Pháp đổ lỗi cho Anh khi đàm phán hậu Brexit rơi vào bế tắc

31/08/2020 16:45 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 31/8 cho rằng các cuộc đàm phán về mối quan hệ mới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh thời kỳ hậu Brexit rơi vào bế tắc là do lỗi của Anh.   

EU sẽ không thỏa hiệp trước Anh để đạt thỏa thuận Brexit trong năm nay

EU sẽ không thỏa hiệp trước Anh để đạt thỏa thuận Brexit trong năm nay

Ngày 17/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ nỗ lực hết mình để đạt một thỏa thuận về mối quan hệ mới với Anh vào trước cuối năm nay, song sẽ không thỏa hiệp những tiêu chuẩn của mình để đạt được điều đó.

EU và Anh đang nỗ lực nhằm đạt được thảo thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31/12 tới, song các cuộc đàm phán về mối quan hệ tương lai vẫn đang "giậm chân tại chỗ". Hai bên đã liên tục đổi lỗi cho nhau về việc khiến các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.   

Trong bài phát biểu trước các Đại sứ Pháp ở châu Âu với sự có mặt của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Le Drian cho biết các cuộc đàm phán không đạt tiến triển là do thái độ mà ông cho là "không khoan nhượng và phi thực tế" của Anh. Theo ông, EU luôn thống nhất trong việc đạt được một thỏa thuận hậu Brexit đầy tham vọng, song "quả bóng" hiện đang nằm bên phía sân Anh.   

Trước đó, trong bài phát biểu ngày 28/8 khi kết thúc vòng đàm phán thương mại thứ 7, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho rằng dường như 2 bên khó có thể đạt thỏa thuận, khi các cuộc thảo luận vẫn đang gặp trở ngại với một loạt vấn đề chính trong đó có quyền đánh bắt cá và các quy định cạnh tranh.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Brexit bên phía Anh David Frost cho rằng việc EU kiên quyết đòi Anh đáp ứng các yêu cầu của EU về các chính sách trợ cấp nhà nước và quyền đánh cá trước khi thảo luận các lĩnh vực khác đã "phủ bóng đen" lên các cuộc đàm phán. Bên cạnh đó, hai bên còn bất đồng trong nhiều lĩnh vực như di trú, an ninh, cơ chế giải quyết xung đột, đảm bảo nhân quyền.   

Anh đã rời EU từ tháng 1/2020, gần 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm hội nhập EU của vương quốc này. Giới chức châu Âu cho biết cần đạt thỏa thuận trước tháng 10, tức là chỉ còn 2 tháng để tìm điểm chung và giải quyết bất đồng. Nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại Anh - EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thiết lập, khiến các mức thuế quan sẽ cao hơn hiện nay và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche.

Ngọc Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm