Pháp quyết tìm hộp đen máy bay Air France

29/11/2010 11:14 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cuối tuần trước, nhà chức trách Pháp thông báo họ có kế hoạch khôi phục hoạt động tìm kiếm các hộp đen của một chiếc máy bay thuộc Hãng hàng không Air France bị rơi xuống Đại Tây Dương hồi năm ngoái. Đây là đợt tìm kiếm thứ 4, nhằm tìm câu trả lời rõ ràng nhất cho vụ tai nạn đã khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Trung tâm tìm kiếm của nhà chức trách Pháp là hai hộp đen ghi lại dữ liệu chuyến bay có kích thước bằng hai chiếc vali cỡ nhỏ. Các hộp đen ghi lại nhiều thông tin cuối cùng liên quan tới chiếc máy bay Airbus A330-200, số hiệu AF447, trước khi nó đâm xuống biển trong một cơn bão nhiệt đới vào ngày 1/6/2009 khiến toàn bộ 216 hành khách và phi hành đoàn 12 người thiệt mạng.

Chiếc máy bay xấu số

Lần cuối cùng AF447 giữ liên lạc với mặt đất là khi nó tới rìa ngoài rađa giám sát của Brazil và đang chuẩn bị bay vào không phận do Senegal kiểm soát. 40 phút sau đó, máy bay gửi về hàng loạt thông điệp báo lỗi và cảnh báo. Các thông điệp này kéo dài 4 phút. Nhà chức trách tin rằng chiếc máy bay bị rơi không lâu sau khi nó gửi đi những thông điệp này.


Phần đuôi chiếc máy bay xấu số được tìm thấy hồi năm ngoái

Trong cuộc tìm kiếm đầu tiên diễn ra sau tai nạn, người ta đã thu hồi 2 thi thể và các mảnh vỡ của máy bay đang nổi dập dềnh trên biển, cách đảo Fernando de Noronha của Brazil khoảng 1.000km về phía Bắc. Ngày 27/6, đợt tìm kiếm các thi thể và mảnh vỡ máy bay kết thúc, với 51 thi thể được thu hồi. Việc tìm kiếm kết thúc vào ngày 20/8/2009 mà không mang lại kết quả nào.

Năm nay, Pháp lại mở thêm các cuộc tìm kiếm nữa trong tháng 5. Nhưng cho tới khi kết thúc, người ta mới chỉ khoanh vùng được một khu vực nghi vấn rộng từ 3 - 5km2, nơi hai chiếc hộp đen có thể đang nằm lại. Phát ngôn viên Hải quân Pháp Hugues du Plessis d’Argentre đã mô tả việc tìm kiếm những chiếc hộp đen giống như “tìm một cái hộp đựng giày bé xíu trong một khu vực rộng bằng Paris, ở độ sâu 3.000m và trên một địa hình gập ghề khúc khuỷu như dãy Alps”, nghĩa là khả năng không tìm thấy rất cao.

Khó phỏng đoán nguyên nhân


Chuyên gia WHOI đang thao tác điều khiển thiết bị lặn tự hành REMUS 6000

Cho tới nay, giới chuyên gia vẫn chịu không thể đưa ra câu trả lời đầy đủ cho việc vì sao một chiếc máy bay thuộc loại hiện đại nhất, thuộc hãng hàng không lớn nhất châu Âu, do các phi công dày dạn kinh nghiệm nhất điều khiển, lại gặp tai nạn.


Ngày 30/5 năm nay, Đài phát thanh BBC Two, Anh, đã phát sóng chương trình tài liệu Lost: The Mystery of Flight 447 dài 1 giờ, trong đó dựa vào quan điểm của các phi công lão luyện, chuyên gia điều tra tai nạn, chuyên gia hàng không, chuyên gia cấu trúc máy bay để phỏng đoán những sự kiện đã xảy ra.

Họ tin rằng chiếc máy bay đã vô tình đi vào vùng bão lớn, vốn ẩn sau một cơn bão nhỏ hơn và không được rađa thời tiết có trên máy bay phát hiện. Phi hành đoàn đã giảm tốc độ máy bay để đương đầu với tình hình nhiễu loạn không khí. Họ điều chỉnh tránh cho máy bay khỏi bị rơi, bằng cách thiết lập các thông số để nó tự ngóc đầu lên cao. Nhưng họ không để ý rằng hệ thống tăng cường lực đẩy tự động đã giảm bớt tốc độ máy bay. Tiếp đó 3 cảm biến tốc độ của máy bay đã bị hỏng do nước lạnh của vùng bão đóng đá tại độ cao lớn. Phi hành đoàn nhận được hàng loạt cảnh báo hệ thống bị hư hỏng, hình thành từ lỗi cảm biến tốc độ và đã không thể xử lý được chúng. Máy bay bắt đầu rơi (stall) do thiếu lực đẩy và do đó mất độ cao nhanh chóng. Máy bay rơi trong tình trạng không thể kiểm soát và đập ngang thân xuống mặt biển.

Đây là những giả thuyết hết sức hợp lý. Tuy nhiên Cục Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân dụng Pháp (BEA) tin rằng vụ tai nạn sẽ không thể có câu trả lời đầy đủ nếu không tìm thấy các hộp đen.

Quyết tâm “bắt sống” hộp đen

Tuần trước, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pháp Thierry Mariani tuyên bố: “Cuộc tìm kiếm thứ 4 sẽ bắt đầu vào tháng 2/2011 và sẽ sử dụng các trang thiết bị tốt nhất hiện nay”. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng những hộp đen sẽ chứa câu trả lời đầy đủ về nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn.

Trong cuộc tìm kiếm lần này, Pháp sẽ nhận được sự giúp đỡ từ Viện nghiên cứu Hải dương học Woods Hole (WHOI), Mỹ. Nhóm tìm kiếm sẽ sử dụng 3 thiết bị lặn tự hành (AUV) REMUS 6000, vốn được WHOI chế tạo và điều khiển.

3 thiết bị này có thể hoạt động ở độ sâu lớn tới 6.000 mét. Nó được trang bị các sonar mạnh, giúp giám sát lòng biển tốt. Mỗi lần được thả xuống biển, REMUS có thể hoạt động liên tục trong vòng 20 giờ đồng hồ. Khi gom đủ dữ liệu, REMUS 6000 sẽ trở lại tàu mẹ, nơi các nhà khoa học trực tiếp phân tích thông tin nó thu được. Nếu dữ liệu có bằng chứng về các mảnh vỡ máy bay hoặc thông tin dù nhỏ nhất có thể giúp tìm thấy hộp đen, REMUS 6000 sẽ được điều tới hiện trường để thu thập thêm nhiều thông tin chi tiết hơn, thông qua các camera độ phân giải cao gắn trên thiết bị.

Năm 1985, một đội tìm kiếm do WHOI lãnh đạo đã tìm thấy xác tàu Titanic.  

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm