Vụ sập cầu ở Ấn Độ: Đã có 22 người chết; còn nhiều nạn nhân đang bị mắc kẹt

01/04/2016 11:09 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo hãng tin Pháp (AFP), trong đêm 31/3, lực lượng cứu hộ tại Ấn Độ nỗ lực chạy đua với thời gian để cứu hàng chục người vẫn mắc kẹt sau khi một cầu vượt bị sập tại thành phố Kolkata, miền Đông Ấn Độ khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và gần 100 người bị thương.

Một đoạn khoảng 100 mét của chiếc cầu vượt đang thi công đã bất ngờ đổ sập xuống đường phố đông đúc của thành phố vào trưa cùng ngày, vùi lấp nhiều người đi bộ và nhiều phương tiện. Hiện trường xảy ra vụ sập cầu là nơi mỗi ngày có hàng trăm công nhân sinh hoạt gần đó.

Một nhân chứng cho biết hai xe buýt chở 100 hành khách, 8 taxi và 6 xe kéo cũng bị mắc kẹt trong đống đổ nát.


Hiện trường vụ sập cầu chôn vùi ai xe buýt chở 100 hành khách, 8 taxi và 6 xe kéo cùng nhiều công nhân

Cơ quan quản lý thiên tai của bang Tây Bengal xác nhận số người thiệt mạng đã tăng lên 22 người trong khi 17 trong số 92 người được cứu đang phải điều trị tại bệnh viện. Giới chức Ấn Độ cho rằng số người thiệt mạng dự kiến tăng lên do nhiều người vẫn mắc kẹt.

Trong khi đó, đội cứu hộ được trang bị máy cắt, máy khoan, thiết bị cảm biến và chó nghiệp vụ đang nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Theo Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia, 400 nhân viên cứu hộ, 300 binh sĩ Ấn Độ cùng hàng trăm cảnh sát và quan chức địa phương đang nỗ lực tại hiện trường, làm việc thâu đêm để giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt.

Chiến dịch cứu hộ gặp khó khăn khi phải đưa các máy móc lớn và xe cứu thương qua những con phố chật hẹp của Burrabazar, một trong những khu vực tắc nghẽn nhất của thành phố.

Cầu vượt trên dài 2 km được khởi công vào năm 2009 do công ty xây dựng IVRCL của Ấn Độ thi công. Dự kiến cầu này được hoàn thành trong vòng 18 tháng với ngân sách gần 25 triệu USD. Sau tai nạn trên, các văn phòng của công ty IVRCL tại Kolkata đã bị niêm phong, trong khi cảnh sát bước đầu cáo buộc công ty này tội giết người không chủ ý.

Tai nạn trên là thảm họa mới nhất trong hàng loạt vụ sập công trình ở Ấn Độ. Các vụ sập cầu thường xảy ra ở nước này chủ yếu là do sử dụng vật liệu kém chất lượng và các quy định an toàn lỏng lẻo.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm