Loại bỏ 'bún mắng, cháo chửi' ở Hà Nội: Lấy ý kiến người dân

24/01/2017 13:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, dư luận người dân Thủ đô quan tâm đến việc xây dựng nếp sống văn hóa trong kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại và thành phố Hà Nội đang chỉ đạo ngành Văn hóa xây dựng một quy chế cụ thể để chuẩn hóa.

Đây là vấn đề được đánh giá là mới và khó nhưng thực sự cần thiết, vì vậy cơ quan xây dựng quy chế sẽ tiến hành một cách thận trọng, chặt chẽ; đồng thời, sẽ lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả ý kiến của các chủ thể kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Có ít địa phương mà kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố lại nở rộ như Hà Nội; cửa hàng, cửa hiệu, quán cóc vỉa hè nhiều, thậm chí hàng ăn rong trong các ngõ ngách khu dân cư cũng không ít.

Không chỉ người dân Hà Nội mở hàng quán mà người ở nơi khác đổ về kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng nhiều nên không tránh khỏi những bất cập trong việc ứng xử với khách hàng khi văn hóa các vùng miền khác nhau.

Ngay cả với người gốc Hà Nội, khi phải đối mặt với với những vất vả trong mưu sinh , văn hóa ứng xử trong kinh doanh đường phố của họ cũng bị biến đổi.

Bác Nguyễn Văn Phúc, trú tại phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ nỗi buồn khi nhắc đến cách ứng xử hiện nay của không ít người kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bác Phúc hiểu rõ sự thay đổi trong văn hóa ứng xử hơn ai hết. Bác chia sẻ rằng, thuở xưa người bán hàng và người mua đều lịch sự, nói năng nhã nhặn với nhau, nhiều chủ cửa hàng mặc áo dài, đầu tóc vấn gọn gàng nhưng đến nay nhiều người không giữ được phong thái cũ. Thậm chí, chủ cửa hàng còn chảnh chọe, mắng chửi khách hàng khi không vừa lòng với khách.


Quán "bún chửi" nằm trên phố Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội từng trở thành phóng sự phát trên kênh truyền hình CNN của Mỹ. Bà chủ của quán này sau đó cho biết lượng khách tới quán thưởng thức đông hơn thường ngày. "Có những lúc lượng người đến gấp đôi so với ngày thường, tôi cùng nhân viên phải làm việc rất vất vả mới đáp ứng kịp", bà trả lời trên tờ VTC News

Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại mà thành phố Hà Nội vừa giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các sở, ngành xây dựng đã phần nào giải tỏa được nỗi băn khoăn của dư luận khi nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại hình thức kinh doanh kiểu “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm, phở chặt chém...”.

Do tính chất nhạy cảm của vấn đề, ngành Văn hóa Hà Nội thực hiện quy trình xây dựng Quy chế một cách thận trọng và khoa học.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát nhằm nhận diện chính xác thực trạng giao tiếp ứng xử trong các nhà hàng, quán ăn; đồng thời đánh giá mức độ quan tâm và nhu cầu ban hành Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại tại các địa bàn trung tâm của thành phố.

Trên cơ sở các kết quả khảo sát, kết hợp với việc nghiên cứu tài liệu liên quan, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến các cơ quan chức năng, nhà khoa học, nhà văn hóa... để tiến hành xây dựng dự thảo Quy chế.

Nội dung Quy chế có thể bao gồm một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội như: giao tiếp ứng xử trong nhà hàng, quán ăn dành cho cả chủ hàng và khách hàng; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà hàng và trên hè phố; vấn đề công khai giá tiền của các món ăn...

Ông Tô Văn Động cũng khẳng định, các nội dung này có thể đã được quy định trong các văn bản khác nhưng đây là biện pháp quan trọng mà thành phố yêu cầu để cụ thể hóa các quy định đó đi vào cuộc sống.

Trên thực tế, các quy định đã có sẵn nhưng việc hệ thống hóa những quy định đó để các quán ăn, nhà hàng ứng xử văn minh và công khai minh bạch hơn, từ trước đến nay chưa được thực hiện; thậm chí các chủ nhà hàng, quán ăn lẫn khách hàng vẫn mơ hồ về điều này.

Quy chế sẽ tổng hợp cô đọng nhằm giới thiệu lại và cụ thể hóa các nội dung cơ bản các văn bản liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh ăn uống hè phố để người dân dễ ghi nhớ, đi vào cuộc sống như: Nghị định của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật phòng chống tác hại thuốc lá; quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố; bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố Hà Nội...

Đặc biệt, khi dự thảo hoàn thành sẽ được lấy ý kiến góp ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là ý kiến của các chủ thể kinh doanh dịch vụ ăn uống, các nhà quản lý trật tự đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm và các chuyên gia pháp chế, chuyên gia quản lý văn hóa... để đảm bảo tính thực tiễn và toàn diện, có thể triển khai hiệu quả trong cuộc sống.

Việc xây dựng Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại đang nhận được sự ủng hộ của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, của người dân nhưng khi tổ chức thực hiện có phát huy được tính tự giác của chủ hàng và khách hàng lâu dài, bền vững, tạo thành nét đẹp văn hóa hay không mới là điều quan trọng.

Đó cũng là vấn đề mà những người làm văn hóa đang trăn trở.

Trên thực tế, việc kinh doanh muốn tồn tại phải có khách hàng, nếu khách hàng tẩy chay các hình thức kinh doanh phản văn hóa, chắc chắn chủ thể kinh doanh không thể tồn tại.

Mục tiêu của ngành Văn hóa khi xây dựng Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại cũng đang hướng đến điều này.

Để làm được như vậy, những người làm văn hóa mong muốn các tầng lớp nhân dân Thủ đô đồng lòng nói không với các trường hợp kinh doanh chưa chuẩn mực về văn hóa, cùng xây dựng môi trường văn hóa Hà Nội lành mạnh, phong phú, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long nghìn năm văn hiến.

TTXVN/Đinh Thị Thuận

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm