằng đó là triệu chứng có tên Muller Weiss, mà anh từng gặp từ năm… 2005. Federer còn thảm hại hơn khi sẽ phải mổ đầu gối lần thứ 3 trong vòng 2 năm. Khả năng tái xuất sân quần của FedEx đã khó, chứ đừng nói cạnh tranh Grand Slam.
Những tay vợt cùng thế hệ sa sút vì chấn thương trong khi lứa đàn em chưa thực sự lớn, còn ai có thể ngăn cản Djokovic?
Đối thủ lớn nhất là… chính mình
Khi Djokovic quyết định vẫn sẽ tới Tokyo (trong khi Nadal, Federer rút lui), không ít chuyên gia đã nhận định rằng sẽ không dễ để anh thực hiện mục tiêu Golden Slam như Steffi Graf năm xưa. Lý do: Lịch thi đấu dày đặc, di chuyển nửa vòng trái đất, và nguyên tắc bong bóng vì dịch Covid-19 đều là những trở ngại lớn, chưa kể các tay vợt Next Gen đều rất đáng gờm trên mặt sân cứng ở các thể thức 3 set thắng 2.
Kết quả đúng như vậy khi Nole thua Zverev trong một trận đấu mà anh tức giận đến nỗi đập gãy cả hai cây vợt, rồi thua nốt ở trận tranh huy chương đồng. Chính vì kỳ Olympic trắng tay hoàn toàn ấy mà Djokovic quyết định tìm lại sự bình tâm bằng việc nghỉ ngơi hoàn toàn, không tham dự một giải đấu khởi động nào ở Bắc Mỹ cả.
Cũng phải nói thêm rằng dù là một ông vua ở Australian Open (9 lần vô địch) và cũng rất thành công ở Wimbledon (6) thì US Open (3) vẫn là một Grand Slam mà Nole gặp nhiều trở ngại, bên cạnh Roland Garros (2). Ở hai lần gần nhất tham dự, anh đều bị loại từ vòng 4. Việc Djokovic đối mặt với áp lực thế nào trước đám đông ở Flushing Meadows cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của anh. Còn nhớ năm ngoái, sau khi cả Federer và Nadal đều không tham dự vì ngại dịch Covid-19, chức vô địch tưởng như dễ dàng nằm trong túi Djokovic, nhưng anh bị loại lãng xẹt ở vòng 4 vì pha trả bóng ra ngoài trúng cổ một nữ trọng tài dây.
Và, có một điều khó giải thích, nhưng từng là nỗi ám ảnh của những ngôi sao: Những cú sảy chân khó tin khi cận kề mốc lịch sử. Năm 2015, Serena Williams đến Flushing Meadows với cơ hội giành Calendar Slam, nhưng rồi cô gác vợt khó tin ở bán kết trước Roberta Vincin, tay vợt hạng 43 thế giới. Dù tay vợt người Mỹ bác bỏ cô bị áp lực, nhưng huyền thoại người Thụy Điển Chris Evert thì nhận xét: “Tôi thấy Serena như bị đóng băng vậy. Cô ấy cũng chỉ là con người”. Sau này, khi chỉ còn cách kỷ lục của Margaret Court đúng 1 chức vô địch nữa, Serena đã thua 4 trận chung kết Grand Slam liên tiếp – điều mà ngay chính cô cũng không thể lý giải được tại sao.
Thay lời kết, hãy nhớ lại những nhận định của Paul Annacone về Djokovic trên Tennis Channel hồi tháng Sáu: “Djokovic sẽ là trở ngại lớn nhất trên con đường Djokovic đến Golden Slam. Ý tôi là, cậu ấy càng thắng nhiều thì sẽ càng tự đặt áp lực cho mình phải thắng. Ngoài ra còn sức ép từ bên ngoài nữa”. Nole sau đó đúng là đã tan mộng Golden Slam. Còn Calendar Slam? Ai dám chắc nỗi ám ảnh năm ngoái không trở lại?
Vô địch Rogers Cup, Medvedev tiến sát Djokovic Hai năm sau thất bại trước Rafael Nadal, Daniil Medvedev lại lọt vào chung kết Toronto Masters, nhưng lần này anh không bỏ lỡ cơ hội đăng quang nữa. Đánh bại “cây sào 2m11” Reilly Opelka 6-4, 6-3 sau 1 giờ 27 phút, tay vợt người Nga đã giành danh hiệu Masters 1000 thứ 4 trong sự nghiệp của mình. Trước đó, Medvedev từng vô địch Cincinatti Masters 2019, Thượng Hải Masters 2019, và Paris Masters 2020. Ngoài ra, anh còn đang là đương kim vô địch ATP Finals. Rogers Cup là danh hiệu ATP thứ 3 từ đầu năm, và thứ 12 trong sự nghiệp của Medvedev. Chức vô địch này còn giúp Medvedev rút ngắn khoảng cách điểm số với Djokovic xuống còn 1.493 điểm. Đây là khoảng cách hoàn toàn có thể vượt qua được sau hai giải Cincinatti Masters (Djokovic không tham dự) và US Open. |
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất