Thể thao Việt Nam hãy để SEA Games đúng nghĩa là bàn đạp

12/10/2023 08:18 GMT+7 | Thể thao

SEA Games được coi là bàn đạp để Thể thao Việt Nam (TTVN) tiến ra châu lục và thế giới nhưng việc quá chú trọng vào thành tích ở SEA Games sẽ khiến nền thể thao không có mũi nhọn khi tham dự đấu trường lớn ngoài khu vực.

THỂ THAO VIỆT NAM HẬU ASIAD 19

Kể từ khi hội nhập trở lại phong trào Olympic quốc tế từ Olympic Moscow 1980, SEA Games chính là nền tảng và bệ phóng giúp TTVN từng bước có được vị thế như hiện tại. Bắt đầu từ SEA Games 15 vào năm 1989 tại Malaysia chỉ với 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ xếp hạng 7 tại Đông Nam Á, giờ đây, TTVN đã trở thành quốc gia hàng đầu về thể thao trong khu vực.

Không thể bỏ SEA Games

Việc coi đấu trường SEA Games là bàn đạp để tiến ra châu lục và thế giới là phù hợp với TTVN trong bối cảnh còn khó khăn về nhiều mặt như phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất - trang thiết bị, hệ thống đào tạo - huấn luyện, ứng dụng khoa học, công nghệ, y học hiện đại và mức độ đầu tư cho thể thao…

Từ thành công mang tính bước ngoặt tại SEA Games 22 với lần đầu tiên dẫn đầu Đông Nam Á cùng giai đoạn ổn định về thành tích ở 4 kỳ đại hội tiếp theo (đều nằm trong tốp 3), những mục tiêu cao hơn đối với thể thao thành tích cao đã được đặt ra. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2020 đến 2030, TTVN phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu tại ASIAD và có từ 30 đến 50 VĐV tham dự, giành trên 2 huy chương và phấn đấu giành HCV Olympic.

Thể thao Việt Nam hãy để SEA Games đúng nghĩa là bàn đạp - Ảnh 2.

Tài năng trẻ Lê Khánh Hưng từng gây bất ngờ lớn khi giành HCV môn Golf SEA Games 32 ở tuổi 15. ẢNH: TTXVN

SEA Games đóng vai trò rất quan trọng với sự phát triển của TTVN trong 3 thập kỷ qua nhưng như nhiều nhà chuyên môn đã đề cập, việc "chạy theo" số lượng thành tích ở SEA Games dẫn đến sự dàn trải, không thể tập trung mài giũa mũi nhọn đã khiến TTVN không thành công ở đấu trường lớn hơn. Chưa nói đến Olympic, thành tích thiếu ổn định trong 8 kỳ ASIAD từ năm 1994 đến nay, thậm chí có dấu hiệu "hụt hơi" ở ASIAD 19 là vấn đề mà các nhà chuyên môn của TTVN cần mổ xẻ và phân tích.

Việc lựa chọn VĐV, nội dung và môn từ SEA Games để đầu tư cho ASIAD, Olympic là đúng đắn nhưng số lượng này không tăng lên nhiều trong cả một giai đoạn. Đoàn TTVN có thể vẫn đứng trong tốp đầu khu vực nhưng với số lượng huy chương không nhỏ từ các môn ngoài Olympic, ASIAD. Tất cả những điều này đều đã được nhắc tới nhưng sự chuyển biến còn rất chậm.

Hãy đưa các tài năng trẻ đến SEA Games

SEA Games không có… lỗi ngay cả khi đó là một kỳ đại hội có sự biến động rất lớn về chương trình thi đấu, về số môn, lẫn số bộ huy chương sau mỗi chu kỳ 2 năm. Việc ứng xử thế nào với SEA Games sẽ quyết định và tác động tới thành tích của TTVN trong hành trình vươn ra châu lục và thế giới. Thành tích ở SEA Games cần được tính toán sao cho phù hợp và hài hòa với các mục tiêu tại ASIAD và Olympic.

Nếu như có thể, SEA Games sẽ là đấu trường để các tài năng trẻ của TTVN rèn luyện và trưởng thành theo đúng nghĩa là bàn đạp để vươn tới thành tích cao hơn. SEA Games nên là nơi để TTVN tìm kiếm, phát hiện tài năng trong nhóm môn của ASIAD và Olympic, đồng thời, mang mục đích tập dượt và nâng cao trình độ. Nhìn từ kỳ SEA Games gần nhất, thành tích ở các môn mới lạ như cờ ốc, Kun Bokator, Kun Khmer chỉ mang tính thời điểm chứ không củng cố cho khả năng vươn lên của TTVN.

Sau SEA Games 31, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn lúc đó từng bày tỏ lo ngại về khả năng tranh chấp của TTVN tại ASIAD 19 và lúc này những nỗi lo ấy đã hiện hữu. TTVN không thể khoanh vùng "trọng điểm của trọng điểm" để đầu tư ngay cả khi vẫn sở hữu những tài năng ở các môn điền kinh, bơi, thể dục, bắn súng, bắn cung… do quy mô của một đoàn thể thao với số lượng rất lớn về con người lẫn số môn, số nội dung tham gia thi đấu.

Giải bài toán thành tích SEA Games, cũng cần có sự "chia lửa" từ các địa phương từ yếu tố con người, chỉ tiêu thành tích và kinh phí đầu tư. Sự đổ dồn trách nhiệm lên vai ngành thể thao với nguồn lực từ ngân sách có giới hạn đương nhiên sẽ "làm khó" cho việc hiện thực hóa chỉ tiêu ở ASIAD hay Olympic. 

Nếu muốn có thành tích tốt hơn ở ASIAD và Olympic trong chu kỳ tiếp theo, TTVN rất cần được cải tổ và điều chỉnh về cách làm, cách xây dựng mục tiêu bắt đầu từ SEA Games, với sự sàng lọc và lựa chọn khu biệt hơn, có tác động thiết thực hơn. Điều nhiều người chờ đợi là thành tích tiệm cận với châu lục và thế giới từ đấu trường SEA Games chứ không hẳn là những tấm huy chương phần nhiều mang ý nghĩa về số lượng.

THỂ THAO VIỆT NAM HẬU ASIAD 19

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm