31/08/2017 06:12 GMT+7 | SEA Games 29
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 90% số HCV giành được tại SEA Games 29 thuộc các môn trong chương trình thi đấu ASIAD và Olympic. Đó là thành công lớn về chuyên môn của Thể thao Việt Nam. Nhưng rõ ràng, thành công ấy vẫn chưa thực sự trọn vẹn nếu nhìn vào sức tác động của sân chơi này với đời sống xã hội...
1. 58 HCV và 1 vị trí trong Top 3, Thể thao Việt Nam đã hoàn tất chỉ tiêu đặt ra trước ngày lên đường để tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trên bản đồ thể thao khu vực. Nhưng thành công hơn cả phải là dấu ấn của 2 môn cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic: điền kinh và bơi tại kỳ SEA Games này.
Đặt chỉ tiêu 11, nhưng chung cuộc giành tới 17 HCV cùng 3 kỷ lục Đại hội, điền kinh Việt Nam lần đầu vươn lên vị trí đầu của làng điền kinh Đông Nam Á tại một kỳ SEA Games. Thành công của điền kinh Việt Nam còn trở nên đặc biệt khi vượt qua Thái Lan (chỉ có 9 HCV) và chiến thắng ở nhiều nội dung được xem là thế mạnh của đối thủ chính này như: 100m, 4x100m, 4x400m nữ... với không ít thành tích tiệm cận với mặt bằng châu lục.
Nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn tỏa sáng trên đường đua xanh với 8 HCV - 3 kỷ lục SEA Games, nhưng dấu ấn trẻ của bơi lội Việt Nam còn đến từ những Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Kim Sơn bằng 2 chức vô địch còn lại cùng 2 kỷ lục SEA Games ở 2 nội dung 1.500m nam và 400m hỗn hợp nam.
Đóng góp tới 27 trong tổng số 58 HCV, điền kinh và bơi - 2 môn luôn là thước đo chuẩn cho tầm vóc của bất kỳ nền thể thao quốc gia nào, là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển của thể thao nước nhà.
2. Nhưng thể thao không chỉ là "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương", bởi nó còn có sức tác động đặc biệt đến dư luận và xã hội. SEA Games 29 cũng chẳng là ngoại lệ, khi thành công của Thể thao Việt Nam dù được "đong, đếm" bằng những con số Vàng, thì những nốt trầm, khoảng tối không phải là không có.
Bóng đá nam - môn thể thao Vua thêm lần nữa lỗi hẹn với giấc mơ Vàng đã kéo dài tới hơn nửa thế kỷ. Chẳng quá lời khi nói rằng SEA Games 29 với không ít người hâm mộ đã "kết thúc" ngay sau khi đội tuyển U22 thua "sấp mặt" trước Thái Lan để bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Tệ hơn, thất bại ấy lại lần nữa phơi bầy toàn bộ mặt tối của nền bóng đá quốc gia. Từ sự ảo tưởng về sức mạnh, đến những sai lầm mang tính hệ thống trong điều hành, quản lý chuyên môn... Thậm chí ngay chức vô địch SEA Games lần thứ 5 của bóng đá nữ, vốn phải chịu quá nhiều thiệt thòi cũng là 1 bất cập lớn đã quá nhiều năm tồn tại.
Và không chỉ có bóng đá nam, SEA Games hóa ra chẳng phải cái... ao làng! như không ít người dè bỉu. Gương mặt thất thần của nam xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khi văng khỏi tốp huy chương nội dung 50m súng ngắn và chỉ đạt ngôi á quân 10m súng ngắn hơi là minh chứng. Nếu không có được sự chuẩn bị nghiêm túc nhất thì ngay cả nhà vô địch Olympic cũng "đuối nước" ở cái ao làng này.
Tương tự đó là taekwondo, bắn cung, bóng chuyền nữ... thậm chí là cả futsal đã không thể có những tấm huy chương như dự kiến khi bên cạnh những khó khăn ngoại cảnh, thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là tự đánh mất chính mình.
SEA Games 29 đã kết thúc và 2 năm nữa sẽ lại là... SEA Games 30! Thành công là đáng ghi nhận, nhưng những thất bại cũng cần phải được "mổ xẻ" tới cùng, chứ không thể chỉ là... Thi xong xuôi tất cả lại về!
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất