23/03/2019 08:05 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Thủ tướng Anh Theresa May đề nghị với Liên minh châu Âu (EU) lùi ngày Anh rời EU còn gọi là Brexit, EU đã thống nhất dành cho Anh hai lựa chọn về việc rời ngày Brexit. Với quyết định này, EU đã bỏ ngỏ mọi lựa chọn cho Anh, nhưng cho dù có như vậy thì nó cũng không khiến cho tương lai Brexit trở nên rõ ràng hơn.
EU dành cho Anh hai lựa chọn về việc rời ngày Brexit
Sau khi thỏa thuận Brexit sửa đổi của Thủ tướng May tiếp tục thất bại tại Hạ viện hôm 12-3, kịch bản được nhắc đến nhiều nhất là việc Anh sẽ buộc phải lùi thời điểm rời EU sau ngày 29-3 tới, cùng với đó là nguy cơ về việc những bế tắc xoay quanh tiến trình Brexit sẽ còn kéo dài.
Trước thực trạng này, trong cuộc bỏ phiếu ngày 20-3, với 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất lùi thời hạn Brexit đến sau ngày 29-3 tới, đồng thời phản đối đề xuất trì hoãn Brexit để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2.
Như vậy là sau 2 lần bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May và cũng phản đối khả năng "ly hôn" không thỏa thuận, Hạ viện Anh đã lựa chọn một "khoảng dừng", được cho là nhằm tạo điều kiện cho nội bộ nước Anh tìm kiếm thêm sự đồng thuận.
Sau khi Hạ viện Anh thông qua đề xuất lùi thời hạn Brexit đến sau ngày 29-3 tới, Thủ tướng Anh May đã viết thư gửi Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk xin lùi ngày kích hoạt Điều khoản 50. Theo đó, Thủ tướng Anh Theresa May đề nghị EU lui thời điểm "ly hôn" ngày 29-3 cho tới ngày 30-6 tới.
Còn về phía EU, sau cuộc thảo luận chiếm phần lớn thời gian tại Hội nghị thượng đỉnh EU, ngày 21-3, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đã thống nhất dành cho Anh hai lựa chọn về việc rời ngày Brexit.
Kịch bản thứ nhất là hoãn Brexit đến ngày 22-5 nếu Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May với EU vào tuần tới. Nếu kịch bản thứ nhất xảy ra, nước Anh sẽ rời EU trong trật tự vào ngày 22-5, một ngày trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Kịch bản thứ hai, Anh hoặc có thể "rời ngôi nhà chung" ngay thời điểm 12-4, nếu các nghị sĩ một lần nữa bác bỏ thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba dự kiến diễn ra trong tuần tới, hoặc sẽ tiếp tục đề nghị kéo dài thời hạn Brexit và tham gia vào cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Theo một nguồn tin tại EU, trong trường hợp này, Anh có thể được EU chấp thuận lùi thời điểm Brexit tới cuối năm 2019.
Với quyết định này, EU đã bỏ ngỏ tất cả mọi lựa chọn cho Anh. Nói cách khác là "quả bóng" lại được đẩy về sân Anh. Quyết định này cũng cho thấy quan điểm của EU đã mềm dẻo hơn, khi trước đây EU luôn khẳng định rằng nếu Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận vào tuần tới thì Anh sẽ ra đi "không thỏa thuận" vào ngày 29-3, đồng nghĩa với việc quay trở lại kiểm soát biên giới và hàng rào thuế quan.
Thủ tướng Anh Theresa May đã hoan nghênh quyết định của EU, và cho rằng các nhà lập pháp của Quốc hội nước này giờ đây đã có những lựa chọn rõ ràng về việc sẽ làm điều gì tiếp theo.
Những ngã rẽ nhiều rủi ro
Trên thực tế, Thủ tướng May không phải là người ủng hộ gia hạn Brexit bởi bà cho rằng đây không phải giải pháp để giải quyết gốc rễ vấn đề. Mấu chốt của Brexit vẫn là nước Anh rời EU có thỏa thuận hay không thỏa thuận, hoặc là không có Brexit. Việc trì hoãn Brexit sẽ khó giải quyết được những vướng mắc hiện nay bởi nội bộ Anh đã quá chia rẽ về vấn đề này. Hơn thế nữa, bản thân việc nước Anh đề xuất trì hoãn lùi thời điểm Brexit cũng khiến vị thế trên bàn thương lượng với EU bị giảm sút. Tuy nhiên, bà May thì đã bị đẩy đến đường cùng và phải chấp nhận giải pháp trì hoãn.
Về lý thuyết, việc EU đồng ý gia hạn Brexit đồng nghĩa với khối này đưa ra thêm các điều kiện đối với Anh. Và việc ở kịch bản thứ nhất EU đồng ý hoãn Brexit cho đến ngày 22-5 nếu Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận của Thủ tướng May là một minh chứng cụ thể buộc Anh phải đưa ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể và chính xác để giải thích rằng nước Anh cần gia hạn Brexit để làm gì. Bởi trên thực tế, Hạ viện Anh đã hai lần bác bỏ thỏa thuận Brexit sửa đổi của Thủ tướng Theresa May.
Còn với kịch bản thứ hai, ngày định mệnh của Brexit 29-3 có thể được chuyển sang 12-4 và theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, tất cả mọi lựa chọn đều đang bỏ ngỏ. Hoặc có thể là tiếp tục tìm kiếm thành công trong cuộc bỏ phiếu cho thỏa thuận "ly hôn", hoặc nước Anh ra đi không thỏa thuận, hay khả năng trì hoãn dài hạn Brexit, thậm chí là Anh từ bỏ Brexit.
Trong khi tiến trình Brexit còn đang trong tình trạng hết sức rối ren, chỉ trong vòng 24 giờ, đã có hơn 1 triệu người dân Anh ký vào kiến nghị trực tuyến yêu cầu chính phủ nước này ngừng tiến trình Brexit.
Tính đến tối 21-3, kiến nghị yêu cầu ngừng Brexit và hủy bỏ tiến trình này đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký trực tuyến. Trang mạng của Quốc hội Anh, nơi đăng kiến nghị, đã có lúc bị sập do quá nhiều người cùng vào ký. Vào lúc 16h15 giờ địa phương (hơn 21 giờ Việt Nam), đã có 1,086 triệu người ký kiến nghị.
Bản kiến nghị có đoạn: "Chính phủ liên tục tuyên bố rằng việc rút khỏi EU là ý nguyện của người dân. Chúng ta cần chấm dứt tuyên bố này, chứng tỏ ngay sức mạnh lòng dân, để ở lại với EU". Trước đó, con số những người muốn ký kiến nghị gia tăng đột biến sau khi Thủ tướng Theresa May đề nghị EU gia hạn thời điểm Brexit.
Số liệu trang mạng của Quốc hội Anh ghi nhận được cho thấy số người ủng hộ đề xuất ngừng Brexit đông nhất tại khu vực thủ đô London, Bristol và Brighton. Theo quy định, kiến nghị thu thập được từ 100.000 chữ ký trở lên, vấn đề sẽ phải được đưa ra quốc hội thảo luận.
Dù EU đã thống nhất dành cho Anh hai lựa chọn về việc rời ngày Brexit, nhưng trước viễn cảnh đầy khó khăn, các chuyên gia phân tích nhận định Thủ tướng Anh và số phận Brexit của nước Anh vẫn chưa thể ngã ngũ. Tương lai khó đoán định của tiến trình Brexit cũng đặt vận mệnh chính trị của Thủ tướng May trước những ngã rẽ nhiều rủi ro.
TTXVN/Thanh Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất