Những đài tưởng niệm lạ lùng: 'Bộ huy chương chiến tranh trên đồng quê'

20/06/2013 13:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm ảnh mới đây của nhà nhiếp ảnh Jan Kempenaers ở London (Anh) trưng bày bộ sưu tập lạ mắt về những bức điêu khắc tưởng niệm Thế chiến II ở Nam Tư cũ (Serbia và Croatia hiện nay), được ví là “nghệ thuật của người ngoài hành tinh”.

Theo Guardian, trong 3 năm từ 2006 đến 2009, nhà nhiếp ảnh Jan Kempenaers đã “lùng sục” các miền quê ở Nam Tư cũ để tìm những bức tượng được xây và đặt rải rác ở đây vào khoảng từ những năm 1940 đến những năm 1970, dưới thời Josip Broz Tito, nhà lãnh đạo của Liên đoàn những người Cộng sản Nam Tư trước đây.

Đột phá nghệ thuật của một thời

Triển lãm Spomeniks (trong ngôn ngữ gốc, tiếng Serbia - Croatia, có nghĩa là “monument” - “đài tưởng niệm”) vừa khai mạc tại London là kết quả của cuộc “lùng sục” đó. Tên của một số nhà điêu khắc vẫn được lưu lại nhưng cũng có nhiều bức khuyết danh. Những tác phẩm được gọi là “bộ huy chương chiến tranh trên đồng quê”.

Xem triển lãm, vì ý tưởng và tạo hình lạ lẫm hơn hẳn so với những tượng đài chiến tranh thông thường, có cảm tưởng như những công trình đó được người ngoài hành tinh ghé qua trái đất và để lại làm kỷ niệm, hoặc trông như hình ảnh trên bìa album của ban nhạc rock Pink Floyd, theo cách ví von của tờ Guardian.

Có tác phẩm gồm 3 bức tượng đặt ở Nis (Serbia) với hình cánh tay giơ lên cao và bàn tay nắm lại nhưng được tạo hình vuông vức, ấn tượng. Lại có bức tượng trông như hình cánh chim đại bàng của nhà điêu khắc Dusan Dzamonja gợi nhớ đến biểu tượng trong tranh của Picasso, nay đặt ở vùng đồi núi Podgaric (Croatia).


Một số tác phẩm nổi bật tại triển lãm điêu khắc Spomeniks  (từ trên xuống dưới): Bức tượng hình cánh đại bàng do Dusan Dzamonja làm từ năm 1967 ở Podgaric (Croatia); Tượng hình ba bàn tay giơ nắm đấm ở Nis (Serbia); Một bức khác rất độc đáo ở Kadinijaca, Serbia

Theo Guardian, những tác phẩm trong triển lãm Spomeniks thực sự là đột phá về mặt nghệ thuật. Nếu được xây nên ở một thời đại chú trọng đến nghệ thuật và thông tin cởi mở hơn như ngày nay, chắc chắn các tác phẩm này sẽ tạo nên tranh luận trong giới nghệ thuật, thậm chí công chúng bình thường cũng sẽ bàn luận về giá trị của chúng.

Đây là những bức điêu khắc được nhà lãnh đạo Tito “đặt hàng” các nghệ sĩ để tưởng niệm Thế chiến II. Thế nhưng, ngay từ những năm 1960 và 1970, khi trí tưởng tượng của nghệ sĩ còn gặp phải nhiều rào cản, các nhà điêu khắc ở Nam Tư cũ đã vượt ra khỏi quan niệm truyền thống về các tượng đài chiến tranh để tạo nên những tác phẩm phá cách. Đến tận bây giờ, chúng vẫn còn hấp dẫn về mặt thị giác.

Ngoài ấn tượng lạ lùng về các tác phẩm, triển lãm cũng thể hiện một khía cạnh khác: các bức ảnh đều cho thấy những bức điêu khắc bằng chất liệu bê tông đặt trong khung cảnh miền quê yên bình, đồi núi và các trang trại phủ màu xanh xung quanh, trông thật lệch tông. Câu hỏi là: tại sao chúng lại có “bối cảnh” lạ lùng như vậy?

Đơn độc và tàn lụi cùng thời gian

Qua các bức ảnh có thể thấy các bức điêu khắc nằm trơ trọi giữa thiên nhiên rộng lớn. Theo nhà nhiếp ảnh, rất ít người, kể cả già lẫn trẻ, quan tâm đến chúng. Những người dân địa phương mà Kempenaers gặp trên đường đều nghĩ anh bị điên khi quan tâm đến những thứ đó.

“Ai đó viết trên một tạp chí của Croatia rằng có một anh chàng châu Âu điên rồ đến đây để chụp ảnh các di tích về quá khứ đã bị lãng quên của chúng ta, và nói rằng tôi là kẻ thực sự, thực sự kỳ quặc” - Kempenaers nói với Guardian.

Một vấn đề mà nhà nhiếp ảnh Jan Kempenaers muốn nói là những tác phẩm này, vài trong số đó rất có giá trị, đang bị lãng quên ở những vùng quê hẻo lánh. Bức tượng cánh chim đại bàng của Dusan Dzamonja, một nghệ sĩ hàng đầu của Nam Tư cũ, mỗi năm chỉ có vài du khách ghé qua thăm thú, khác với những tác phẩm đặt trong bảo tàng ở các thành phố lớn hàng năm “gặp gỡ” hàng triệu khách tham quan.

Bất chấp ý nghĩa lịch sử và vẻ đẹp kiến trúc của chúng, các đài tưởng niệm đang bị người dân vẽ graffiti hay thậm chí… phóng uế lên. Một thực tại đáng buồn: thay vì được trân trọng như những di sản văn hóa của một thời, các tác phẩm đang dần mục nát ở vùng nông thôn. Không có tài liệu nào ghi lại giá trị, chúng đang đơn độc đối đầu với thiên nhiên, dần tàn lụi cùng với thời gian.

Trường hợp các đài tưởng niệm ở Nam Tư cũ liên quan đến một vấn đề mang tính toàn cầu: các di sản đang bị bỏ quên vì công chúng đương đại không biết đến giá trị của chúng. Và vì “không biết”, họ cho là “không có”.

Triển lãm Spomeniks mở tại phòng tranh Breese Little ở London cho đến ngày 13/7.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm