Tổng thống Mỹ Barack Obama: TPP sẽ cho phép 'những giá trị made in USA' đến toàn thế giới

06/10/2015 05:43 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/10, các nước Vành đai Thái Bình Dương vừa đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã cam kết tăng cường hợp tác về hàng loạt các vấn đề kinh tế, trong đó có tiền tệ.


Ngay sau khi các Bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau nhiều năm đàm phán, nhiều nước đã hoan nghênh sự kiện mang tính đột phá đối với hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá thỏa thuận mà các nước vừa đạt được phản ánh "những giá trị của Mỹ" và "đặt người lao động Mỹ lên tuyến đầu". Theo ông, TPP sẽ cho phép Mỹ xuất khẩu nhiều sản phẩm đóng mác "Sản xuất tại Mỹ" trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhấn mạnh sau 5 năm đàm phán tích cực, 12 nước tham gia đàm phán đã đạt được một thỏa thuận chung giúp tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thúc đẩy sáng tạo trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cùng ngày cũng ra tuyên bố bảo vệ TPP, gọi đây là một "thỏa thuận toàn diện và cân bằng", sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn sống và giảm đói nghèo. Theo USTR, TPP sẽ xóa bỏ và cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đánh vào một loạt các mặt hàng và dịch vụ, giải quyết các vấn đề như sự phát triển của kinh tế kỹ thuật số và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. Cơ quan này cũng đánh giá việc hoàn tất đàm phán TPP, với các tiêu chuẩn cao hơn đối với thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, "như một bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu cuối cùng là mở cửa thương mại và hội nhập khu vực".

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Canada Ed Fast đánh giá thỏa thuận trên "thực sự mang tính chuyển tiếp", sẽ giúp định hình tương lai đối với nhiều thỏa thuận thương mại khác trong thế kỷ 21. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser (Tim Grô-xơ) nhấn mạnh thỏa thuận cuối cùng vừa đạt được có ý nghĩa "đặc biệt quan trọng và mang lại nhiều lợi ích đối với các thế hệ người dân tại các nước tham gia đàm phán".

Trước đó cùng ngày, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới. Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Cũng ngay sau khi Hiệp định TPP được ký kết, giới chức phụ trách chính sách kinh tế vĩ mô của 12 nước TPP ra tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi vui mừng thông báo hôm nay rằng chúng tôi đang nỗ lực để tăng cường hợp tác kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề tỷ giá hối đoái, trong một diễn đàn phù hợp".

Tuyên bố nói thêm: "Công việc sắp được triển khai phản ánh mối quan tâm chung của chúng tôi trong việc tăng cường hợp tác về các chính sách kinh tế vĩ mô, và sẽ giúp đảm bảo hơn nữa sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong khu vực TPP cũng như góp phần đảm bảo hiện thực hóa các lợi ích của TPP"./.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm