Khi lính bắn tỉa lên phim

23/01/2015 06:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này, phim Lính bắn tỉa Mỹ (American Sniper), dựa trên cuộc sống của Chris Kyle, cựu lính bắn tỉa giỏi nhất Mỹ, đã lập kỷ lục doanh thu ở nước này. Sự kiện đánh dấu thay đổi lớn của hình ảnh người lính bắn tỉa, từ chỗ khiến người ta kinh hãi và căm ghét, tới vị trí của các anh hùng.

Trong Lính bắn tỉa Mỹ, Chris Kyle giống như thiên thần hộ mệnh với đồng đội. Anh tiêu diệt các tay súng nổi loạn ở Iraq từ khoảng cách xa, cứu mạng đồng đội trước khi họ nhận ra việc đang trong tầm ngắm của kẻ thù.

"Tập đoàn giết người"

Kyle trở thành anh hùng trong bộ phim của Clint Eastwood, một hình ảnh khác xa danh tiếng của lực lượng bắn tỉa trong lịch sử, vốn không gây nhiều thiện cảm ngay cả với "quân mình".

Lính bắn tỉa, chỉ chiếm một lượng nhỏ trong các đơn vị chiến đấu, có nhiều điểm đối lập với bộ binh thông thường. Hoạt động huấn luyện chiến đấu dạy người lính cách ngắm và bắn vũ khí. Nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy tới tận gần đây, ít người lính có khả năng bắn chính xác và giết chết ai đó. Trong khi đó, lính bắn tỉa ngắm bắn và giết người gần như sau mỗi cú xiết cò.


Tài tử Bradley Cooper (phải) thủ vai Kyle trong American Sniper

Khi những người lính khác giết địch, nạn nhân thường ở quá xa để chứng kiến cảnh anh ta chết. Trong khi ấy, lính bắn tỉa lại quan sát được đối phương nhờ các ống ngắm quang học và đôi khi có thể thấy máu trào ra, khi viên đạn xuyên vào cơ thể, hay cảnh nạn nhân ngã xuống và chết.

Những khác biệt này khiến người lính bình thường coi cánh bắn tỉa là các rôbốt giết người không có linh hồn, trắng trợn vi phạm luật chơi sòng phẳng của chiến tranh. "Thời chiến tranh Việt Nam, ngay cả người dân Mỹ cũng gọi chúng tôi là "Tập đoàn giết người"" - Jack Coughlin, một cựu lính bắn tỉa của Lính thủy đánh bộ Mỹ kể - "Họ nghĩ chúng tôi là những kẻ sát nhân bệnh hoạn".

Theo thời gian, lính bắn tỉa trở thành huyền thoại và cơn ác mộng với người lính bình thường. Như trong những năm 1990 ở Chechnya, lính Nga kháo nhau câu chuyện về đội lính bắn tỉa có biệt danh Tất trắng - các nữ xạ thủ xinh đẹp người Estonia, được quân phiến loạn ở Chechnya trả tiền để giết người Nga trên chiến trường. Họ thường nhắm bắn vào bộ phận sinh dục của người lính và mang thủ cấp về làm chiến lợi phẩm. Tuy nhiên do không có thành viên "Tất trắng" nào bị bắt nên nhóm này có thể chỉ là sản phẩm tưởng tượng.

"Bầy hủi" trong quân đội

Sự sợ hãi và căm ghét lực lượng bắn tỉa hình thành từ một thực tế là số nạn nhân của họ thường lớn. Những người lính bắn tỉa xuất sắc có thể diệt tới hàng trăm lính của đối phương. Ví dụ như xạ thủ Simo Hayha của Phần Lan đã bắn chết hơn 500 người vào thời Thế chiến 2. Đây là một trong những thành tích bắn tỉa lớn nhất lịch sử, khi nhiều người lính thông thường có thể rời khỏi cuộc chiến mà chẳng giết được ai cả. Thậm chí có người còn chưa từng nổ súng.

Ngoài việc phải đối mặt với phản ứng tự nhiên của con người là chống lại hành động giết chóc, lính bắn tỉa còn phải vượt qua các quy ước xã hộiluôn kỳ thị với hành động bất ngờ tấn công ai đó. Sử gia quân sự Martin Pegler nói rằng sự kỳ thị này xuất phát từ một thời đại khi người ta còn tham gia chiến tranh với thái độ "quân tử" hơn.

"Đây là thái độ của tầng lớp sĩ quan" - ông nói - "Các sĩ quan Anh đã từng cho rằng bắn hạ kẻ thù từ khoảng cách xa, một cách máu lạnh, là hành động không thể chấp nhận được. Nhưng họ lại không lên án việc dùng pháo bắn nát kẻ thù".

Trong quá khứ, lính bắn tỉa, thường là những người bị gọi đi nghĩa vụ, cũng hay nhắm bắn sĩ quan đối phương. Điều này tạo ra cảm giác không công bằng, làm tăng sự thù ghét với lính bắn tỉa. Pegler nói rằng cho tới những năm 1980, lính bắn tỉa trong quân đội Anh vẫn bị gọi là "Bầy hủi", bởi những người lính khác không muốn giao du với họ.

Việc sợ bị ghét bỏ đã khiến người lính không muốn tham gia hoặc thực hiện hành động bắn tỉa, ngay từ những ngày trứng nước của lực lượng này. Trong cuộc Chiến tranh cách mạng Mỹ diễn ra hồi thế kỷ 18, một xạ thủ người Scotland có tên Patrick Ferguson đã phát hiện một sĩ quan Mỹ đang cưỡi ngựa và thấy rằng có thể bắn chết ông ta tới cả chục lần. Tuy nhiên sau đó Ferguson đã không bóp cò, vì “thật không dễ chịu gì khi nổ súng vào lưng một người không gây hấn và đang làm nhiệm vụ rất bình thường". Nhân vật thoát chết đó là George Washington, người về sau thành Tổng thống Mỹ.

Thời Thế chiến thứ 2, lính bắn tỉa bị căm ghét tới mức họ thường bị bắn chết tại chỗ, thay vì bắt làm tù binh.

Từ ghét thành yêu

Chỉ trong 2 thập kỷ trở lại đây, danh tiếng của lính bắn tỉa mới chuyển từ chỗ bị khinh ghét thành được ngưỡng mộ. Ở Mỹ, sự chuyển đổi diễn ra nhờ bối cảnh địa lý đặc biệt của cuộc chiến tranh Iraq, với địa hình đô thị, nhiều tầng lớp, không phải rừng cây rậm rạp và vùng nông thôn rộng lớn ở Việt Nam. “Ai cũng căm ghét lính bắn tỉa cho tới khi họ tham chiến" - Coughlin, một cựu lính bắn tỉa kể lại, nói thêm rằng địa hình đô thị mang tới điều kiện tốt nhất để lính bắn tỉa bảo vệ đồng đội và tiêu hao sinh lực địch.

Cựu lính bắn tỉa Lục quân Mỹ Dave Grossman, người dành nhiều thời gian nghiên cứu về tâm lý của hoạt động giết chóc, nói rằng lý do của sự thay đổi còn bởi lính bắn tỉa đã được tích hợp tốt hơn vào hoạt động của quân đội.

"Trong chiến tranh Việt Nam, chúng ta không có nhiều lính bắn tỉa. Lính bắn tỉa chỉ như một công cụ mà chúng ta rút ra khỏi hộp, sử dụng rồi ném lại trong hộp" - ông nói - "Giờ thì ngay cả lính bộ binh thông thường cũng có các kính ngắm phức tạp, giúp họ có khả năng thực hiện các cú bắn chính xác, điều mà trước đây chỉ lính bắn tỉa thực hiện được. Các cú bắn tầm xa thường rất hiếm trước đây. Giờ thì đầy rẫy".

Ngày hôm nay, lính bắn tỉa là các quân nhân được đào tạo kỹ lưỡng và rất tự hào với công việc của họ - những người trông chừng và bảo vệ sinh mạng đồng đội. Bộ phim của Eastwood và thành công của nó đã phần nào phản ánh sự thay đổi thái độ dành cho lính bắn tỉa.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm