Máy bay Ai cập mất tích: Lỗ hổng an ninh dẫn đến thảm họa

21/05/2016 07:16 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù quân đội Ai Cập đã xác nhận phát hiện nhiều mảnh vỡ của chiếc máy bay A320 mang số hiệu MS804 của hãng hàng không quốc gia Ai Cập bị rơi ngoài khơi Hy Lạp, nhưng nguyên nhân dẫn đến thảm họa nói trên cho đến nay vẫn là một bí ẩn.

Do chiếc máy bay MS804 cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle, Paris, nên khả năng một lỗ hổng trong khâu kiểm tra an ninh tại đây là nguyên nhân dẫn đến thảm họa nói trên là rất cao.

Tuy nhiên, trong quá trình phân tích các tình huống giả định, nhiều chuyên gia cũng đặt nghi vấn vào an ninh tại các sân bay là các điểm dừng trước đó của chiếc máy bay MS804, trước khi chiếc máy bay này hạ cánh xuống sân bay Charles de Gaulle.


Airbus A320 là dòng máy bay tầm trung an toàn hàng đầu thế giới

Trang FlightRadar24 cho biết, trước khi thực hiện hành trình Paris-Cairo trong đêm 18/5, chiếc máy bay MS804 đã tiến hành ba chặng bay khác là Asmara-Tunis, Tunis-Cairo, Cairo-Paris. Cả ba chặng bay trên đều là những đường bay tầm trung với khoảng thời gian đỗ tại các sân bay khoảng hơn một giờ. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, rất có thể đã có những lỗ hổng an ninh tại các sân bay nói trên.

Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian dừng tại các sân bay trung bình từ 1giờ30 xuống còn 1 giờ đối với một máy bay Airbus A320 cũng là yếu tố bất lợi đối với việc kiểm soát an ninh. Theo báo Pháp Le Figaro, lịch trình bình thường của một chiếc máy bay với các chặng bay trung bình là từ 3-4 chuyến/ngày.

Lịch trình tối đa có thể lên đến 5 chuyến/ngày. Việc các máy bay phải thực hiện nhiều chặng bay nằm trong chính sách của các hãng hàng không nhằm khai thác tối đa lợi nhuận. Tuy nhiên, việc này gây áp lực đối với các nhân viên mặt đất khi họ phải hoàn thành công việc nhanh nhất trong khoảng thời gian máy bay đỗ tại sân bay.

Theo chuyên gia hàng không Gérard Feldzer, cựu cơ trưởng tại hãng Air France, các hãng hàng không chủ trương thiết kế lịch trình với thời gian dừng ngắn nhằm giảm chi phí phải trả cho các sân bay.

Tại mỗi điểm dừng, các nhân viên thuộc nhiều bộ phận như bảo trì, cơ khí, nhiên liệu, dọn dẹp…, chịu áp lực phải hoàn thành thật nhanh phần công việc của mình để máy bay có thể cất cánh đúng giờ, do vậy không ai dám chắc rằng không có sơ suất trong các khâu thao tác.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm