Lợi ích của Mỹ, Trung, Nga trên Biển Đông

10/05/2016 15:19 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Rõ ràng việc Nga quay trở lại châu Á Thái Bình Dương, khu vực đa trung tâm quyền lực và có nhiều mối quan hệ phức tạp khác với Đại Tây Dương, không chỉ gắn với việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ là quốc gia đang chống lại sự tăng cường ảnh hưởng và mưu đồ kiểm soát các tuyến đường biển của Bắc Kinh.

Trang mạng Tin tức quốc gia của Nga số ra ngày 9/5 có bài viết nhan đề “Trung - Mỹ đối đầu: Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Biển Đông”.

Theo bài viết, tạp chí Phố Wall trích dẫn một nguồn tin trong Chính phủ Mỹ cho biết Washington đã huỷ chiến dịch quân sự nhằm khẳng định tự do hàng hải tại Biển Đông được ấn định tổ chức vào tháng 4. Theo nguồn tin, Washington muốn "hạ nhiệt căng thẳng" xung quanh bãi đá Scarborough mà Philippines và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền.

Manila khẳng định Trung Quốc đang có kế hoạch xây "hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm" tiếp theo ở bãi đá Scarborough, nghĩa là một căn cứ quân sự với hạ tầng đi kèm có khả năng tiếp nhận máy bay và tàu quân sự. Trung Quốc đã xây dựng trái phép các căn cứ tương tự trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam.

Tại đây, Bắc Kinh không tiếc tiền bạc, đã bồi đắp các hòn đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự. Tại bãi đá Scarborough công việc bồi đắp chưa được tiến hành.


Trung Quốc đã có hành vi xây dựng trái phép trên nhiều đá thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam. Ảnh: SIA

Xung đột xung quanh bãi đá Scarborough chỉ là một trong số các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nơi lợi ích của các quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á xung đột với Trung Quốc - quốc gia có tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Sau khi xây dựng hệ thống các căn cứ quân sự ở trung tâm Đông Nam Á, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng mở rộng sức mạnh quân sự ra toàn tiểu khu vực. Mong muốn này của Trung Quốc đã được chính một số quan chức của nước này nêu lên khi tuyên bố về khả năng thiết lập tại Biển Đông “vùng nhận dạng phòng không” giống như đã làm ở biển Hoa Đông năm 2013.

Nếu Trung Quốc thiết lập được quyền kiểm soát đối với vùng biển này thì tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi hàng năm có lưu lượng hàng hoá trị giá lên đến 5 nghìn tỷ USD đi qua, có thể bị đe dọa.

Mỹ là quốc gia chống lại sự tăng cường ảnh hưởng và mưu đồ kiểm soát các tuyến đường biển của Trung Quốc. Về bản chất, Mỹ đang thể hiện là chỗ dựa của các quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Lập trường của Mỹ được Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ vì lo ngại hành động của Trung Quốc sẽ đe dọa các tuyến đường vận tải dầu mỏ từ các nước vùng Vịnh Pexic đi qua Biển Đông. Ấn Độ cũng mong muốn kiềm chế người láng giềng phía Bắc, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của mình ra tiểu khu vực.

Như vậy, một mặt trận chống Trung Quốc đang được hình thành giữa các quốc gia Đông Nam Á và các cường quốc lớn như Mỹ, Nhận Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Việc Mỹ huỷ bỏ chiến dịch khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông không có nghĩa là Mỹ sẽ chấm dứt ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á.

Ví dụ tuần trước, 4 máy bay cường kích của Mỹ đã bay sát bãi đá Scarborough, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ashton Carter có chuyến thăm Philippines.

Trong khi đó, Nga trong rất nhiều năm tuyên bố giữ lập trường trung lập và không đứng về bên nào của cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, về khách quan Moskva cũng không hề muốn các tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đông bị một quốc gia nào đó kiểm soát.

Đơn cử, xuất khẩu dầu của Nga từ cảng Kozmino sang Đông Nam Á phải đi qua Biển Đông. Trong đó, xuất khẩu sang Malaysia chiếm 6,5%, Thái Lan - 5,7%, Philippines - 5,3% và Singapore - 4,5% tổng xuất khẩu của Nga.

Việc hội nhập vùng Viễn Đông của Nga với châu Á - Thái Bình Dương cũng phụ thuộc nhiều vào việc đảm bảo tự do hàng hải ở Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, trong số các quốc gia xung đột lãnh thổ với Trung Quốc còn có Việt Nam, đối tác chiến lược toàn diện của Nga và Nga đang có các dự án lớn về năng lượng đang triển khai trên thềm lục địa của nước này.

Mặt khác, Nga cũng mong muốn giữ mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế. Việc châu Âu và Mỹ đóng cửa thị trường tài chính đối với Nga đã buộc phần lớn các công ty lớn của Nga phải tìm đến với Trung Quốc, thị trường duy nhất có khả năng tài chính ngang ngửa với phương Tây. Bên cạnh đó, trong số các nước phản đối Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông còn có cả các đối thủ của Nga trên trường đối ngoại.

Hồi giữa tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng xung đột lãnh thổ ở Biển Đông cần phải do chính các bên xung đột giải quyết, "không có sự can dự của bên thứ ba và không quốc tế hoá các tranh chấp này".

Phát ngôn này của ông Lavrov ngẫu nhiên được hiểu giống như sự ủng hộ của Nga đối với Bắc Kinh. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đánh giá cao tuyên bố của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga.

Trong khi đó, Việt Nam cũng ngay lập tức có thông tin phản hồi khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này Lê Hải Bình tuyên bố "các vấn đề liên quan đến tất cả các nước trong khu vực như an ninh, tự do hàng hải và hàng không cần phải được thảo luận và giải quyết với tất cả các bên liên quan". Phản ứng này của Việt Nam không có gì đáng ngạc nhiên vì tất cả các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á đều lo ngại phải đơn phương đối mặt với Trung Quốc.

Rõ ràng là Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường vị thế của mình trước khi Toà trọng tài quốc tế về luật Biển tại La Haye sẽ đưa ra phán quyết đối với vụ việc Philippines kiện Trung Quốc vào tháng tới. Trung Quốc cho rằng việc toà xem xét vụ việc chính là một trong những hình thức quốc tế hoá cuộc tranh chấp này.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Moskva, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị người đồng nhiệm Nga ra tuyên bố phản đối "quốc tế hoá tranh chấp" và tính bắt buộc các phán quyết của toà.

Phát ngôn trên của ông Lavrov hiển nhiên được các nước Đông Nam Á hiểu là sự ủng hộ của Nga đối với yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc triệt để tranh thủ tuyên bố này, đã khiến các quốc gia Đông Á lo ngại. Điều này đặt chính sách "Bước ngoặt về phía Đông" của Nga dưới một dấu hỏi lớn.

Rõ ràng việc Nga quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đa trung tâm quyền lực và khá phức tạp với nhiều mối mâu thuẫn (khác với Đại Tây Dương) không thể gắn với việc tăng cường quan hệ chỉ với Trung Quốc, quốc gia tuy có ảnh hưởng trong khu vực song cũng còn khá hạn chế.

Việc hội nhập vùng Viễn Đông với khu vực này cũng phụ thuộc vào khả năng thúc đẩy mối quan hệ láng giềng thân thiện với tất cả các trung tâm quyền lực, hay ít nhất là giữ thái độ trung lập.

Về khách quan, việc tự do hàng hải ở Biển Đông bị hạn chế sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Thoả thuận đơn giản hoá thủ tục cho tàu chiến Nga ở Cam Ranh và đặt các tuyến đường giao thương hàng hải tối cần thiết để phát triển vùng Viễn Đông của Nga trước sự đe doạ.

Và cuối cùng, việc đứng về một bên trong cuộc xung đột ở Biển Đông sẽ làm giảm đáng kể không gian hành động của Nga ở Đông Á và thu hẹp cơ hội Nga thể hiện với tư cách trung gian hoà giải tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á.

Quang Vinh (P/v TTXVN tại Nga)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm