Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic: Cần sự quyết tâm và kết hợp nhiều phải pháp

13/11/2024 06:24 GMT+7 | Thể thao

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và doanh nhân ở lĩnh vực thể thao cùng chung quan điểm, cần sự quyết tâm, có giải pháp đột và kết hợp sự ủng hộ nguồn lực từ xã hội để thể thao Việt Nam (TTVN) hoàn thành nhiệm vụ lọt vào Top 50 Olympic.

Tiếp nối tuyến thông tin và truyền thông giải pháp chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic" mà Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) mới xây dựng, triển khai thực hiện, nhân Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Hà Nội, PV TT&VH đã thực hiện cuộc phỏng vấn đối với một số đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và doanh nhân ở lĩnh vực thể thao, nhằm đi tìm đáp án cho câu hỏi: TTVN có thể đứng trong Top 50 Olympic 2045?

Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục TDTT: Cần sự thống nhất giữa trung ương và địa phương trong việc đầu tư các môn thể thao trọng điểm.

Để hoàn thành mục tiêu lọt vào Top 50 Olympic 2045, TTVN cần có sự phối hợp chặt chẽ, trong đó, thống nhất định hướng giữa trung ương với địa phương trong vấn đề đầu tư các môn thể thao và VĐV trọng điểm của Olympic, đồng thời, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các vấn đề và điều kiện đảm bảo như cơ sở vật chất, đội ngũ HLV, các vấn đề về chế độ, chính sách cho HLV, VĐV. Như vậy, TTVN mới có thể thu hút được người tài và nhân lực để hiện thực hóa mục tiêu.

Tại hội nghị vừa qua, từ tham luận của các đại biểu, một số vấn đề mới về thu hút nhân tài, như việc kêu gọi các VĐV Việt kiều trở về quê hương thi đấu cũng đã được đề cập tới. Đây cũng là giải pháp tương đối quan trọng trong xu thế phát triển hiện nay và đã được áp dụng thành công ở một số đơn vị.

Ngoài ra, có một việc rất quan trọng là vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, khoa học công nghệ. Trong thời gian vừa qua chúng ta đã có sự áp dụng nhất định. Tuy nhiên, việc này trong thời gia tới cần phải triệt để hơn, đặc biệt là ứng dụng những công nghệ mới như thực tế ảo, công nghệ AI dù đang từng bước được triển khai… Ngoài việc học công nghệ, cần nắm được công nghệ để triển khai đề thể thao thành tích cao đạt được mục tiêu trong thời gian sắp tới.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội: Top 50 Olympic là điểm đến mới của TTVN

Việc đặt mục tiêu lọt vào Top 50 Olympic tôi cho rằng rất là tốt, vì chúng ta có cái đích để hướng tới hay một cách khác, đây là điểm đến mà TTVN sẽ phải đến đó vào năm 2045. Từ mục tiêu này, cần xây dựng kế hoạch để chuẩn bị lực lượng thật tốt cả về HLV và VĐV. Điều quan trọng để có được lực lượng này thì cần tầm nhìn và cách nhìn mới, làm sao phát hiện được những tài năng để bồi dưỡng ngay từ khi còn rất trẻ tuổi, cho đến khi đầy đủ về nội lực, thể chất và tinh thần thì năng khiếu thể thao đó mới tạo ra thành tích xuất chúng.

Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu được là hợp tác quốc tế. Chúng ta muốn đạt được mục tiêu vào Top 50 Olympic 2045 thì cần tính toán cụ thể về thời gian, thời điểm của Thế vận hội ở thời kỳ đó. Đồng thời, phải tính toán, lựa chọn bộ môn cho phù hợp để hợp tác với các quốc gia có sự tương đồng về nhiều mặt để đào tạo VĐV nhằm hướng đến mục tiêu giành thành tích cao. Đây chính là khoa học và đòi hỏi có sự nghiên cứu sâu sắc về thể thao thành tích cao. Chúng tôi cho rằng đây là điều mà Bộ VH,TT&DL sẽ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc để hỗ trợ các địa phương nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra.

Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic: Cần sự quyết tâm và kết hợp nhiều phải pháp thực hiện! - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. ẢNH: CỤC TDTT

Ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở VH&TT TPHCM: Tận dụng triệt để thế mạnh của từng địa phương.

Đây là mục tiêu rất khó khăn dù nhìn từ bình diện thể thao Đông Nam Á thì có phần khiêm tốn. Để TTVN hoàn thành mục tiêu lọt vào Top 50 Olympic vào năm 2045 thì không chỉ là nhiệm vụ của riêng Cục TDTT mà toàn bộ địa phương cùng đóng góp vào trong việc triển khai thực hiện và phải tận dụng được thế mạnh của từng tỉnh, thành. Ví dụ như TPHCM mạnh ở môn nào, Hà Nội mạnh ở môn nào hay thể thao Quân đội có sở trường nào? Cần tìm ra thế mạnh của từng đơn vị để cùng nhau xây dựng trở thành mũi nhọn, chứ không thể đào tạo đại trà.

TTVN đã từng giành HCV ở Olympic 2016, vì thế, việc giành HCV ở Olympic không phải là bất khả thi mà cần lộ trình cụ thể để thực hiện. Với tiềm năng TTVN, kết hợp sự đầu tư của Chính phủ và sự đầu tư ở các địa phương, ví dụ như ở TPHCM, chúng tôi cũng phải tính toán làm sao để có đóng góp đạt tỷ trọng lớn trong việc đạt mục tiêu tại Olympic.

Nhìn từ Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là sự tổng hòa của nhiều bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị. Vì thế, chủ trì ở địa phương phải là hệ thống chính trị của địa phương. Ví dụ như ở TPHCM, với vai trò là Sở VH&TT địa phương phải chỉ ra được mục tiêu và sức bật nào quan trọng nhất để phát triển TDTT theo đúng định hướng để tổ chức thực hiện. Tôi cho rằng mấu chốt là phải có thay đổi về chính sách, thể chế, hạ tầng làm sao cho phù hợp để phát triển. Nếu gỡ được các vấn đề này thì thể thao có thể phát triển rất nhanh và mạnh.

Ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch LĐBĐVN: Cần tìm lời giải cho bài toán về con người và tài chính

Mục tiêu đã được ra thì ngay từ lúc này cần được tổ chức thực hiện để hoàn thành mục tiêu đó. Theo cá nhân tôi, việc đầu tiên cần tính toán tới là vấn đề nhân sự, con người. Ở riêng môn bóng đá, hiện nay Việt Nam vẫn còn thiếu về chuyên gia, đặc biệt đội ngũ chuyên gia, HLV quốc tế có trình độ cao. Từ trước tới nay, trong quá trình thực hiện nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn, LĐBĐVN luôn khẳng định vấn đề nhân sự rất quan trọng. Ví dụ đơn giản là muốn có trò giỏi, cầu thủ giỏi thì cần phải có HLV tốt. Nếu điều này được duy trì ở nhiều CLB, đội bóng từ địa phương lên đến ĐTQG thì sẽ có nhiều cầu thủ giỏi, làm nền tảng để hiện thực hóa các mục tiêu chuyên môn ngày càng cao hơn.

Bên cạnh đó là vấn đề tài chính. Hiện nay, LĐBĐVN là một trong những đơn vị hoạt động với các nguồn xã hội hóa nhiều nhất trong số các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, khi huy động được được tài trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị hay vận động từ các tổ chức quốc tế như FIFA, AFC, AFF... Tuy nhiên, với nguồn tài chính như hiện nay để đạt được yêu cầu cho các nhiệm vụ quốc tế hay xa hơn là hiện thực hóa mục tiêu giành vé dự World Cup trong giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2045 thì cần huy động nhiều hơn nữa. Căn cứ vào kế hoạch của từng giai đoạn, LĐBĐVN sẽ xây dựng kế hoạch và tìm giải pháp về tài chính phù hợp nhằm phục vụ và thực hiện các nhiệm chuyên môn đặt ra.

Ông Lê Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thể thao Động Lực: Cần có cơ chế phù hợp để thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào thể thao

Nhìn từ góc độ một doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực thể thao và nhiều năm tham gia vào các hoạt động tài trợ cho TTVN, cá nhân tôi đánh giá, TTVN có thể hoàn thành các mục tiêu chuyên môn đã được đề cập trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nếu như khai thác và tận dụng tối đa nguồn lực từ xã hội. Dưới góc nhìn của tôi, thực chất việc doanh nghiệp tham vào tài trợ hay đóng góp để phát triển thể thao, đó là một hoạt động "win-win", hai bên đều có lợi. Ví dụ như với Động Lực, hơn 30 năm qua luôn gắn bó với thể thao, doanh nghiệp có sự phát triển và TTVN cũng có được những thành tích. Vấn đề ở đây là cần có cơ chế phù hợp để thu hút sự quan tâm, đầu tư vào thể thao từ các doanh nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển từ sự đồng hành này. Một ví dụ, tôi rất mong muốn, Cục TDTT sớm ban hành tiêu chuẩn về trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT ngay cả với thể thao phong trào như trong trường học, hay thể thao thành tích cao ở các địa phương để đảm bảo quyền lợi cho đơn vị sản xuất.

Vũ Lê (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm