04/08/2017 12:21 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến nay, không ít người chưa quên được hương vị tuyệt vời khi lần đầu tiên thưởng thức gói mỳ ăn liền. Thời bao cấp, đa số các món ăn đều ngon, do thiếu thốn và đói.
Giờ đây, đời sống ngày càng đi lên, nhưng mỳ ăn liền vẫn chiếm thị phần quan trọng, do lực lượng cần lao còn rất đông. Hơn nữa, mỳ ăn liền dễ ăn, lại rẻ và quan trọng hơn là rất tiện. Cho nên, không chỉ ta mà Tây cũng thích. Nên nhớ, cơ đồ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuất phát từ sản xuất mỳ ăn liền.
Năm 1993, Liên Xô vừa sụp đổ, vợ chồng ông Vượng không về nước mà chuyển tới sống ở Kharkov (Ukraine). Ngày 8/8/1993, ông bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền với thương hiệu “Mivina”, sau khi vay 100.000 USD từ những người bạn Việt với lãi suất 8% một tháng. Đến năm 2004, mỳ ăn liền hiệu “Mivina” đã chiếm tới 97% thị phần ở Ukraine...
Dân ta, trong đó kể cả cán bộ cao cấp, mỗi chuyến đi công cán dài ngày nước ngoài đều phải thửa theo vài chục gói mỳ ăn liền. Sau dăm ngày, ăn sơn hào hải vị, đồ Tây, rồi cũng chán. Tối về, đói bụng thì mì ăn liền là phương án hữu hiệu.
Giới thể thao thì càng lệ thuộc. Mỗi chiến dịch, đặc biệt như SEA Games, người ta thấy số lượng mỳ ăn liền được mang theo nhiều khủng khiếp. Nhiều VĐV, trong đó có Việt Nam, đã gặp vấn đề “bụng dạ”, vì khẩu vị không quen. Nhiều tấm HCV của Thể thao Việt Nam từng bị mất chỉ vì ngộ độc thực phẩm trước giờ thi đấu.
Tại SEA Games 29 này, thành viên Đoàn TTVN 693 người, nếu cứ trung bình người vài gói mỳ ăn liền thì đã tới con số hàng ngàn. Mà không thể cấm các VĐV, bởi họ tốn nhiều năng lượng, ăn uống đủ bữa chưa thể no bụng, nửa đêm có gói mỳ mới ổn.
***
HLV Hữu Thắng thì khác, mới đây đã ra lệnh cấm không cầu thủ nào xơi mỳ ăn liền, trong quá trình tập huấn tại Hàn Quốc (không biết khi sang SEA Games có cấm?) vì sợ không đảm bảo dinh dưỡng, vì thức ăn ở khách sạn rất ổn.
Tôi nghĩ, “tướng” Thắng không cần thiết phải cấm quân mình ăn mỳ ăn liền. Dinh dưỡng cầu thủ tốt hay không là cả chù kỳ dài, tích lũy thời tấm bé. Nói thẳng, chế độ dinh dưỡng cho cầu thủ và VĐV Việt Nam, rất kém, ăn chỉ mong đủ lượng, coi nhẹ chất chất, nên tái tạo năng lượng, phục hồi chậm, thể trạng và thể lực không đảm bảo.
Đã vậy, chỉ vào giải các VĐV mới được nâng chế độ dinh dưỡng kiểu đột biến. Dù thế, vẫn chẳng ăn thua gì so với các nước phát triển. Như U20 Argentina tại World Cup U20 vừa qua. Một ngày họ chia nhỏ đến 6 bữa ăn để tránh hụt năng lượng. Trong đó, món trứng cá trích được đặt trước, mà phải trứng cá trích vàng, vì cá trích đỏ nhiều cholesteron.
Thời điểm này, có nhiều việc HLV Hữu Thắng cần tập trung cho những việc lớn, hãy quên những việc nhỏ nhặt, như chuyện gói mỳ ăn liền, hoặc để cho trợ lý xử lý giúp. Bản thân ông cũng cần giữ sức khỏe, sắp xếp thời gian làm việc khoa học hơn.
Hình ảnh ông đeo kính lão, (ho nặng khiến bác sỹ phải kê thuốc uống) bật đèn flash của điện thoại để làm việc xuyên đêm, khi hành khách trên chuyến bay Hà Nội - Hàn Quốc cất cánh lúc 1h30 sáng đã ngủ. Không nhất thiết phải hành xác, thể hiện như thế, nếu không nói như thế là chưa chuyên nghiệp. Không phải vì ngày mai trái bóng SEA Games 29 sẽ lăn, mà phải hành xác mình.
Nói rộng ra, càng nên “cấm” tư duy làm thể thao theo kiểu “mỳ ăn liền”. Tức là, chỉ muốn “ăn nhanh”, mọi giá để đạt thành tích nhằm báo cáo, tệ hơn đánh bóng hình ảnh, giữ ghế. Trong khi, không chú trọng phát triển nền thể thao có tầm nhìn xa, rộng, có trọng điểm.
Trong trường hợp U22 Việt Nam vô địch SEA Games (giả như thế), rất vui, nhưng không quan trọng bằng sau đó, đẳng cấp nền bóng đá có được duy trì, phát triển hay vẫn thể hiện tư duy làm thể thao “mỳ ăn liền”.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất