Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo: Ít điểm sáng, nhiều nỗi lo

03/08/2021 05:05 GMT+7 | Olympic 2021

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Quách Thị Lan dừng bước tại bán kết nội dung 400m rào nữ môn điền kinh, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã hoàn tất phần thi đấu tại Olympic Tokyo. Ngoài việc trắng tay trong cuộc đua giành huy chương, phần lớn thành tích chuyên môn của các tuyển thủ đều đem lại sự thất vọng.

Thành tích thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo

Thành tích thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo

VTV5, VTV6, thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo, Olympic Tokyo 2021, Olympic Tolyo 2020, Quách Thị Lan, Quách Thị Lan vào bán kết 400m vượt rào nữ.

Lực bất tòng tâm

Thống kê cho thấy, trong số có tới 10/18 tuyển thủ ở các môn như cử tạ, bắn súng, thể dục, bắn cung, Judo, Taekwondo thi đấu dưới sức, đạt thành tích không như kỳ vọng hoặc không thể vượt qua được chính mình, thậm chí đem tới sự thất vọng khi đánh giá về năng lực chuyên môn.

Thất bại của Thạch Kim Tuấn (hạng 61kg nam), Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ) môn cử tạ có được coi là điển hình cho tình trạng “lực bất tòng tâm” của TTVN trong các cuộc tranh tài tại Olympic. Đây dù là các VĐV được dự báo có thể tranh chấp huy chương, song sự sa sút về thành tích thi đấu đã để lại rất nhiều tiếc nuối.

Ở các môn thể thao khác, thành tích chuyên môn của các tuyển thủ như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo), Nguyễn Thị Thanh Thủy (Judo), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục)…, cũng chưa đáp ứng được mong đợi trong các cuộc thi đấu.

Về tổng thể, có thể cho rằng, đa phần các tuyển thủ của đoàn TTVN đã không hoàn thành được mục tiêu đầu tiên là vượt qua chính mình tại Olympic Tokyo. Điều này bao gồm nguyên nhân từ khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới sự đảo lộn về kế hoạch tập huấn, thi đấu và một vài trường hợp chấn thương chưa hồi phục. Bên cạnh các yếu tố chủ quan là việc thiếu bản lĩnh thi đấu, hạn chế trong quá trình chuẩn bị chuyên môn và thể lực chưa đảm bảo.

“18 VĐV tới Tokyo đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của TTVN tại Olympic. Các VĐV của Việt Nam đến Olympic theo các con đường khác nhau, ví dụ như Nguyễn Huy Hoàng đến Olympic bằng chuẩn A và kết quả thi đấu của Hoàng cũng đã thể hiện rõ điều đó. Một nhóm các VĐV đến Olympic bằng con đường tích điểm và một số VĐV khác đến Olympic bằng vé mời dành cho các môn không có VĐV qua vòng loại như điền kinh, bơi, và bắn súng. Điều đó cho thấy, khoảng cách trình độ của TTVN với đấu trường Olympic vẫn còn xa”, Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn thẳng thắn nhìn nhận.

Trên thực tế, xuyên suốt nhiều cuộc thi đấu của đoàn TTVN ở 11 môn thể thao tại Olympic Tokyo là cảm giác lo lắng hoặc bất an cho bất cứ ai theo dõi trực tiếp. Không phủ nhận, các tuyển thủ Việt Nam đều đã nỗ lực hết mình trong thi đấu song sự máu lửa về tinh thần là không đủ để san lấp khoảng cách chênh lệch trình độ chuyên môn với những VĐV xuất sắc của thể thao thế giới.

VTV5, VTV6, Olympic Tokyo, thành tích chung cuộc của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo, Quách Thị Lan, Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, bảng tổng sắp huy chương
Kình ngư Ánh Viên tiếp tục không thể hiện được mình tại Olympic Tokyo

Sự ảnh hưởng từ dịch bệnh đặt ra rất nhiều thử thách khó khăn và đòi hỏi các nhà chuyên môn cần có phương án phù hợp hơn trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao thành tích cho các tuyển thủ TTVN. Nhìn sang các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, rõ ràng, họ cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19 song vẫn thi đấu thành công nhất định ở Olympic nhờ sự chuẩn bị hiệu quả.

Điểm sáng hiếm hoi

Trong bối cảnh nhiều VĐV đạt thành tích không như mong đợi, TTVN vẫn có điểm sáng đáng khen ngợi về thành tích và thắp lên ít nhiều hi vọng trong các cuộc thi đấu sau này. Dễ nhận thấy là trường hợp của Nguyễn Thùy Linh (cầu lông) với những thể hiện rất thuyết phục trong 3 trận đấu. Trong đó, tay vợt Việt Nam hạng 49 thế giới đã giành chiến thắng trước Qi Xuefei (hạng 41 thế giới), Sabina Zaquet (Thụy Sỹ, hạng 46 thế giới) và có trận đấu nhiều cảm xúc với tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu Ying (Đài Bắc Trung Hoa), để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp ngay trong lần đầu tiên góp mặt tại Olympic. Ngoài khả năng chuyên môn, phong thái và bản lĩnh mà tay vợt 23 tuổi người Phú Thọ đã thể hiện trong các cuộc thi đấu cũng thắp lên nhiều tín hiệu tích cực nếu như được đầu tư tốt hơn nữa trong tương lai gần.

Hay như trường hợp của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng trong cuộc thi đấu ở nội dung 1.500m tự do nam. Thành tích 15 phút 0 giây 24 dù chưa vượt qua được thành tích tốt nhất 14 phút 58 giây 14 nhưng vẫn đủ để chứng minh, Huy Hoàng hiện vẫn là kình ngư số 1 ở châu Á. Thậm chí kể cả ở nội dung 800m tự do nam, Huy Hoàng cũng là kình ngư châu Á duy nhất có mặt trong tốp 20 VĐV hàng đầu tại Olympic với thời gian 7 phút 54 giây 16. Ngay trong các cuộc thi đấu tới đây ở phạm vi châu lục, Huy Hoàng chính là hi vọng lớn nhất có thể tranh chấp HCV ở giải vô địch châu Á hoặc ASIAD cho TTVN nếu như ngành thể thao có sự đầu tư để Huy Hoàng nâng cao thành tích.

Với các môn như điền kinh, quyền Anh và Rowing, các tuyển thủ của đoàn TTVN cũng đã đem lại ít nhiều sự hài lòng qua phần thi đấu. Cột mốc lần đầu tiên giành quyền vào bán kết nội dung 400m rào nữ của Quách Thị Lan, trận thắng đầu tiên của võ sỹ Nguyễn Văn Đương (hạng 53-57kg) hay thành tích hạng 3 tại chung kết C nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ của Lường Thị Thảo/Đinh Thị Hảo cũng rất đáng khen ngợi. Sự ổn định về phong độ và tâm lý trong thi đấu chính là yếu tố quyết định đã giúp các tuyển thủ này duy trì được thành tích ngay cả khi quá trình tập luyện bị ảnh hưởng.

“Cuộc thi đấu tại Olympic Tokyo đã khép lại và mang tới rất nhiều bài học hữu ích cho TTVN. Rõ ràng, để giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh các mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic nữa, VĐV của TTVN sẽ đến tham dự TVH với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương”, ông Trần Đức Phấn chia sẻ.

Tổng hợp thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo:

* Cử tạ

- Hoàng Thị Duyên: Hạng 5/9, nội dung 59kg

- Thạch Kim Tuấn: Không xếp hạng, hạng 61kg

* Điền kinh:

- Quách Thị Lan: Hạng 14 bán kết nội dung 400m rào

* Bơi:

- Nguyễn Huy Hoàng: Hạng 20/34, nội dung 800m tự do; Hạng 12/29 nội dung 1.500m tự do

- Nguyễn Thị Ánh Viên: Hạng 26/29, nội dung 200m tự do; Hạng 30/31 nội dung 800m tự do.

* Thể dục:

- Lê Thanh Tùng: Hạng 19, nội dung nhảy chống; Hạng 39, nội dung xà đơn

- Đinh Phương Thành: Hạng 67, nội dung xà kép

* Bắn súng:

- Hoàng Xuân Vinh: Hạng 22/36, nội dung 10m súng ngắn hơi

* Judo:

- Nguyễn Thị Thanh Thủy: Vòng 1/16, hạng 52kg

* Quyền Anh:

- Nguyễn Thị Tâm: Vòng 1, hạng 51kg

- Nguyễn Văn Đương: Vòng 1/8, hạng 52-57kg

* Taekwondo:

- Trương Thị Kim Tuyền: Vòng repachage, hạng 49kg

* Cầu lông:

- Nguyễn Tiến Minh: Hạng 3/3 bảng L, nội dung đơn nam

- Nguyễn Thùy Linh: Hạng 2/4 bảng P, nội dung đơn nữ

* Rowing:

- Lường Thị Thảo/Đinh Thị Hảo: Hạng 3 chung kết C (hạng 15/18 chung cuộc) nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ.

* Bắn cung:

- Nguyễn Hoàng Phi Vũ: Hạng 53/64, nội dung cá nhân nam; Hạng 23/29, nội dung đôi nam nữ

- Đỗ Thị Ánh Nguyệt: Hạng 49/64, nội dung cá nhân nữ; Hạng 23/29 nội dung đôi nam nữ

 

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm