24/08/2019 15:34 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/8, tại nhiều thành phố của Brazil, hàng nghìn người dân đã đổ ra đường, tham gia cuộc tuần hành đòi bảo vệ rừng rậm nhiệt đới Amazon vốn phải hứng chịu các vụ cháy trong thời gian qua.
Tại các thành phố như Rio de Janeiro, Sao Paolo và Brasilia, những người biểu tình kêu gọi có hành động nhằm bảo vệ rừng Amazon trước nạn tàn phá nghiêm trọng. Người tham gia biểu tình còn chỉ trích chính sách về môi trường chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro, đồng thời yêu cầu Tổng thống cách chức Bộ trưởng Môi trường Ricardo Salles.
Trước đó, lãnh đạo phe đối lập đã gửi thư yêu cầu tiến hành luận tội Bộ trưởng Salles với cáo buộc các chính sách của ông đi ngược lại với nhiệm vụ của một bộ trưởng Môi trường.
Các vụ cháy tại rừng Amazon, khu vực được coi là "lá phối của hành tinh", cũng dẫn tới các hoạt động biểu tình tại nhiều nước khác. Trước đó, cùng ngày, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra bên ngoài đại sứ quán và lãnh sự quán Brazil tại các thành phố lớn như London (Anh), Berlin (Đức), Madrid (Tây Ban Nha) và Mumbai (Ấn Độ).
Trong khi đó, tại Pháp, hàng nghìn người có kế hoạch tổ chức cuộc tuần hành trong bán kính 30 km xung quanh khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Biarritz, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhằm lên án tình trạng đói nghèo và thiệt hại về môi trường.
Từ hai tuần qua, các vụ cháy rừng Amazon đã tàn phá hàng chục nghìn ha rừng nhiệt đới. Cộng đồng quốc tế quan ngại các vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ động thực vật tại khu vực được gọi là “lá phổi xanh của hành tinh”.
Theo số liệu chính thức của Chính phủ Brazil, hơn 76.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở nước này trong 8 tháng đầu nay, con số cao nhất kể từ năm 2013, và hầu hết xảy ra ở rừng Amazon. So với cùng kỳ năm ngoái, cháy rừng Amazon từ đầu năm đến nay tăng 83%.
Hiện con số thiệt hại chính xác vì cháy rừng Amazon vẫn chưa được xác định, song khói mù đã phủ kín thành phố Sao Paulo và một số thành phố khác của Brazil. Trong khi đó, cháy rừng có xu hướng nghiêm trọng hơn do mùa khô hanh hiện nay, kéo dài đến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, cùng thói quen phá rừng làm nương rẫy và bãi chăn thả gia súc.
Thanh Hương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất