Thừa Thiên - Huế thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

07/04/2013 10:14 GMT+7 | Thế giới



Tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trương, từ năm 2013 trở đi, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất sạch, cung cấp nguồn lao động qua đào tạo để thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN). Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư dự án thứ cấp xây dựng nhà máy, đồng thời huy động các nguồn vốn xây dựng hạ tầng phục vụ các dự án trong KCN.

Biện pháp để thu hút các dự án vào các KCN là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường các dịch vụ tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án và các doanh nghiệp trong KCN. Hiện nay, mỗi năm, các KCN trong tỉnh cần tuyển 15.000 lao động qua đào tạo; đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chỉ sau 7 năm thành lập đã thu hút khoảng 6.000 lao động. Dự tính đến năm 2015, khu kinh tế này cần khoảng 24.700 lao động và đến năm 2020 là hơn 70.000 lao động. Do vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ tay nghề, có chuyên môn thích ứng đang được tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm đầu tư. Ở giai đoạn này, khi có sự liên thông giữa trường dạy nghề và doanh nghiệp thì việc đầu tư thích đáng cho các nghề trọng điểm sẽ là hướng đào tạo có hiệu quả như ở Thừa Thiên - Huế hiện nay. Bên cạnh đó, dạy nghề cơ khí, điện tử trong thời gian tới cũng là nghề mũi nhọn khi phải đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề vận hành được các máy tự động, ứng dụng phần mềm chuyên dùng trong lắp ráp các linh kiện, trong chế biến nông - lâm - hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng cơ khí, kim khí; hoặc lao động có tay nghề để hình thành các khu nuôi tạo con giống thủy sản, đặc sản có giá trị cao, hướng đến chuyên nghiệp trong đánh bắt xa bờ trong nông nghiệp, nông thôn ven biển.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi bao gồm: Các khu chức năng, các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài và cơ chế quản lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong khung pháp lý hiện hành và ngày càng hoàn thiện.

Đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 66 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 1.959 triệu USD. Các dự án đầu tư nước ngoài vào các KCN ở Thừa Thiên - Huế ngày càng có qui mô lớn, đa dạng trên các lĩnh vực như: công nghiệp dệt may, du lịch, chế biến thực phẩm đồ uống…Đặc biệt, một số dự án đầu tư nước ngoài hoạt động rất hiệu quả như Bia Huế với sản lượng khoảng 230 triệu lít/năm, tiếp tục dự án mở rộng nhà máy Bia Phú Bài giai đoạn 3 với tổng mức đầu tư gần 40,7 triệu USD. Các doanh nghiệp trên lĩnh vực dệt may đang hoạt động hiệu quả tại các khu công nghiệp như doanh nghiệp dệt may HBI, Scavi, Dự án Nhà máy may của Công ty Tokyo Style Việt Nam Huế...

Trong 3 tháng đầu năm nay, tỉnh đã hỗ trợ 9 nhà đầu tư nghiên cứu dự án với tổng vốn đăng ký dự kiến khoảng 250 triệu USD. Một số dự án có qui mô lớn đang triển khai như Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô giai đoạn 1, hiện nay đã hoàn thành sân golf 18 lỗ và 2 khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng cùng các dịch vụ bổ trợ phục vụ du khách.

Doanh thu quí I/2013 của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 110 triệu USD, tăng 48% so cùng kỳ; nộp ngân sách cho Nhà nước đạt 273 tỷ đồng, tăng 5%.

Quốc Việt
TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm