23/08/2024 07:49 GMT+7 | Thể thao
Kể từ năm 2016 đến nay, thành tích của thể thao Việt Nam tại Paralympic đều tốt hơn tại Olympic. Nhắc như vậy để thấy các VĐV thể thao người khuyết tật của Việt Nam đến Paris với áp lực cũng đúng, mà động lực thì cũng không sai.
1. Thể thao Việt Nam lần đầu tiên tham dự Paralympic tại Sydney 2000, với vỏn vẹn 2 VĐV và không giành được huy chương nào. Ở ba kỳ Paralympic sau đó tại Hy Lạp, Bắc Kinh, và London, số lượng các VĐV đã tăng dần (4, 9, và 11).
Trong 12 năm ấy, khi Việt Nam đã có 3 tấm huy chương Olympic của Trần Hiếu Ngân (taekwondo, 2000), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ, Bắc Kinh 2008) và Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ, London 2012 – khi võ sĩ giành HCĐ bị tước huy chương vì doping), thì các VĐV Paralympic vẫn trắng tay. Tuy nhiên, sau khi Thể thao Việt Nam giành 1 HCV, 1 HCB ở Thế vận hội Rio 2016, đoàn thể thao người khuyết tật của chúng ta cũng gây ấn tượng mạnh tại Paralympic 2016 với 1 HCV, 1 HCB, và 2 HCĐ.
5 năm sau, thể thao Việt Nam trắng tay tại Tokyo nhưng tại Paralympic, chúng ta vẫn ra về với 1 tấm HCB của đô cử Lê Văn Công ở hạng cân 49 kg. Vừa qua, các VĐV Việt Nam tiếp tục không thể gặt hái được tấm huy chương nào ở Olympic Paris 2024. Và bây giờ, sự kỳ vọng lại được trao cho đoàn Thể thao người khuyết tật ở Paralympic 2024, với 7 VĐV (5 nam, 2 nữ), tranh tài 6 nội dung ở 3 môn thể thao gồm điền kinh, cử tạ, và bơi.
Hôm nay, 23/8, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam, với 14 thành viên - trong đó có 7 VĐV (5 nam, 2 nữ), 3 HLV cán bộ đoàn, 1 bác sĩ – sẽ bay sang Paris để tập luyện, làm quen với môi trường thi đấu. Mục tiêu của đoàn tại Paralympic 2024 là giành được từ 1 đến 2 tấm huy chương.
2. Sự kỳ vọng đi kèm với áp lực, nhưng nó cũng sẽ tạo ra động lực lớn lao. Điều tích cực là những niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta cũng là những VĐV dày dạn nhất, và đủ kinh nghiệm để đối mặt với sức ép.
Lê Văn Công là một minh chứng. Đô cử sinh năm 1984 này đang giữ kỷ lục thế giới ở hạng cân 49 kg và sẽ có lần thứ 3 liên tiếp dự Thế vận hội. Sau tấm HCV ở Rio 2016, Văn Công hụt tấm HCV tại Tokyo 2021 một cách đầy đáng tiếc do nặng hơn đối thủ Omar Qarada (Jordan)… 100 gam. Qarada cũng là đối thủ nhiều duyên nợ nhất với Văn Công trong gần 10 năm qua. Ở giải vô địch thế giới 2023, Văn Công nâng mức tạ 176 kg, hơn Qarada 1 kg để giành HCV, nhưng sau đó, anh lại về sau đối thủ này ở Asian Para Games. Hồi tháng Năm vừa rồi, Lê Văn Công đã giành HCV ở giải vô địch thế giới với mức tạ 168 kg, nhưng Qarada không tham dự… Hiện Văn Công chưa bình phục hẳn chấn thương vai, nhưng kinh nghiệm và ý chí vẫn là điểm mạnh lớn nhất của anh.
Ngoài việc chiến đấu vì niềm tự hào dân tộc, các VĐV hiểu rằng thành công ở Paralympic còn mang lại những lợi ích thực tế nữa. Mới đây, UBND TPHCM đã phối hợp cùng Sở VHTT TPHCM trao tặng mỗi VĐV, HLV 30 triệu đồng trước khi xuất quân.Mức thưởng nóng cho HCV, HCB, HCĐ tại Paralympic Paris cũng đã được công bố lần lượt là 200 triệu đồng, 100 triệu đồng và 70 triệu đồng. Ngoài ra, theo Nghị định số 152/2018 của Chính phủ, mức thưởng cho VĐV thể thao người khuyết tật VN ở Paralympic là 220 triệu đồng (HCV), 140 triệu đồng (HCB), 85 triệu đồng (HCĐ). Ngoài ra, VĐV nào phá kỷ lục ở Paralympic cũng nhận được phần thưởng 85 triệu đồng.
Sau tấm HCV ở Paralympic Rio 2016, đô cử Lê Văn Công đã nhận được hơn 800 triệu đồng tiền thưởng từ nhiều đơn vị. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt lên số phận, thi đấu kiên cường vì màu cờ sắc áo.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất