19/07/2024 06:05 GMT+7 | Thể thao
Ngày 17/7 vừa qua, Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã làm Lễ xuất quân tham dự Olympic Paris 2024 với 16 VĐV, trong đó có 14 suất chính thức và 2 suất đặc cách. Xét về số lượng, thì đây là kỳ Thế vận hội mà TTVN tham gia với thành phần VĐV khiêm tốn nhất trong vòng 20 năm qua. Vì thế, khả năng tranh chấp huy chương của chúng ta được đánh giá là không nhiều, nhưng điều đó không ngăn được niềm tự hào của những thành viên đoàn thể thao chúng ta khi lên đường sang Paris.
1. Số lượng suất tham gia không phản ảnh đầy đủ năng lực của TTVN, nhất là trong giai đoạn chuyển giao thế hệ ở khá nhiều môn thế mạnh. Với những người có thời gian dài quan sát sự phát triển của thể thao nước nhà, thì xét toàn diện, TTVN hiện vẫn đang duy trì được tốc độ tiếp cận với đỉnh cao thế giới. Có môn sa sút về thành tích, nhưng cũng có những môn tạo ra những đột phá mạnh mẽ như bóng chuyền, billiards, golf …
Nói cách khác, các VĐV Việt Nam vẫn đang duy trì được nhịp điệu và sự tự tin khi tiếp cận với trình độ thế giới. Sự sa sút ở một vài đơn môn không làm ảnh hưởng đến tinh thần và khát vọng vươn tầm của cả nền thể thao. Cuộc khủng hoảng thế hệ ở một số môn thế mạnh đã xảy ra, đó là thực tế, nhưng ngay trong số 14 suất chính thức dự Thế vận hội kỳ này, chúng ta cũng duy trì được sự có mặt ở các môn thường xuyên như bắn súng, cử tạ, tạo được tính liên tục trong đời sống thi đấu đỉnh cao.
Thế nên, như lời nhắn nhủ của ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, trong lễ xuất quân, điều quan trọng là các VĐV thể hiện được sở học của mình, thi đấu với với những nổ lực cao nhất để vượt qua chính mình.
2. Tuy nhiên, qua cuộc hành trình tìm vé đến Paris, có thể thấy thách thức lớn nhất của TTVN chính là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên sân chơi thế giới.
Cụ thể như các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đang giành được nhiều suất tham dự Olympic hơn chúng ta, tương ứng với thành tích của họ ở bảng xếp hạng tại sân chơi Asiad vừa diễn ra hồi năm ngoái.
Điều này cho thấy chiến lược đầu tư, cách hoạch định từng phân môn của họ đã thay đổi khi có sự tập trung vào các môn thế mạnh với thế hệ VĐV được đầu tư riêng cho mục tiêu tạo lập đẳng cấp thế giới.
Lấy ví dụ như đoàn Thái Lan, mục tiêu của họ đặt ra ở Olympic Paris 2024 là 6 HCV và 3 HCB. Chỉ tiêu này nhiều gấp 2 lần so với kỳ Thế vận hội thành công nhất lịch sử của thể thao Thái Lan tại Athens 2004 (3 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ).
Điều đáng nói là Thái Lan có 51 suất tham dự ở 17 môn, con số không phải là nhiều nhất trong lịch sử thi đấu Olympic của họ. Chi tiết này cho thấy Thái Lan kỳ vọng vào việc chất lượng sẽ thay thế cho số lượng, đi ít nhưng thắng nhiều. Bên cạnh đó, có thể là thể thao Thái Lan tự tin vào việc các VĐV của họ đều ở đẳng cấp thế giới nên khả năng tạo lập các thành tích tốt nhấtlà khả thi.
Mục tiêu của Thái Lan hay như đông đảo các suất dự Olympic của nhiều quốc gia tại Đông Nam Á cho thấy nền thể thao khu vực cũng đã chuyển đổi chiến lược. Thực tế thì cơ hội chiến thắng của các đại diện Đông Nam Á không quá nhiều, nhưng tham vọng thì đã lớn hơn trước.
Họ tự đặt ra các giới hạn cao, khó khăn, qua đó điều chỉnh những kế hoạch đầu tư của mình. Việc ít chú trọng sân chơi SEA Games là một ví dụ của quá trình "xoay trục" này.
3. Thì đó không phải là tranh đoạt huy chương mà là nỗ lực duy trì các giá trị cốt lõi cũng như sự tự tin trong quá trình thi đấu, đặc biệt là với các môn thế mạnh.
Dù số lượng huy chương của Việt Nam tại Olympic không nhiều, nhưng công bằng mà nói, thì chúng ta đã phá vỡ được những giới hạn, chứng minh được năng lực qua những chiếc huy chương của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Trần Hiếu Ngân (Taekwondo), Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ).
Chiến thắng tại Olympic không còn là nhiệm vụ bất khả thi, cũng hoàn toàn không phải là giấc mơ, mà về cơ bản, khi chúng ta chơi tốt, thi đấu đúng sức, thành tích sẽ đến.
Có thể lấy ví dụ từ 2 suất dự Olympic của môn cầu lông. Cơ hội của chúng ta không nhiều khi cả 2 tay vợt đều nằm ngoài Top 10-20 thế giới, trong khi môn chơi này phụ thuộc rất nhiều vào đẳng cấp của VĐV. Nhưng nếu chúng ta tính từ Nguyễn Tiến Minh, người xác lập được đẳng cấp thế giới, thì rõ ràng qua thời gian, cầu lông cũng đã tạo được nền tảng để vươn tầm.
Đây là môn thể thao phù hợp với thể chất người Việt, phong trào cũng rộng, dư địa phát triển còn nhiều, chính vì thế chỉ riêng việc có 2 VĐV dự Olympic cũng là cú hích rất giá trị. Nếu nói cầu lông Việt Nam đã "thắng trước khi sang Paris", có lẽ cũng không sai.
Bắn súng, hay bắn cung, là một câu chuyện khác. Kỳ tích Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016 vẫn đang là nguồn cảm hứng vô tận cho khao khát giành huy chương ở những môn này.
Đấu trường Olympic là vĩ đại, nhưng khi bước vào trường bắn, thì thế giới sẽ được thu nhỏ trong tầm ngắm và bản lĩnh của từ cá nhân VĐV. Giành HCV Oympic đúng là rất khó, nhưng xét cho cùng, vẫn không hoàn toàn nằm ngoài tầm tay.
Đó chính là lý do mà Thái Lan nâng mục tiêu huy chương lên gấp đôi, và TTVN vẫn có quyền mộng mơ về chiếc huy chương quý giá ở Paris 2024. Điều quan trọng hơn, khi các VĐV của chúng ta nỗ lực trong thi đấu, đó là cách giúp cho các nhà hoạch định chiến lược có được những con số cụ thể, thực tế để định hình lại tầm nhìn 2030-2045 trước khi trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sắp đến.
Cũng cần phải nhớ lại: Năm 1980, chúng ta mới bắt đầu đến với Olympic nhưng chỉ 20 năm sau, tại Sydney 2000, đã có chiếc huy chương đầu tiên của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân.
Thời điểm đó, thể thao Việt Nam còn chưa vào đến tốp 5 ở SEA Games và đời sống VĐV còn rất khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế xã hội. Rồi chỉ 8 năm sau, chúng ta có chiếc huy chương thứ 2 của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn.
Và thật trùng hợp, đến 8 năm sau nữa, đã có kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh. Bước tiến ấy, xét trong hoàn cảnh của đất nước, thật đáng tự hào.
Bây giờ, 8 năm sau chiếc HCV đầu tiên tại Rio 2016, hi vọng Paris 2024 sẽ nơi những niềm hy vọng của chúng ta vượt qua thử thách lớn để TTVN có khởi đầu mới với nhiều khát vọng lớn hơn, mục tiêu xa hơn.
Các VĐV Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024
16 VĐV của Việt Nam đã giành vé tham dự Olympic Paris 2024 gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng và Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo) và Võ Thị Kim Ánh (boxing).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất