Thế giới ghi nhận hơn 252,61 triệu ca nhiễm, hơn 5,09 ca tử vong vì Covid-19

12/11/2021 08:39 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 12/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 252,61 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, với 494.223 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua.

Cập nhật tình hình dịch Covid-19: Thế giới 252 triệu ca, có 5 triệu người đã chết

Cập nhật tình hình dịch Covid-19: Thế giới 252 triệu ca, có 5 triệu người đã chết

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 11/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 252.083.721 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.087.284 ca tử vong.

Số ca tử vong tính đến nay là hơn 5,09 triệu người, trong khi số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 228,54 triệu người. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19, với 47,69 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 780.774 ca tử vong. Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 34,40 triệu ca, trong đó có 462.384 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,92 triệu ca nhiễm và 610.323 ca tử vong.     

Châu Âu đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19 khi châu lục này ghi nhận gần 67% tổng số ca mắc mới trên thế giới trong 24 giờ qua. Trong số 5 nước có số ca mắc mới nhiều nhất trong 24 giờ qua, ngoài Mỹ đứng thứ hai với 43.387 ca, các nước còn lại đều ở Lục địa già, với Đức ghi nhận số ca nhiều nhất (50.377ca), Anh có 42.408 ca, Nga có 40.759 ca và Thổ Nhĩ Kỳ với 29.643 ca. 

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên một tuyến phố mua sắm ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

 Tại Đức, tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 có kết quả dương tính đang ở mức cao nhất kể từ đầu dịch COVID-19 tới nay. Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng có dấu hiệu tăng lên, các nhà nghiên cứu cho rằng việc đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường là yếu tố quan trọng để phá vỡ làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay.        

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 10/11 cho biết trong tuần thứ 44 vừa qua (từ 1-7/11), tỷ lệ dương tính trong các xét nghiệm PCR ở Đức đạt 16,03%, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch tới nay, và tăng mạnh so với mức 12,2% một tuần trước đó. Trong tuần từ Giáng sinh tới Năm mới năm 2020, thời điểm dịch cao trào ở Đức trong năm ngoái, tỷ lệ dương tính trong các xét nghiệm cũng chỉ đạt 15,36%.

Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 212 ca và từ đầu dịch đến nay đã ghi nhận tổng cộng 97.244 ca tử vong. Hiện trên cả nước Đức đang có 2.828 bệnh nhân phải điều trị tích cực, trong đó có 1.440 ca phải thở máy xâm lấn. Bang Sachsen hiện là bang đầu tiên ở Đức có tỷ lệ nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân vượt ngưỡng 500, tiếp theo là bang Thüringen với 469,2 và Bayern với 427,4. Một ngày trước đó, Đức đã lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong ngày vượt 50.000 ca.        

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, RKI ra khuyến cáo khẩn cấp huỷ hoặc tránh các sự kiện lớn có đông người tham gia, cũng như hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc không cần thiết. Theo RKI, tình hình dịch bệnh hiện nay đặc biệt đáng lo ngại, đồng thời cảnh báo nguy cơ số ca mắc bệnh nặng và tử vong sẽ tăng lên. RKI khuyến cáo tất cả mọi người tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch, như giảm tiếp xúc và quy tắc AHA+L (giữ khoảng cách, giữ vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang và thông gió).         

Liên quan tỷ lệ tiêm chủng ở Đức, tốc độ tiêm chủng trong những ngày qua có dấu hiệu tăng lên, song chủ yếu là mũi tiêm tăng cường, với trung bình 130.000 mũi/ngày. Cho tới nay đã có 1/10 số người trên 60 tuổi ở Đức đã được tiêm mũi tăng cường (tương đương 9,9% ở nhóm tuổi này), và ít nhất 67,3% dân số (56 triệu người) được tiêm đầy đủ và gần 70% đã tiêm ít nhất một mũi.         

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bremen, Tây Bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi Bộ Y tế liên bang khuyến nghị tiêm chủng mũi tăng cường sau khi đã tiêm đủ 6 tháng, Thủ hiến bang Bayern Markus Söder ngày 11/11 thậm chí đề nghị tiến hành tiêm mũi thứ ba chỉ 5 tháng sau mũi tiêm thứ hai nhằm bảo vệ tốt hơn chống lại việc tái mắc bệnh ở những người đã tiêm đủ.         

Trong khi đó, Áo cũng đang cảnh giác trước nguy cơ lây lan của dịch COVID-19. Thủ hiến bang Oberösterreich của Áo, ông Thomas Stelzer ngày 11/11 thông báo từ đầu tuần tới, bang Tây Bắc nước Áo này sẽ là bang đầu tiên ở Áo áp đặt phong toả với người chưa tiêm chủng phòng COVID-19.     

Ông Stelzer cho biết, tình hình dịch bệnh đang rất kịch tính, do vậy bang Oberösterreich sẽ áp dụng cấp 5 trong thang kế hoạch chống dịch của liên bang và từ ngày 15/11 tới sẽ áp đặt phong toả với những người chưa tiêm chủng khi được liên bang cho phép. Hiện giới chức bang Oberösterreich đang làm việc với Bộ Y tế liên bang ở Vienna để thảo luận về kế hoạch này. Bang Oberösterreich hiện có tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân trung bình trong 7 ngày ở mức gần 1.200, cao hơn gần gấp đôi mức trung bình cả nước Áo.       

Trước đó, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cũng cho biết nước này đang tiến gần hơn tới việc áp đặt lệnh phong toả đối với những người không tiêm chủng. Ông Schallenberg cảnh báo rằng người chưa tiêm chủng sẽ phải đối mặt với những hạn chế vào mùa Đông và dịp Giáng sinh tới đây. Theo ông, tỷ lệ tiêm chủng ở Áo hiện đạt 65%, trong khi số ca nhiễm mới liên tục đạt mức cao kỷ lục. Ông kêu gọi người dân nhanh chóng đi tiêm chủng nhằm tự bảo vệ bản thân và tránh những hạn chế khi tham gia vào đời sống xã hội.       

Do số ca mắc mới ở mức cao, Chính phủ Đức cho biết từ sáng 12/11 sẽ đưa Áo (cùng CH Séc và Hungary) vào danh sách các nước rủi ro cao và quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 14/11. Theo đó, những người về Đức từ những nước này sẽ phải thực hiện cách ly, trừ những người đã tiêm đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh. Với những người chưa tiêm khi vào Đức sẽ phải cách ly 10 ngày, song họ có thể được "giải phóng" khi có kết quả xét nghiệm âm tính, có thể thực hiện sớm nhất sau 5 ngày cách ly đầu tiên.     

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm