27/04/2019 20:50 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/4, tại công viên Tứ Tượng (thành phố Huế. tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2019 với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt". Tại đây không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian ẩm thực mở cử đón khách cho đến hết ngày 2/5.
Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 các nghệ nhân từ các làng nghề như kim hoàn, thêu, pháp lam, chạm khảm, đúc đồng, mộc mỹ nghệ, trúc chỉ, gốm, mây tre..., mang đến những sản phẩm đặc trưng của quê hương, đồng thời giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề và làng nghề, tạo nên một không gian trữ tình, sống động bên dòng sông Hương phục vụ du khách và người dân Huế.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế, Phó Trưởng ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2019, cho biết: Festival Nghề truyền thống Huế 2019 với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt" diễn ra từ 26/4 - 2/5, là nơi hội tụ tinh hoa của 16 nhóm nghề, với 60 làng nghề và trên 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, "bàn tay vàng" đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Tháp, Hưng Yên và Thừa Thiên - Huế. Với mục tiêu xuyên suốt lễ hội là khôi phục, gìn giữ và phát huy các sản phẩm tinh hoa của các nghề thủ công truyền thống của Huế và của các vùng miền trên khắp cả nước, không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề là điểm nhấn của Festival Nghề truyền thống đồng thời là một trong những nội dung chính diễn ra tại Festival Nghề năm nay.
Thành phố Huế tham gia không gian trưng bày Festival Nghề truyền thống Huế 2019 nhiều nghề và làng nghề, như: nghề Pháp lam; chế tác nhà rường; may (áo dài truyền thống); đúc đồng Phường Đúc (lư, chuông, tượng, hàng mỹ nghệ lưu niệm); thêu tranh ở phố Phan Đăng Lưu, Hùng Vương, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, tranh thêu XQ; tranh làng Sình; nón lá Mỹ Lam; gỗ mỹ nghệ Mỹ Xuyên; gốm Phước Tích; hoa giấy Thanh Tiên; giấy Trúc Chỉ...
Tham gia nhiều kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, Nghệ nhân Ưu tú nghề kim hoàn Trần Duy Mong tâm sự: Đây là dịp không chỉ để quảng bá những sản phẩm thủ công truyền thống mà sau lễ hội mở ra cơ hội để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bên cạnh những sản phẩm có thiết kế mới phù hợp với thị trường thì những sản phẩm mang tính truyền thống cao cũng rất quan trọng. Nhưng hiện nay ở nhiều làng nghề do điều kiện cạnh tranh về kinh tế, những sản phẩm mang tính truyền thống ngày một ít đi, trên thị trường khách hàng ít biết đến hoặc ít quan tâm. Vì vậy, các làng nghề truyền thống, nghệ nhân phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, rèn luyện để sáng tạo, kết hợp trong sản xuất làm ra những mặt hàng được thị trường yêu chuộng, đồng thời kết hợp sản xuất những mặt hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch mang bản sắc xứ Huế; giới thiệu, quảng bá những mặt hàng lưu niệm, quà tặng du lịch đến với khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương, các vùng lân cận.
Riêng với những sản phẩm kim hoàn tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2019, Nghệ nhân Ưu tú Trần Duy Mong cho biết, mỗi một sản phẩm không chỉ là món đồ trang sức mà còn là tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự tinh túy, điêu luyện của người thợ bởi nghệ thuật kim hoàn mang danh là nghề làm đẹp cho người và cho đời. Đó cũng là điều mà ông luôn trăn trở, suy nghĩ để duy trì và phát triển nghề truyền thống, đặc biệt là sáng tạo ra những sản phẩm truyền thống, mang đậm nét văn hóa vùng miền, văn hóa Việt Nam cần được lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 đan đệm bàng Phò Trạch là nghề đặc sắc mang đến những sản phẩm mới lạ. Các sản phẩm như đệm, túi xách, mũ, chiếu… được đan từ cây cỏ bàng. Bàng là tên một loại cây cỏ (có họ hàng với cây lác hay cây cói) thường mọc hoang ở những vùng đất trũng có nước. Bàng sau khi thu hoạch, được phơi khô, bó lại cẩn thận và gác lên giàn bếp, để dành dùng cho cả năm. Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, cho biết, Festival Nghề truyền thống Huế không chỉ là cơ hội để quảng bá thương hiệu, sản phẩm mà còn là cầu nối để các cơ sở sản xuất, làng nghề ký kết hợp đồng kinh tế giá trị. Tại Festival Nghề đầu tiên mà cơ sở của ông tham gia, hợp tác xã chỉ có 20 nhân viên sản xuất với doanh thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Nhưng đến nay hợp tác xã đã có trên 100 nhân viên trực tiếp sản xuất, sản phẩm làm ra không đủ để cung ứng cho thị trường và doanh thu mỗi năm đạt trên 1,5 tỷ đồng.
Làng nghề truyền thống Hoa giấy Thanh Tiên - Tranh dân gian làng Sình (thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) tham gia nhiều kỳ Festival Nghề truyền thống Huế và nay đang có điều kiện phát triển thành điểm du lịch cộng đồng, làng nghề hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Nghệ nhân Thân Văn Huy, người đã có hơn 50 năm kinh nghiệm làm hoa giấy, cho biết, cơ sở sản xuất và mang đến khoảng 3.000 sản phẩm tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Hiện tại sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên được quảng bá rộng rãi và tạo nên thương hiệu trong và ngoài nước. Những màu sắc rực rỡ mà giản dị của hoa giấy Thanh Tiên không chỉ tô đẹp thêm văn hóa tâm linh nơi đây mà còn thể hiện nét độc đáo của con người xứ Huế.
Du khách đến với không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề thủ công truyền thống bên cạnh việc thưởng thức, tìm hiểu và trải nghiệm vào hoạt động thì có thể cùng tham gia thao diễn và sáng tạo ra các sản phẩm theo sở thích cá nhân của mình. Đáng chú ý, bên cạnh không gian trưng bày và thao diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống trong nước còn có không gian trưng bày của các thành phố và tổ chức quốc tế. Tại đây, quy tụ bảy thành phố có quan hệ hợp tác, kết nghĩa với Huế và các hiệp hội nghề, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 70 nghệ nhân tham dự.
Sự tham gia Festival nghề truyền thống Huế thu hút sự tham gia của các thành phố quốc tế cho thấy sức hút của lễ hội không chỉ là nơi tôn vinh các nghệ nhân, nghề, làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh mà còn là nơi thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, hợp tác, hữu nghị tốt đẹp giữa Huế và các thành phố kết nghĩa ngày càng bền chặt, phát triển. Đến đây, khách du lịch tham dự được thưởng thức nghệ thuật làm gốm Shibukusa Ryuzo, sản phẩm sơn mài Shunkei, điêu khắc Netsuke sử dụng nguyên liệu gỗ cây thủy tùng của Nhật Bản; chiêm ngưỡng trang phục Hanbok, các sản phẩm khảm xà cừ sơn mài, nghề làm giấy, thủ công mỹ nghệ đồng, gốm, kim loại và da của Hàn Quốc; ấm trà của công ty Lục Thuận Đại Tử Sa, Trung Quốc,…
Không gian trưng bày và thao diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các thành phố và tổ chức quốc tế là dịp để thành phố và tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cường giao lưu thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước châu Á; qua đó, góp phần tạo sự gần gũi, đoàn kết và phát triển các thương hiệu sản xuất hàng thủ công truyền thống của Việt Nam và các đối tác quốc tế.
Quốc Việt/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất