TTK Ủy ban Olympic Hoàng Vĩnh Giang: "Không thể nói Việt Nam thất bại tại Olympic 2012"

14/08/2012 06:20 GMT+7 | Đoàn Olympic Việt Nam

Phó chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang khẳng định dư luận đã đánh giá không đúng khi dùng từ thất bại với màn trình diễn của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012.

Đừng dùng từ thất bại

-     Kết thúc Olympic 2012, Đoàn thể thao Việt Nam không giành được tấm huy chương nào. Phải chăng đây là kỳ Olympic thất bại của thể thao Việt Nam?

-    - Rất tiếc khi thể thao Việt Nam không giành được tấm huy chương nào tại Olympic London 2012, tuy nhiên, tôi không đồng tình với cách dùng từ “thất bại”, chỉ nên gọi là “kỳ Olympic không thực sự thành công”. Nói thất bại là xúc phạm cố gắng của các VĐV, của các tỉnh thành, ban ngành trong thời gian qua.

-    Ông có thể đưa ra một bằng chứng để chứng minh đây không phải là một kỳ Olympic thất bại với thể thao Việt Nam?

-    - 4 năm trước, tại Olympic Bắc Kinh, đoàn thể thao Việt Nam chỉ có 8 VĐV được góp mặt. Năm nay, tại London 2012, chúng ta có tới 18 VĐV giành vé tham dự. Đây là bằng chứng cho một thành công của thể thao Việt Nam. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đều có số lượng VĐV dự Olympic giảm so với 4 năm trước.



Phó chủ tịch- Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho rằng không nên dùng từ thất bại với TTVN tại Olympic London

-   Nhưng các quốc gia trên đều có huy chương, trong khi chúng ta trắng tay?

-   - So sánh như vậy không chuẩn xác. Các quốc gia trên đều có các môn mà họ mạnh, từ trước khi thi đấu đã được nhận định sẽ có huy chương. Trong khi đó các VĐV Việt Nam tới Olympic London với thực lực khiêm tốn, Chính phủ và Bộ VH-TT-DL cũng biết giới hạn, không đưa ra chỉ tiêu phải giành huy chương. Mà chính các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng có thành tích không được như mong đợi chứ không riêng gì Việt Nam. Ví dụ điển hình là Thái Lan, họ đề ra mục tiêu phải có một tấm HCV nhưng cuối cùng có đạt được đâu.

Theo ông đâu là nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam không giành được huy chương tại Olympic 2012, chúng ta không chuẩn bị tốt hay VĐV thi đấu dưới sức mình

- Tôi không trực tiếp lo công tác chuẩn bị trước Olympic nên không biết được. Tất nhiên, theo dư luận thì cũng có một số VĐV không được chuẩn bị tốt như đô vật Nguyễn Thị Lụa không được đi tập huấn, không có chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, đội rowning không có thuyền chất lượng để tập…, tuy nhiên, nước nào mà chả có chút khó khăn trong công tác chuẩn bị. Còn nói các VĐV thi đấu không tốt thì cũng không đúng, có người vượt qua chính mình, có người không. Rất nhiều VĐV đáng được khen ngợi, họ đã vượt qua chính mình như Thanh Phúc, Hoàng Xuân Vinh…

Hoàn toàn có cơ hội giành HCV tại Olympic 2016

Theo dõi Việt Nam thi đấu tại Olympic London 2012, ông thấy trường hợp VĐV nào của Việt Nam có cửa giành huy chương mà vuột đáng tiếc?

-  Hai trường hợp mà tôi thấy tiếc nhất là Hoàng Xuân Vinh và Trần Lê Quốc Toàn. Hoàng Xuân Vinh đã về thứ 4 ở vòng loại và anh cũng chỉ mất huy chương ở loạt bắn cuối cùng. Với khả năng như trên, cơ hội để Hoàng Xuân Vinh giành huy chương không phải là nhỏ. VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn cũng vậy, cậu ta rất có năng lực, nếu tính toán chuẩn xác hơn chút cậu ta đã có thể giành huy chương.

Theo ông tới kỳ Olympic 2016 liệu thể thao Việt Nam có thể giành HCV?

- Chính phủ và Bộ VH-TT-DL cũng đề ra chỉ tiêu là cố gắng giành một tấm HCV tại Olympic 2016 được tổ chức tại Brazil. Theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta hoàn toàn có thể giành được HCV ở kỳ Thế vận hội sắp tới.

 Ông căn cứ vào đâu để đưa ra nhận định trên?

- Thể thao Việt Nam không thiếu các tài năng. Thêm vào đó, tại Olympic có không ít môn tôi thấy rất phù hợp với người Việt Nam. Người Việt Nam ta có thể hình và thể lực thua các nước trên thế giới nhưng chúng ta thông minh, khéo léo. Thành tích của các VĐV Việt Nam giờ cũng đã tiệm cận so với các đối thủ trên thế giới.

Để đạt được HCV Olympic, theo ông thể thao Việt Nam cần phải làm gì?

- Muốn giành HCV Olympic, chúng ta phải đầu tư dài hạn và phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Ngay từ thời điểm này phải tìm kiếm các tài năng thể thao, tập trung đầu tư vào. Cần thuê chuyên gia hướng dẫn cặn kẽ, sát sao, cho các VĐV đi tập huấn ở nước ngoài rồi để họ tham dự nhiều giải đấu quốc để tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện bản lĩnh.

 Xin cảm ơn ông!

Theo TTNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm