'Xoay trục' sang Trung Quốc, ông Duterte bắt đầu lãnh hậu quả?

03/11/2016 08:07 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Gần 2 tuần sau chuyến thăm Trung Quốc và tuyên bố "chia tay" Mỹ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lần đầu tiên cảm thấy những tác động của điều này dường như là một kết quả cộng hưởng khiến các đồng minh của ông xa lánh.

Hậu quả đầu tiên: Cựu tổng thống rất có uy tín tại Philippines, ông Fidel Ramos đã quyết định thôi không làm đặc phái viên phụ trách Trung Quốc cho đương kim Tổng thống Duterte. Chính ông Ramos đã thông báo vụ từ chức vào hôm 2/11. Từ khi ông Duterte nhậm chức cuối tháng 6, ông Ramos là một đồng minh rất đắc lực của tân Tổng thống.

Trước báo chí, ông Duterte giải thích ông Ramos bất đồng với ông trên hai chủ đề: Chiến dịch chống ma túy và chính sách ngoại giao xa rời Mỹ. Nhà lãnh đạo Philippines cho rằng ông Ramos là một nhà quân sự, từng được đào tạo ở West Point, và không muốn "đối đầu" với Mỹ.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Cựu tổng thống Ramos được đề cử là đặc phái viên ông Duterte về Trung Quốc để cải thiện quan hệ rất căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh. Tháng 8 ông đã đến Hong Kong để làm "tan băng" mối quan hệ, nhưng đã vắng mặt trong chuyến đi Trung Quốc tháng 10 của ông Duterte.

Trên đài GMA7, cựu tổng thống Ramos giải thích ông từ chức vì đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng qua lời lẽ của ông Duterte, giới phân tích cho rằng có sự bất đồng sâu sắc giữa hai ông Ramos và Duterte. Ông Ramos là một những chính khách hiếm hoi công khai chỉ trích chiến dịch chống ma túy của ông Duterte đã làm hơn 4.000 người thiệt mạng.

Về chính sách ngoại giao chủ trương chia tay với Mỹ của đương kim tổng thống, tháng 10 vừa qua ông Ramos đã tự hỏi: "Chúng ta đang từ bỏ hàng thập niên đối tác quân sự, phối hợp chiến thuật, trang bị vũ khí, tình đồng đội … một cách dễ dàng như thế sao?"

Việc ông Ramos ra đi sẽ là một mất mát lớn đối với chính quyền của Tổng thống Duterte. Trả lời câu hỏi về sự ra đi của ông Ramos, một phát ngôn viên của Tổng thống Duterte đã gọi ông Ramos là "vô giá" đối với chính quyền. Một phụ tá khác của Tổng thống Duterter nói với giới truyền thông rằng ông "thực sự ngạc nhiên" về việc từ chức.

Một bất ngờ chua xót thứ hai: Mỹ đã đình chỉ thương vụ bán 26.000 súng trường tấn công M4 cho Cảnh sát quốc gia Philippines. Hãng Reuters đưa tin hôm 1/11 rằng Mỹ đã dừng việc bán vũ khí do sự phản đối từ Thượng nghị sĩ Ben Cardin, quan chức cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và chỉ trích "cuộc chiến chống ma túy" của ông Duterte.

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines cho biết trong một tuyên bố rằng ông "rất buồn" khi nghe tin này. Trong khi đó, ông Duterte đã gọi những người đứng sau quyết định này là "kẻ ngu ngốc" và "những con khỉ", đồng thời nói bóng gió sẽ chuyển hướng sang các nguồn cung từ Nga và Trung Quốc.

Ông Duterte có phần đúng. Việc dừng thương vụ bán 26.000 khẩu súng là một hành động nhỏ, so với 9 triêu USD viện trợ mà Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cấp cho các chương trình chống ma túy và thực thi pháp luật ở Philippines năm 2017, và với 32 triệu USD mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cam kết cho các chương trình thực thi pháp luật của ông Duterte vừa qua.

Nhưng đó là một động thái cho thấy rằng một số nguồn tài trợ của Mỹ cho Philippines có thể và sẽ bị cắt nếu ông Duterte vi phạm nhân quyền và tiếp tục có những lời lẽ chống Mỹ. Phó Giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Giám sát Nhân quyền Liên hợp quốc Phelim Kine đã gọi đó là "hành động đầu tiên thực sự của Mỹ nhằm chỉ trích số người thiệt mạng đang tăng lên do cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte gây ra".

Theo Công Thuận - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm