11/12/2015 12:37 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyên gia Đức Christian Eckmann đang phụ trách dự án phục chế mặt nạ vàng nổi tiếng, đã 3.300 năm tuổi, của vị Pharaoh Ai Cập Tutankhamun. Cuộc phục chế đã làm lộ ra nhiều bí ẩn mà người ta ít biết lâu nay.
Cơ hội “vàng” để nghiên cứu về Tutankhamun
Chiếc mặt nạ dần trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, thành biểu tượng của Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, vào tháng 8/2014, bộ râu của chiếc mặt nạ đã bị gãy trong quá trình nó được đưa trở lại phòng trưng bày. Các nhân viên Bảo tàng Ai Cập đã sửa chữa sai lầm một cách vụng về, bằng keo dính.
“Họ không gắn râu vào vị trí cũ mà lại hơi chếch sang bên trái” - Eckmann nói -"Họ làm không khéo nên nhìn rất lộ. Tháng 1 năm nay, báo giới đã phát hiện ra vụ việc và bê bối hình thành sau đó".
Khi chuyện lộ ra, nhiều người tưởng rằng di sản quý giá của Ai Cập bị tổn hại vĩnh viễn. Song Eckmann đã được mời đến và ông khẳng định có thể phục hồi chiếc mặt nạ. Đồng thời ông cũng hé lộ nhiều chi tiết thú vị về chiếc mặt nạ.
“Thực ra bộ râu này đã từng bị gãy, khi nhà khảo cổ Howard Carter tìm thấy chiếc mặt nạ trong lăng mộ Vua Tutankhamnu hồi năm 1922. Sau cuộc khai quật và đưa mặt nạ về bảo tàng, họ không hề gắn lại bộ râu cho đến tận năm 1946” - Eckmann cho biết.
Eckmann nói rằng “thảm họa” còn mang tới cơ hội vàng để tiến hành cuộc nghiên cứu toàn diện về chiếc mặt nạ, qua đó giúp giải mã một số bí ẩn đã có từ lâu. Cụ thể, nhóm của Eckmann đang tìm hiểu xem thợ kim hoàn Ai Cập cổ đại đã dùng các vật liệu nào, kỹ thuật gì để tạo ra chiếc mặt nạ. Quá trình nghiên cứu cũng sẽ làm lộ rõ trình độ tay nghề của những người thợ, cũng như việc chiếc mặt nạ đã từng được chỉnh sửa gì chưa sau mấy ngàn năm tồn tại.
Tiến gần hơn tới Nữ hoàng Nefertiti
Tutankhamun, vị Pharaoh của triều đại thứ 18 ở Ai Cập cổ đại, đã đột ngột qua đời khi mới 19 tuổi. Nhân vật này trở nên nổi tiếng khắp thế giới, khi lăng mộ của ông được Carter khai quật ở Luxor hồi năm 1922.
Không giống với các ngôi mộ hoàng gia khác, đã bị trộm đột nhập và lấy đi nhiều cổ vật giá trị ở bên trong, lăng mộ của Tutankhamun còn nguyên vẹn. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy khoảng 3.000 hiện vật trong mộ, gồm cả chiếc mặt nạ vàng nặng tới 110kg.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, nhóm chuyên gia của Eckmann đã sử dụng các que gỗ nhỏ để cạo bỏ lớp keo cũ, dùng để đính cái râu gãy vào mặt nạ. Hiện họ đã tẩy sạch keo, tháo bộ râu thành công và đang tìm biện pháp an toàn để gắn râu trở lại.
Diễn biến liên quan tới chiếc mặt nạ xuất hiện trong bối cảnh gần đây giới khoa học đã có nhiều phát hiện mới quanh Tutankhamun. Cụ thể, hồi tháng 8, nhà Ai Cập học người Anh Nicholas Reeves đã gây sốc với tuyên bố trong lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun có các cánh cửa bị che giấu. Đằng sau những cánh cửa này có thể là các phòng chôn khác, với khả năng chứa di hài của Nữ hoàng Nefertiti.
Cho đến nay, nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng Nefertiti vẫn là điều bí ẩn. Đến cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Cổ vật Ai Cập xác nhận rằng có tới 90% khả năng lăng mộ Tutankhamun chứa các căn phòng bị che giấu.
Cùng với giả thuyết trên, tiến sĩ Reeves còn cho rằng chiếc mặt nạ của Vua Tutankhamun và nhiều di sản khác trong lăng mộ của ông ban đầu được làm cho Nữ hoàng Nefertiti, nhưng sau đó đã đổi chủ nhân khi Tutankhamun đột tử. Thậm chí, Reeves còn tin rằng tên và tước hiệu của Nữ hoàng Nefertiti ban đầu được viết trong hình ô-van của chiếc mặt nạ, song sau đó đã bị che lấp bằng tên của Tutankhamun.
Cá nhân Eckmann nói rằng ông là một nhà phục chế, chứ không phải nhà khảo cổ, nên không thể suy đoán chiếc mặt nạ được làm cho ai. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu của ông có thể cung cấp những dữ liệu mới, giúp các chuyên gia khác hiểu rõ câu chuyện xung quanh chiếc mặt nạ.
Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất