Nhớ ông Miura ở ASIAD

30/03/2015 12:29 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - U23 Việt Nam thua Nhật Bản 0-2 ở vòng loại U23 châu Á tiếp tục đào sâu những khác biệt trong cách đánh giá của người hâm mộ với lối chơi được xây dựng bởi HLV Miura. Dưới đây là phân tích của nhà báo Phạm Tấn trước các nhận định, bình luận của độc giả.

Độc giả Hai Cù Nèo: Nên nhớ Nhật Bản là đội bóng hàng đầu châu Á còn chúng ta thì hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đội bóng của chúng ta thi đấu hôm qua tuổi đời cũng còn rất trẻ. Đá được như thế thì người hâm mộ chúng tôi hạnh phúc lắm rồi!

Nhà báo Phạm Tấn: Nhận xét chúng ta chỉ là một đội bóng trẻ ở đây là không chuẩn xác. Cũng giống như nhận xét của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, đại ý là chúng ta chấp đối thủ vài tuổi. Vì U23 Nhật Bản hay bất cứ đội bóng nào tham dự giải này cũng là đội bóng trẻ, gồm các cầu thủ từ 22 tuổi trở xuống. Nhưng tôi hiểu tâm lý của nhiều người trong chúng ta.

Vì đôi khi tôi cũng cho rằng các cầu thủ trẻ còn phải học hỏi, vì các cầu thủ trẻ ở những nền bóng đá phát triển họ được đào tạo, tập luyện, thi đấu tốt hơn chúng ta mà hệ thống các giải trẻ của chúng ta không ưu việt (chỉ có đá Cúp, không đá League). Nhưng lần này thì U23 Việt Nam đã có nhiều cầu thủ từng khoác áo đội tuyển lớn, đá ở V-League và có cả những người đến từ lò Hoàng Anh Gia Lai được đào tạo bài bản. 



Những cầu thủ đến từ HAGL như Công Phượng được đào tạo bài bản khá tốt. Ảnh: Thanh Hà

Bạn đọc JP: Đá với Nhật thì HLV Miura chọn chiến thuật vậy là đúng rồi. Trong bóng đá cần phải biết trình độ mình ở đâu chứ các anh hùng bàn phím cứ đòi tấn công là sao ? Muốn thua 7-0 như U19 à?

Nhà báo Phạm Tấn: Có lẽ không ai phản đối chiến thuật phòng ngự phản công mà HLV Miura lựa chọn cả. Vì đá đôi công dễ dẫn tới U23 Việt Nam vỡ trận và thua rất đậm. Nhưng có rất nhiều cách phòng ngự phản công, và vấn đề là phải có được sự hiệu quả: Một là tránh thủng lưới hoặc thua rất ít, hai là phải tạo ra các cơ hội từ phản công và ghi được bàn.

Vế thứ nhất chúng ta đã làm tốt. Vế thứ hai thì chưa, nếu không muốn nói là tồi. Chúng ta không có các pha phản công được tổ chức bài bản, không tạo ra các cơ hội từ những đường lên bóng nhanh để U23 Nhật Bản phải dè chừng mà không dám dâng lên quá cao. Nếu cần có đúc kết, thì chúng ta đá phòng ngự phản công thì ít mà phòng ngự phá bóng là nhiều.  

Độc giả Tuan Le: Đội mình mất hết một nửa đội hình vì chấn thương. Không phải ông Mura không chọn cầu thủ có kỹ thuật, HAGL lên tuyển tới 9 người chưa tính tới bổ sung nhưng mà giờ ra đi gần hết biết làm sao. Thực lực hiện như vậy, mà cho dù có đủ đội hình cũng không đủ sức đôi công với Nhật nên phải tính toán để có cơ hội vô vòng trong rồi tính tiếp.

Tuấn Anh đành rằng kỹ thuật tốt, chuyền chuẩn nhưng thường chuyền nhẹ mà trời mưa bóng không lăn thì rất nguy hiểm, vả lại sức mạnh tranh chấp không có, còn nếu đưa Văn Toàn vào sân thì trung tuyến thiếu người nên dưỡng sức cả hai cho trận gặp U23 Macau để kiếm điểm và bàn thắng. Chơi thì phải tính toán chứ, đúng không bạn?

Nhà báo Phạm Tấn: Bạn nói tính toán để dành sức cho trận đá với U23 Macau thì thoạt nghe cũng có lý. Vì chúng ta cần ghi nhiều bàn ở trận đó lấy hiệu số bàn thắng/thua. Nhưng nếu phải cất những quân bài tấn công trụ cột thì ông Miura phải tính đến Công Phượng đầu tiên. Tôi cho là ông Miura thay đổi các vị trí đá xuất phát hoàn toàn phục vụ tính toán để có một trận đấu hiệu quả trước Nhật Bản thôi. Ông muốn dùng các cầu thủ có sức mạnh, để tranh chấp nên ông đã không dùng Tuấn Anh trong khi vẫn giữ Hữu Dũng.  

Độc giả Thiên: Xem trận đấu hôm qua thực sự thấy chán nản, chán không phải vì đội tuyển của ta còn nhiều hạn chế mà chán vì cái cách tiếp cận trận đấu và chỉ đạo của HLV Miura. Đành rằng Nhật họ hơn chúng ta nhiều mặt nhưng phải thừa nhận rằng cái tư tưởng thành tích của chúng ta cũng đã được truyền tải đến vị HLV người Nhật này? Cả hiệp 1 bóng đến chân ai là phá không biết phía trước mình là ai? Thua nhưng đá kiểu vậy người hâm mộ thực sự không thích. Không hoài niệm nhưng xem U19 Việt Nam- U19 Nhật Bản chúng ta đâu có bạc nhược như thế này?



U23 Việt Nam (phải) tiếp cận trận đấu với tư tưởng phòng ngự là chủ đạo. Ảnh: Phạm Tuân

Nhà báo Phạm Tấn: Bạn đã chỉ ra một điểm quan trọng: HLV Miura chịu sức ép thành tích là phải giành vé đi VCK và thành tích này do chính ông đặt ra chứ VFF không giao chỉ tiêu. Tôi nghĩ ông xác định phải giành vé là đúng. Chúng ta không thể hoãn cả V-League hơn tháng trời để một đội tuyển trẻ đi đá cọ xát được.

Hơn nữa, giữa đá các giải giao hữu với giải chính thức, chúng ta không thể chơi với tâm lý giống nhau được. Chúng ta có mục tiêu rõ ràng trong trận đấu với Nhật là đá hạn chế bàn thua và cố gắng có 1 điểm. Điểm đúng thứ hai mà bạn chỉ ra là chúng ta phá bóng quá nhiều và hạn chế của nó tôi đã đề cập ở trên. Nếu mà đội tuyển U23 Việt Nam chơi phản công tốt hơn, tôi nghĩ chúng ta cũng đã có thể có một kết quả thuận lợi, chứ không phải là những phút cuối trận chúng ta dâng lên đá rồi lại nhận thêm bàn thua.

Chính từ việc dâng lên này mà tôi khẳng định là ông Miura có tham vọng giành điểm trước U23 Nhật Bản. Chỉ tiếc là giữa tham vọng và thực hiện lại khác biệt.   

Độc giả Nguyễn Đức Vũ: Tôi đồng ý với quan điểm của bầu Đức, theo tôi nên chọn ông Miura làm huấn luyện viên thể lực, còn ông Graechen làm HLV trưởng thì U23 sẽ đá tốt! Độc giả DZUNG V.M: Xét cho cùng, chúng ta vẫn chưa có một HLV giỏi. Trước trận đấu cả thầy lẫn trò đều run sợ. Tất nhiên họ hơn ta rồi. Nhưng sao lại sợ như vậy. Tôi ước rằng ông thầy Grachaen và Miura gộp lại làm một thì hay hơn.

Nhà báo Phạm Tấn: Đây là bạn Đức Vũ đang nói về sự tiếc nuối về lối chơi của U19 Việt Nam năm ngoái đã không còn được duy trì qua U23 Việt Nam mà bầu Đức đã nêu ra trong bài trả lời ở đây: http://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet/xem-u23-viet-nam-bau-duc-tiec-loi-da-dep-cua-u19-n20150329031510033.htm

Sự kết hợp như thế là không thể có, nhưng sẽ không bất ngờ khi lúc này có nhiều người và cả từ VFF cũng phải đặt câu hỏi là nếu lấy U19 Việt Nam năm ngoái làm nòng cốt, chỉ bổ sung thêm những vị trí cần gia cố như hàng thủ và sức mạnh hàng tiền vệ thì U23 Việt Nam sẽ thế nào. Sự gắn kết, nhuần nhuyễn, vô cùng ăn ý trong lối chơi của U19 Việt Nam với nòng cốt là U19 HAGL thực sự là điều không thể tìm thấy ở đâu của BĐVN trong hai chục năm qua cả.

Nhưng nếu đưa cả đội U19 cho HLV Miura thì ông cũng sẽ không để các cầu thủ chơi theo lối chơi, phong cách đã làm nên thương hiệu của họ. Quan điểm trong xây dựng lối chơi của ông Miura hoàn toàn khác. Và hôm nay chỉ cần lấy ví dụ là ông để các cầu thủ U23 Việt Nam sử dụng khá nhiều đòn phi hai chân trong tranh chấp là rõ. Lối đá này đã bị chỉ trích kịch liệt ở V-League, hiếm khi gặp ở các đội tuyển quốc gia trước đây. Và nó có thể chính là một trong những yếu tố làm cho ông Miura từng kết luận "V-League là giải đấu kinh khủng". 



Chiến thuật phòng ngự, phản công của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Calisto đã trở thành thương hiệu

Chúng ta từng có một HLV rất giỏi xây dựng lối đá phòng ngự phản công. Đó là ông Calisto. Nguyên tắc của ông rất đơn giản: Phòng thủ phải chặt, lên bóng phải nhanh, nhưng không bao giờ được đánh mất bóng dễ dàng, không được chuyền dài theo kiểu phá bóng.

Chúng ta đã thấy ông Miura từng làm rất tốt lối chơi phản công cho Olympic Việt Nam ở ASIAD 2014, thắng Olympic Iran tới 4-1. Liệu có phải đó chỉ là ở một giải đấu không nặng chuyện thắng thua, còn sức ép giờ đây với U23 Việt Nam là quá lớn như đã nói ở trên, bởi nếu nói chỉ đơn thuần là do chất lượng cầu thủ thì vai trò của HLV là gì?   

Độc giả Tạ Hồng Diên: Xem trận này tôi thấy một số vị trí chúng ta cầu thủ không có chất lượng! Đỗ Hùng Dũng, Tấn Tài...nên xem lại cách chọn cầu thủ của ông Miura! Nói thật tất cả các cầu thủ bảng này không ai đá tốt như Công Phượng! Trận này cất Văn Toàn, Tuấn Anh thì Công Phượng còn phối hợp với ai? thấy Công Phượng chạy xe không mà buồn cho 1 nhân tài! dẫu biết thua nhưng cũng phải đá cho đẹp chứ! ai lại đá bóng bổng cho tiền đạo tự xoay sở vậy!

Nhà báo Phạm Tấn: Bảng này không ai đá tốt như Công Phượng thì chưa chuẩn cho lắm. U23 Nhật Bản có những cá nhân xuất sắc, từ những người chơi tuyến hai có nhãn quan tinh tế, chọc khe làm nên cơ hội. Người ghi hai bàn vào lưới Minh Long là một cá nhân đẳng cấp. Nhưng Công Phượng nếu hoàn thiện hơn về thể lực, tôi nghĩ, cũng đủ khả năng kiếm được một vị trí ở U23 Nhật Bản nếu Phượng là một người Nhật Bản.   

Độc giả Nguyễn Sơn: Việt Nam thắng Macau 5 bàn là vào. Vì sau vòng đấu thứ 3, Thái Lan và Myanmar kiểu gì cũng thua nên hiệu số sẽ cao nhất chỉ là +4, +3.

Nhà báo Phạm Tấn: Chúng ta không chỉ cạnh tranh với Thái Lan và Myanmar. Còn có hàng loạt đội bóng Trung Đông khác cũng đang đứng nhì bảng với từ 4-6 điểm.

Bạn hãy theo dõi tiếp www.thethaovanhoa.vn và cả báo giấy xuất bản ngày mai nữa, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về cơ hội của U23 Việt Nam ra sao.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm