"Người đàn bà tro bụi" ngày 11/9 nay ra sao?

11/09/2008 09:40 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Bức ảnh chụp Marcy Borders bị phủ đầy tro bụi trong vụ máy bay khủng bố lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York (WTC) ngày 11/9/2001 đã khiến cô nổi tiếng thế giới. Nhưng sau đó cô bị thất nghiệp và sống trong tuyệt vọng. Mãi giờ đây, niềm hạnh phúc le lói dường như mới trở lại với cô, thông qua đứa con trai 5 tháng tuổi.
 
Ngày kinh hoàng
 
 Cảnh tòa tháp WTC, nơi Marcy Borders làm việc, bị máy bay khủng bố đâm vào
Sáng hôm ấy Marcy Borders đang photo-copy tài liệu tại tầng thứ 81 của một trong hai tòa tháp WTC thì một máy bay của bọn khủng bố lao vào tòa nhà này, ở đoạn cách khoảng 10 tầng trên đầu cô. Marcy cố gắng chạy bộ để thoát thân bằng đường cầu thang. Vừa chạy cô vừa nghe thấy tiếng bê tông rạn gãy và nhìn thấy những bức tường đang nứt.

Marcy vừa thoát ra được bên ngoài, thì tòa nhà cao 110 tầng sụp đổ, tro bụi tung lên phủ kín lấy cô. Cảnh tượng này được nhà nhiếp ảnh tự do Stan Honda ghi lại. Chỉ chậm một chút nữa, Marcy Borders, khi ấy mới 28 tuổi, đã nằm trong số hơn 3000 người bị vùi lấp dưới 2 tòa tháp.

Ngay sau đó Stan Honda bán bức ảnh cho tạp chí Newsweek và hầu hết các báo trên thế giới đã đăng lại bức ảnh: Nó chụp một người phụ nữ da đen mảnh dẻ bị phủ kín bởi một lớp tro bụi trông như một bức tượng chết, nhưng khuôn mặt vẫn lộ rõ vẻ khiếp sợ đến kinh hoàng. Bức ảnh ấy đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho tấn bi kịch của tòa tháp đôi WTC - từng được coi là biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ, nhưng trong nháy mắt bỗng biến thành tro bụi.

Cũng nhờ bức ảnh mà Marcy Bordes nổi tiếng thế giới với cái tên “The Dust Lady" ("Người đàn bà tro bụi"). Nhưng Marcy chẳng thấy có gì là vui vẻ bởi sự nổi tiếng ấy. Vì sự kiện 11/9 đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của cô.
 
Nỗi ám ảnh quá lớn

Trước hết cô trở thành một kẻ thất nghiệp. Dạo ấy cô mới làm ở phòng Pháp lý của Bank of Amerika mới có được 1 tháng.
 

Marcy Borders và cậu con trai 5 tháng tuổi của cô 

 Những năm qua cô vẫn không kiếm được việc làm trước hết vì vụ khủng bố gây cho cô một nỗi ám ảnh quá lớn. Marcy gần như kiệt quệ hoàn toàn về mặt tâm lý: Cô không dám bước vào các tòa nhà cao tầng hay đến chỗ đông người, vì luôn sợ rằng mình sẽ không kịp thoát ra ngoài nếu chỗ đó bị bọn khủng bố tấn công.
Marcy suốt ngày ru rú trong nhà. Ngay cả đi xin tiền trợ cấp xã hội cô cũng sợ. Bà Ruby Borders, mẹ cô và nguyên là một giáo viên, buộc phải trả tiền thuê nhà cho cô. Bà không muốn Marcy về ở cùng với bà. Không phải vì bà không thương con, mà vì bà không muốn cô suốt ngày “bám” lấy bà. Bà muốn cô trở lại với cuộc sống.

Tàn phế về tinh thần
 

Bức ảnh "Người đàn bà tro bụi" nổi tiếng thế giới của Stan Honda 

Nhưng kể từ ngày 11/9/2001, Marcy đã biến thành một người khác. “Nó chẳng còn gì giống với ngày xưa”, bà Ruby Borders ngao ngán nói. Ngày xưa Marcy là niềm tự hào của bà. Cô học giỏi, luôn vui cười. Bà Ruby rất hãnh diện khi Marcy được Bank of Amerika, một ngân hàng hầu hết nhân viên là người da trắng, nhận vào làm, lại được làm ở WTC, với mức lương bà không dám mơ là 40.000 USD/năm.

Nhưng sau ngày 11/9, Marcy hoàn toàn trở thành một người tàn phế về tinh thần. Đứa con gái đầu lòng của Marcy cũng không muốn ở chung với cô nữa nên đã bỏ về sống với bố của nó, người chồng đã li dị của Marcy.

Marcy vẫn giữ nguyên bộ quần áo phủ tro bụi của ngày 11/9 trong một túi ni lông. Nhưng cô không dám mở ra để nhìn. Thậm chí cô không dám đến gần nó. Bởi vì nó vẫn tỏa ra cái mùi của ngày 11/9 ấy, cái mùi của sự chết chóc ấy.

Lần nọ vào ngày lễ Halloween, một phụ nữ trong chung cư nghèo nơi Marcy đang sống lấy bột phủ đầy người cho giống với tấm hình Người đàn bà tro bụi để làm trò đùa. Marcy bị tổn thương nặng nề và cố kìm nước mắt trước người khác. Sự kiện ấy khiến cô nhận ra có lẽ mọi người không hiểu hết được những gì mà cô đã trải nghiệm. Từ đó cô càng xa lánh với xung quanh và rất sợ bị nhận ra là "Người đàn bà tro bụi".
 
Niềm hy vọng le lói

Giờ đây, vừa tròn 7 năm sau vụ 11/9, câu chuyện buồn của Marcy Borders dường như bắt đầu thay đổi. Mặc dầu vẫn thất nghiệp, song cô đang tìm cách trở lại với cuộc sống. Khi hỏi về bộ quần áo tro bụi, Marcy nói: "Có lẽ tôi sẽ tặng nó cho một viện bảo tàng hoặc vứt nó đi".

Đúng vậy. Marcy đang muốn vứt bỏ không chỉ bộ quần áo, mà toàn bộ những kỷ niệm 11/9 đáng sợ của mình. Trong một cuộc trò chuyện với báo chí tuần trước, cô tâm sự đã đến lúc cô phải quên đi tất cả, nhất là nỗi ám ảnh của vụ khủng bố.

Người đang kéo Marcy trở lại với cuộc sống chính là Zay’den, cậu con trai bé bỏng mới 5 tháng tuổi của cô. Giờ đây bé chính là chỗ dựa tinh thần để Marcy có thể vượt qua được những khó khăn đời mình, là động lực để cô thấy cần phải đứng dậy để sống. Marcy, giờ đã 35 tuổi, nói: "Zay’den là tương lai của tôi. Con trai tôi sẽ giúp tôi quên đi quá khứ".

Và cô đang tích cực đi tìm một chỗ làm. "Tôi muốn có một công việc gì đó liên quan đến trẻ em", Marcy nói. Bởi, như Zay’den cho cô thấy, trẻ em là tất cả niềm hy vọng, là tương lai của chúng ta.
 
Phan Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm