Thể thao Việt Nam và sự trở lại của bắn súng

20/02/2025 07:55 GMT+7 | Thể thao

Trong ít ngày, bắn súng Việt Nam nhận liên tiếp tin vui. Đầu tiên là 2 chiếc HCV ở giải vô địch châu Á diễn ra ở Thái Lan ở các nội dung súng ngắn 10m đồng đội nam nữ và 25m súng ngắn bắn nhanh đồng đội nam. Vài ngày trước, cựu xạ thủ và HLV nổi tiếng Nguyễn Thị Nhung được Liên đoàn bắn súng quốc tế trao chứng chỉ HLV hạng A, bằng cấp cao nhất của thế giới dành cho HLV, dù bà Nhung đã nghỉ hưu 1 năm qua.

Tại SEA Games 2019, bắn súng Việt Nam nhận một cú sốc khi lần đầu tiên không đoạt HCV ở Đại hội thể thao Đông Nam Á. Là môn thể thao đầu tiên dự các sự kiện lớn của quốc tế khi thể thao Việt Nam hội nhập thế giới sau ngày đất nước thống nhất, bắn súng luôn là môn được kỳ vọng nhất và cũng là môn thể thao duy nhất có HCV ở mọi cấp độ, bao gồm Olympic, Asiad và những giải vô địch thế giới. Có thể nói, bắn súng là đại diện tiêu biểu nhất của thể thao Việt Nam (TTVN) trên đấu trường quốc tế.

"Gáo nước lạnh" ở SEA Games 2019 có thể không khiến "tượng đài" này sụp đổ nhưng chắc chắn đó là bài học đắt giá. Thứ nhất, nó nói rằng nếu không tiến lên thì ắt sẽ thụt lùi, kể cả khi đó là môn thế mạnh với lực lượng VĐV ổn định. Kế đến, nó cho thấy một điểm yếu của TTVN gần như là cố hữu, dể bắt gặp ở tất cả các môn thể thao đỉnh cao khác, đó là khả năng đánh giá thực trạng và dự báo kém.

Bắn súng là một thể thao khoa học, từ trạng thái tinh thần đến phong độ bắn trong tập luyện, đều quyết định đến khả năng thành công khi ra thi đấu thật. Hơn tất cả các môn khác, việc đánh giá và dự báo ở bắn súng rất quan trọng, khi mà năng lực thi đấu của các đối thủ thường cũng được chúng ta biết trước. Vì thế, để đến mức "trắng tay" thì vấn đề chưa hẳn nằm ở VĐV mà chính là khâu chuẩn bị và tập luyện.

Sự trở lại của bắn súng  - Ảnh 1.

Thành tích tốt nhất của bắn súng Việt Nam ở Olympic Paris 2024 vừa qua chỉ là vị trí thứ 4 nội dung 10m súng ngắn hơi cá nhân nữ của Trịnh Thu Vinh. Ảnh: Hoàng Linh

Rất may, bắn súng kịp trở lại với thành tích ở cấp độ châu Á và cũng kịp đầu tư trường bắn hiện đại, bớt lâm vào cảnh "bắn giả, đạn giả" trong quá trình tập luyện. Điều này cho thấy nội lực của bắn súng Việt Nam vẫn còn đó. Nhưng "trở lại" chỉ là một khía cạnh, việc vươn xa đến đâu, có tái lặp được những chiến thắng như của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016 hay không, mới là điều đáng bàn.

Như đã nói, điểm yếu lớn của TTVN vẫn là khả năng dự báo. Một phần nguyên nhân đến từ sự hạn chế trong đầu tư. Ví dụ, nếu VĐV chỉ tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất và chế độ dinh dưỡng như cũ, không ngang bằng với các đối thủ, thì sẽ rất khó mà so sánh những kết quả tập luyện với nhau nếu không trực tiếp đối đầu với họ tại các giải quốc tế.

Cùng tập luyện ở một trường bắn có tiêu chuẩn giống nhau, thì mới có thể biết VĐV còn thiếu gì để mà bổ sung. Điều này cũng tương tự như ở môn thể dục dụng cụ, hoặc điền kinh…, tức là những môn đòi hỏi thông số tập luyện tương đương thi đấu và việc thắng – thua khá sít sao về con số cũng như bản lĩnh.

Thế nên, sự trở lại của bắn súng Việt Nam là bài học không dành riêng cho môn này. Ngay tại một môn thế mạnh, chúng ta vẫn chưa thực sự duy trì được tính ổn định và đẳng cấp một cách bền vững.

Việc chia tay của chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung Gun trước mắt chưa để lại tác động quá lớn, nhưng về lâu dài, con đường vươn đến thành tích cấp độ thế giới, Olympic của bắn súng vẫn cần được đặt ở các tiêu chuẩn thật cao, từ cơ sở vật chất, tỷ trọng đầu tư bao gồm cả đội ngủ HLV. Như đã nói, không tự "đẩy" mình lên các tiêu chuẩn đó, thì sẽ khó mà dự báo tốt cho tương lai.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm