Người Thái Trắng vào Lai Châu: Nhìn từ gia phả (2)

14/12/2013 07:41 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như cuốn gia phả họ Tạo Ta Hưa bị cháy trong đời ông Tạo cuối cùng Ngấn Ngơi, thì cuốn gia phả họ Đèo - Tạo Khặm Nhọt Mượng ở Mường So hiện vẫn còn, cuốn gia phả của họ Đèo này do ông Đèo Văn Chủ, 77 tuổi, bản Cang, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ lưu giữ. Cuốn gia phả viết bằng chữ Thái cổ trên giấy dó, bị mờ mất mấy trang và mất góc, nên một số tên tuổi không xác định được.

Bà Mào Thị Chỏn, hiện nay là bà "Then" cuối cùng của Mường So - Một trung tâm của người Thái Trắng ở tình Phồng Tô (Phong Thổ) xưa

Bà Chỏn năm nay hơn 60 tuổi, hồi những năm 1960, bà từng là “xao trạu” (những cô trinh nữ múa trong lễ hội Then Kin Pang, mời Then trên trời, dưới nước, dưới đất về ăn Tết vào giữa tháng 3 Âm lịch. Là lễ hội lớn nhất của người Thái Trắng ở Lai Châu từ trước tới nay. Lễ hội này đã bị bỏ từ những năm 1970, mới khôi phục lại từ vài năm nay. Nhưng ý nghĩa tâm linh đã mất đi nhiều. Bà Chỏn thuộc được khoảng 60% những bài hát Then, nhưng lễ hội khôi phục mới làm theo kiểu “sân khấu hóa” bà cũng chỉ hát được vội vàng vài đoạn. Hiện bà Chỏn sinh sống bằng nghề bán rau ở chợ Mường So (Phong Thổ, Lai Châu)


Gia phả viết: Lò Luộng tên Pú Chẩu, là người Thái ở Bản Đông, Chiềng Mì, Quảng Đông, Trung Quốc. Ông có người con trai tên là Lò Lạng Chượng, được cha phong làm Tạo là Tạo Khặm Nhọt Mượng (Nõn vàng của Mường) sang làm Tạo ở Mường So ở Việt Nam. Từ đời Tạo Khặm Nhọt Mượng là thứ nhất đến đời cuối cùng là Tạo Khặm Xum (Đèo Văn Ân) được 19 đời, như sau:

1. Tạo Khặm Nhọt Mượng
2. Tạo Khặm Lẹp
3. Tạo Khặm Ngừn
4. Tạo Khặm Khiên
5. Tạo Khặm Lạn
6. Tạo Khặm Pặn
7. Tạo Khặm Bun
8. Tạo Khặm Khạng
9. Tạo Khặm Phương
10. Tạo Khặm Bun Sanh
11. Tạo Khặm Thưng
12. Tạo Khặm Vang
13. Tạo Khặm Binh
14. Tạo Khặm Hom
15. Tạo Khặm Doọng
16. Tạo Khặm Đanh
17. Tạo Khặm Hặc
18. Tạo Khặm Ún (Đèo Văn Toa)
19. Tạo Khặm Xum (Đèo Văn Ân).


Đèo Văn Ân được Pháp phong làm Bố chánh (tỉnh trưởng) tỉnh Phồng Tô (Phong Thổ) năm 1948 cho đến khi giải phóng Lai Châu năm 1953. Trong cái gia phả này chúng ta thấy một điều bất thường là ban đầu các Tạo họ Lò, về cuối các Tạo lại mang họ Đèo. Chúng tôi chưa có điều kiện thắc mắc với Đỗ Thị Tấc về vấn đề này.

Phụ nữ Thái Trắng ở Sìn Hồ (Lai Châu). Tuy đi làm công nhân cao su, trộn phân công nghiệp để bón cho cây cao su, nhưng họ vẫn mặc áo váy truyền thống của phụ nữ Thái, chứ nhất định không mặc đồ bảo hộ lao động của công ty cao su phát cho

Bà Đỗ Thị Tấc còn nghiên cứu gia phả của các họ Vàng, họ Thùng (Đồng), họ Mào… và nhiều dòng họ sống lâu đời ở Mường So. Những nghiên cứu này cho thấy, người Thái di cư đến đây làm nhiều đợt. Hầu hết họ có gốc từ Chiềng Mì và một số vùng lân cận Quảng Đông, Trung Quốc. Có họ đến Mường So từ ngàn năm về trước, như họ Đèo, với 19 đời làm Tạo Mường So. Có họ đến Mường So khoảng 500 năm như họ Vàng, họ Thùng… Nhìn vào danh sách thế hệ các họ, việc tiếp nối, kế thừa ngôi Tạo, không nhất thiết chỉ là con trai, mà hoàn toàn có thế trao cho con gái (Tạo Nàng) nếu gia chủ không có con trai nối dõi. Những chuyến di cư xuống miền Nam và Tây Nam Đông Nam Á của người Thái, trong suốt một ngàn năm qua thật đáng chú ý, vì nó không chỉ trở thành các sắc tộc ít người ở các quốc gia, mà còn trở thành cả hai quốc gia là Thái Lan và Lào. Hệ ngữ Tay - Kadai được dùng phổ biến trong các tộc Thái, Tày, Nùng, Lào, Lự… tuy biến đổi khác nhau, nhưng nhiều gốc từ vẫn giống nhau, và cũng chung nhau ở nhiều tập tục văn hóa. Đó là một hiện tượng lịch sử đặc biệt, với những đợt di cư tương đối hòa bình, của những sắc tộc chuộng bình yên, ca múa, hoan lạc.

Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) có dẫn từ cuốn Thailand A Short History (Lược sử Thái Lan - Yale University Press, New Haven And London, 1984) của David Wyatt, người Thái xuất xứ từ miền Nam Trung Quốc, gần gũi về ngôn ngữ với các sắc tộc Tày, Nùng, Choang, do sức ép của người Hán và Việt ở phía Bắc và Đông, họ di chuyển dần về phía Nam và Tây Nam. Sự di cư diễn ra trong thời gian từ thế kỷ 7 - 13, và Mường Thanh (Điện Biên Phủ) được coi là trung tâm, từ đó tỏa đi khắp Đông Nam Á (Lào, Thái Lan, bang Shan ở Myanmar và Đông Bắc Ấn Độ, Nam Vân Nam).

Thiếu nữ Thái Trắng múa khăn, múa “tính tẩu” (đàn bầu - tính là đàn, tẩu là cái bầu đàn) trong lễ hội Then Kin Pang

Đỗ Thị Tấc
(Phan Cẩm Thượng soạn lại và bình chú)
(Từ cuốn gia phả họ Đèo - Khặm Nhọt Mượng)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm