Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Thêm 6.000 người bị sa thải

07/01/2017 11:54 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/1 đã tiếp tục sa thải hơn 6.000 người, bao gồm cảnh sát, công chức và học giả theo luật tình trạng khẩn cấp.
Động thái này nằm trong khuôn khổ chiến dịch "thanh lọc" bộ máy nhà nước chưa từng có tiền lệ của Ankara sau âm mưu đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 tại nước này.

Nhật báo "Hurriyet" đưa tin Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành 3 sắc lệnh khẩn cấp mà không cần thông qua tại Quốc hội, yêu cầu sa thải 2.687 cảnh sát, 1.699 công chức thuộc Bộ Tư pháp, 838 người thuộc Bộ Y tế, hơn 630 học giả và 135 công chức thuộc cơ quan phụ trách vấn đề tôn giáo.

Ngoài ra, Ankara cũng tuyên bố sẽ tước quốc tịch của những cá nhân bị Thổ Nhĩ Kỳ truy lùng và đang trốn chạy ra nước ngoài, nếu như những người này không sớm trở về nước trong vòng 3 tháng.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/1 vừa qua đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ nước này kéo dài thêm 3 tháng tình trạng khẩn cấp.

Đây là lần thứ hai Ankara gia hạn tình trạng khẩn cấp vốn được áp đặt từ sau vụ đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Tayip Erdogan.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm kéo dài cuộc thanh trừng những người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - nhân vật hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính nói trên.

Sau vụ chính biến hồi tháng 7 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điều tra gần 102.000 người, giam giữ 41.000 người chờ xét xử và đình chỉ công tác hoặc sa thải hơn 100.000 người làm việc trong các ngành quân đội, tòa án, dân chính hoặc các ngành khác.

Đa số những người này bị tình nghi có liên quan tới mạng lưới ủng hộ Giáo sĩ Gulen./.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm