Giới chức Mỹ mở cuộc điều tra hình sự đối với Huawei vì tội 'ăn cắp'

17/01/2019 14:59 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Giới chức Mỹ đang mở rộng một cuộc điều tra hình sự nhằm vào tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, đồng nghĩa với khả năng sẽ có một bản cáo trạng được đưa ra.

Trung Quốc triệu Đại sứ Mỹ yêu cầu 'sửa chữa sai lầm' vụ bắt nữ lãnh đạo Huawei

Trung Quốc triệu Đại sứ Mỹ yêu cầu 'sửa chữa sai lầm' vụ bắt nữ lãnh đạo Huawei

Theo hãng tin Reuters, ngày 9/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ Terry Branstad tại nước này để phản đối mạnh mẽ về vụ bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) của Tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu, đồng thời nhấn mạnh Mỹ cần rút lại lệnh bắt giữ nhân vật này. 

Ngày 16/1, tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết Bộ Tư pháp nước này đang xem xét các cáo buộc liên quan tới Huawei, cho rằng hãng này đánh cắp bí mật thương mại của các đối tác kinh doanh Mỹ, trong đó có thiết bị robot do T-Mobile sản xuất được sử dụng để thử nghiệm điện thoại thông minh. Bộ Tư pháp Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin này, trong khi Huawei chưa đưa ra phản ứng nào.

Nếu được xác thực, việc Mỹ mở cuộc điều tra hình sự đối với Huawei sẽ làm gia tăng căng thẳng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sau vụ Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) Huawei, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) tại Canada hôm 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ với nhiều cáo buộc, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Iran. Vụ việc đã gây căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ.

Chú thích ảnh
Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu . Ảnh: REUTERS/ TTXVN

Theo giới chuyên gia, đây là động thái mới nhất trong chuỗi hành động được thực hiện nhằm tuyên chiến với cái mà một số người trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump gọi là sự gian lận của Trung Quốc thông qua đánh cắp sở hữu trí tuệ, các khoản trợ cấp doanh nghiệp bất hợp pháp và những quy định cản trở những doanh nghiệp Mỹ muốn bán hàng tại Trung Quốc.

Cùng ngày, một nhóm nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Mỹ đã trình các dự luật cấm việc bán các con chip và những linh kiện điện tử khác cho Huawei, ZTE hay những doanh nghiệp viễn thông khác của Trung Quốc, vốn vi phạm những đạo luật kiểm soát xuất khẩu, hoặc các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới và là một trong các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông hàng đầu thế giới, nhiều năm qua Huawei vẫn bị giới chức Mỹ cho vào "tầm ngắm" do lo ngại điện thoại di động và thiết bị mạng của hãng có thể tạo nền tảng cho hoạt động do thám của Bắc Kinh. Nhật Bản, Australia, New Zealand và Anh đã lần lượt từ chối một số dịch vụ của Huawei do lo ngại an ninh.

Tập đoàn này được thành lập năm 1987 và có trụ sở chính tại thành phố Thâm Quyến (Shenzhen), miền Nam Trung Quốc. Hiện Huawei đang mở rộng sang những lĩnh vực mới như phát triển điện tử, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, đặc biệt là phát triển mạng di động thế hệ thứ 5 (5G).

TTXVN/Lan Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm