22/08/2018 18:05 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Thái Lan đã trải qua một kỳ ASIAD thất bại khi đội tuyển U23 nam bị loại ngay vòng bảng, còn đội nữ thua cả hai trận đã đấu (dù vẫn đi tiếp). Và đằng sau những kết quả bết bát ấy là không ít vấn đề nan giải.
Với vỏn vẹn 2 điểm sau khi hòa U23 Qatar và U23 Bangladesh (cùng 1-1), U23 Thái Lan là đội xếp thứ ba có thành tích tệ nhất trong 6 đội, nên đành ngậm ngùi về nước. Đội tuyển nữ của họ thậm chí còn thua cả hai trận đã đấu trước Nhật Bản (0-2) và Việt Nam (2-3), song vẫn vào tứ kết với tư cách 2/3 đội thứ ba xuất sắc nhất chỉ vì hiệu số bàn thắng bại tốt hơn Hồng Kông (-15) và Indonesia (-16).
Nỗi buồn “anh cả”
Người Thái vẫn thường mỉa mai Việt Nam và một số đội Đông Nam Á rằng họ chỉ quanh quẩn với giấc mơ vô địch ở ao làng. Còn họ, vốn đã quá no nê với những danh hiệu cấp khu vực, nên đã đặt mục tiêu vươn ra châu lục và thế giới.
Nhưng trong vòng vài năm gần đây, trong khi mà Myanmar và Việt Nam đã lần đầu tham dự VCK U20 thế giới ở các năm 2015 và 2017, U20 Việt Nam thậm chí còn giành được điểm số đầu tiên ở sân chơi này (hòa U20 New Zealand 0-0), thì người Thái vẫn đang mơ được góp mặt ở sân chơi thế giới, dù là U20, Olympic, hay đội tuyển quốc gia. Ở VCK U19 châu Á 2014 (đồng thời là vòng loại U20 World Cup 2015), Thái Lan dừng bước ở tứ kết. Hai năm trước, đội U19 Thái Lan thậm chí còn thua cả ba trận vòng bảng trước U19 Hàn Quốc (1-3), U19 Saudi Arabia (0-4), và U19 Bahrain (2-3) và ra về trong tủi hổ.
Điều đáng nói là trong hai năm 2015 và 2017 ấy, đội U19 Thái Lan đều đã vô địch giải U19 Đông Nam Á, trong khi U19 Myanmar và U19 Việt Nam đều bị loại ngay từ vòng bảng. Điều tương tự cũng diễn ra ở cấp độ U23 khi Thái Lan đã giành HCV ở 3 kỳ SEA Games gần nhất, nhưng tại VCK U23 châu Á mới đây, họ thua thê thảm cả 3 trận vòng bảng trong khi U23 Việt Nam lập kỳ tích giành ngôi á quân.Và mới nhất chính là những gì chúng ta chứng kiến ở ASIAD 2018, khi U23 Việt Nam lọt vào vòng 1/8 với 3 trận toàn thắng, còn U23 Thái Lan thua 1, hòa 2 và bị loại. Tất nhiên, bảng đấu của U23 Việt Nam được coi là dễ hơn, nhưng vấn đề là ở bảng B, Thái Lan vốn được đánh giá ngang cơ U23 Qatar, và nhỉnh hơn Bangladesh.
Cuộc cách mạng nửa vời
Liệu có phải U23 Thái Lan không máu me gì với sân chơi ASIAD? Căn cứ vào những gì đã diễn ra trước thềm Á vận hội thì có thể thấy là không. Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đã định cử đội U21 đi để trui rèn và nhắm với Olympic Tokyo 2020. Thế nhưng, sau thành tích tồi tệ ở Alpine Cup (thua U23 Bahrain 2-3, thua U23 Myanmar 1-2, và thua U19 Hàn Quốc 2-4), FAT đã giải tán toàn bộ đội bóng này và thay thế bằng đội hình đã từng vô địch SEA Games 2017. Cuộc cách mạng nửa vời này đã kết thúc trong nỗi buồn, khi U23 Thái Lan phải rời Indonesia không kèn không trống. Đây là lần đầu tiên kể từ ASIAD 1994, họ phải ra về sớm như vậy.
Trên các diễn đàn bóng đá, người hâm mộ Thái Lan đang đòi sa thải HLV Worawoot Srimaka và vời Kiatisuk Senamuang trở lại. Thậm chí, rất nhiều người đòi Chủ tịch FAT Somyot Poompunmuang phải từ chức. Đáp lại, ông Somyot tuyên bố: “FAT không nghe những lời chỉ trích của người hâm mộ. Chúng tôi không thể thay đổi HLV sau khi kết quả của đội không đáp ứng kỳ vọng của mọi người”. Thậm chí, ông còn so sánh với thất bại của tuyển Đức ở World Cup 2018. “Mọi người đòi hỏi cao ở tuyển Olympic Thái Lan, nhưng chúng ta phải chấp nhận kết quả dừng bước tại vòng bảng. Nhiều đội tuyển khác cũng thất bại đấy thôi! Hãy nhìn tuyển Đức tại World Cup 2018 chẳng hạn”. Nhưng rõ ràng so sánh U23 Thái Lan ở ASIAD và tuyển Đức ở World Cup là chẳng mấy tương đồng.
Mới đây, một CĐV có tên Tony Sawangvitt bình luận: “Tin tôi đi, U23 Thái Lan về nước ngay lúc này là cái kết tốt đẹp. Bởi đi tiếp rồi thua Việt Nam thì đó còn là điều tồi tệ hơn". Hẳn nhiều CĐV Việt Nam cũng từng có những bình luận tương tự khi đội nhà rơi vào tình thế tương tự. Đó là khi họ mất niềm tin vào chính đội nhà và không tin các cầu thủ có thể làm nên chuyện khi đối đầu với kình địch cùng khu vực.
Giờ thì chính người Thái cũng phải trải qua cảm giác cay đắng như thế.
0 Tại vòng loại thứ ba khu vực châu Á World Cup 2018, Thái Lan là đội duy nhất trong số 12 đội không thắng nổi trận nào. Họ hòa 2 trận, thua 8 trận, ghi 6 bàn, nhưng thủng lưới 24 bàn,và xếp bét ở bảng B, sau Iraq, UAE, Australia, Saudia Arabia, và Nhật Bản. 4 Tại Đông Nam Á, có 4 đội từng dự VCK U20 thế giới là Indonesia (1979), Malaysia (1997), Myanmar (2015), và Việt Nam (2017). Trong số này, Indonesia tham dự nhờ Iraq bị loại vì tình hình chiến tranh. Malaysia tham dự nhờ đăng cai World Cup U20 1997. Myanmar đăng cai VCK U19 châu Á 2014 và lọt vào bán kết. Còn Việt Nam lọt vào bán kết U19 châu Á 2016 diễn ra ở Bahrain. Mang tiếng “anh cả” khu vực, nhưng Thái Lan chưa bao giờ được dự VCK U20 thế giới. 8 U23 Thái Lan đã thua 8/13 trận kể từ đầu năm, trong đó có 3 trận ở vòng bảng giải vô địch U23 châu Á hồi đầu năm. Trong 5 trận còn lại, U23 Thái Lan hòa 3 thua 2. |
* Link xem trực tiếp Asiad 2018 hôm nay:
https://beta.vtcnow.vn/kenh/vtc3
Lịch thi đấu bóng đá Asiad ngày 22/8:
18h30: Nữ Triều Tiên vs Nữ Trung Quốc (bảng B)
18h30: Nữ Đài Loan vs Nữ Maldives (bảng B)
Ngày 22/8, bóng đá nam Asiad vẫn nghỉ trước khi bước vào vòng 1/8 trong khi bóng đá nữ diễn ra hai trận cuối cùng của bảng B. Đội nữ Việt Nam thì đã biết được đối thủ là Đài Loan (19h30 ngày 24/8).
Chia nhánh các vòng knock-out và các cặp đấu vòng 1/8 bóng đá nam Asiad 2018:
Lịch thi đấu vòng 16 đội hay còn gọi là vòng 1/8 bóng đá nam Asiad 2018:
Ngày 23/8, 16h00: U23 Palestine vs U23 Syria (1)
Ngày 23/8, 16h00: U23 Uzbekistan vs U23 Hồng Kông (3)
Ngày 23/8, 19h30: U23 Iran vs U23 Hàn Quốc (4)
Ngày 23/8, 19h30: U23 Việt Nam vs U23 Bahrain (2)
Ngày 24/8, 16h00: U23 Trung Quốc vs U23 Saudi Arabia (5)
Ngày 24/8, 16h00: U23 Indonesia vs U23 UAE (7)
Ngày 24/8, 19h30: U23 Bangladesh vs U23 Triều Tiên (8)
Ngày 24/8, 19h30: U23 Malaysia vs U23 Nhật Bản (6)
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất