18/08/2021 15:09 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Tình trạng hỗn loạn khi hàng nghìn người chen chúc ở sân bay Kabul tìm đường tháo chạy khỏi Afghanistan khi Taliban giành quyền kiểm soát đã gây nhức nhối trong những ngày qua.
Đứng trước mối lo lớn từ “cơn bão di cư” có nguy cơ làm tái diễn thảm kịch mà châu Âu đã trải qua cách đây 6 năm, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã không thể ngồi yên và quyết tâm hành động.
Nguy cơ tái diễn thảm kịch di cư
Tình hình Afghanistan đặc biệt hỗn loạn sau khi Taliban tuyên bố kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này. Lo lắng, sợ hãi và tháo chạy là tâm lý chung của nhiều người dân Afghanistan vào thời điểm này. Lo sợ Taliban quay trở lại nắm quyền và thực thi những chính sách hà khắc, nhiều người dân đã tìm đường rời khỏi đất nước.
Ngày 16/8, nhiều người dân Afghanistan đã đổ xô về các khu vực sân bay ở thủ đô Kabul và các khu vực biên giới với hi vọng có thể nhanh chóng rời khỏi đất nước. Giao thông đặc biệt ách tắc tại các con đường dẫn đến sân bay Kabul đã khiến nhiều người đã phải bỏ lại ô tô, đi bộ để đến được sân bay. Trong khi đó, tại các khu vực biên giới giữa Afghanistan và các nước láng giềng như Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, từ mấy ngày qua, có rất nhiều người đã băng qua biên giới để sang các nước láng giềng tị nạn.
Dòng người tháo chạy ồ ạt khỏi Afghanistan đã khiến nhiều nước láng giềng không khỏi lo ngại về nguy cơ xảy ra làn sóng người di cư như đã từng xảy ra ở Syria sau khi chiến tranh nổ ra ở quốc gia Trung Đông này 10 năm về trước. Khi đó, cùng với Syria, hàng triệu người Iraq và Afghanistan chạy trốn xung đột đổ về châu Âu năm 2015 đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất trong lịch sử Lục địa già. Hy Lạp đã trở thành tiền tuyến của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu hồi năm 2015, khi gần 1 triệu người ở Syria, Iraq và Afghanistan chạy trốn xung đột đã tới nước này.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát, EU đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và phần nào hạn chế được dòng người di cư trái phép. Mặc dù cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu đã phần nào dịu bớt, song vẫn tiếp tục gây nhức nhối, kéo theo các hệ lụy nghiêm trọng từ mất đoàn kết nội khối đến các nguy cơ về an ninh, kinh tế, xã hội.
Theo Cơ quan bảo vệ Biên giới châu Âu (Frontex), số người di cư bất hợp pháp vào EU bằng cách đi qua Tây Balkan đã tăng gần gấp đôi trong năm 2020, phần lớn đến từ Syria và Afghanistan. Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 22.600 người di cư nhập cảnh trái phép vào EU qua tuyến đường này. Và để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng, EU cần thống nhất chính sách về người di cư và tị nạn, đồng thời giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là tình trạng nghèo đói và xung đột tại Trung Đông, châu Phi.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư vẫn gây nhức nhối châu Âu, diễn biến bất ổn tại Afghanistan đã lại khiến EU đứng trước nguy cơ tái diễn thảm kịch di cư năm 2015.
Quyết tâm hành động
Lo ngại dòng người di cư từ Afghanistan có thể sẽ làm nổ ra cuộc khủng hoảng di cư tương tự năm 2015, giới lãnh đạo EU đã quyết tâm hành động. Tại hội nghị trực tuyến ngày 17/8 về vấn đề Afghanistan, ngoại trưởng các nước EU đã thảo luận về hoàn cảnh dẫn tới sự sụp đổ bất ngờ của các lực lượng Afghanistan trước cuộc tấn công chớp nhoáng của Taliban và những diễn biến ở Afghanistan hiện nay có thể khiến cuộc khủng hoảng di cư tái diễn. Để tránh tái diễn làn sóng người di cư bất hợp pháp không thể kiểm soát, các ngoại trưởng EU cho rằng châu Âu cần tạo các hành lang nhân đạo để tiếp nhận người tị nạn chạy trốn khỏi Afghanistan.
Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, điều cần làm trước mắt là đảm bảo người dân Afghanistan nương náu an toàn tại các quốc gia láng giềng. Nhắc lại cuộc khủng hoảng người tị nạn từ Syria đổ về châu Âu năm 2015, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức cho rằng châu Âu không nên lặp lại sai lầm trong quá khứ khi không cung cấp đủ nguồn quỹ cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và các chương trình cứu trợ khác.
Trong khi đó, cảnh báo nguy cơ về một dòng người di cư bất hợp pháp đến châu Âu, Pháp kêu gọi EU có phản ứng mạnh mẽ để đối phó làn sóng người tị nạn từ Afghanistan, phối hợp và thống nhất để thiết lập quan hệ hợp tác với các nước quá cảnh. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh: "Chúng ta phải lường trước và bảo vệ mình trước các luồng di cư bất hợp pháp có thể gây nguy hiểm cho chúng ta và làm gia tăng tình trạng buôn bán bất hợp pháp".
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias khẳng định châu Âu không thể tiếp nhận hàng triệu người Afghanistan rời bỏ đất nước và Hy Lạp trở thành điểm nóng di cư. Ông Dendias khẳng định nước này không thể một lần nữa trở thành cửa ngõ tiếp nhận hàng triệu người di cư Afghanistan đổ vào EU, đồng thời kêu gọi một phản ứng tập thể của khối đối với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tuyên bố sau hội nghị, EU thống nhất các đối phó với làn sóng tị nạn từ Afghanistan có thể tràn đến châu Âu qua các nước như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cam kết tăng cường hơn nữa viện trợ nhân đạo và đảm bảo rằng viện trợ sẽ được ưu tiên thực hiện trong khu vực lân cận Afghanistan. Hầu hết người tị nạn sẽ di chuyển sang các nước láng giềng.
Do đó EU cần hỗ trợ các nước láng giềng Afghanistan giúp giảm bớt thảm họa nhân đạo; đồng thời phối hợp cùng các đối tác ngăn chặn dòng người di cư hợp pháp từ đất nước này. Cảnh báo nguy cơ về một dòng người di cư bất hợp pháp đến châu Âu, các ngoại trưởng EU cho rằng châu Âu không thể tự mình gánh vác hậu quả của tình hình hiện tại đồng thời kêu gọi thế giới giúp đỡ người tị nạn từ Afghanistan để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo khác.
Trong bối cảnh Taliban kiểm soát Afghanistan có thể dẫn đến tình trạng nhiều người dân bỏ chạy sang các nước châu Âu, hội nghị Ngoại trưởng EU cho biết các cuộc thử nghiệm thiết bị giám sát công nghệ cao mới đang diễn ra ở sân bay Alexandroupolis, gần biên giới trên bộ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ và ở đảo Limnos nhằm cung cấp cho giới chức biên giới hình ảnh rõ ràng hơn của các tàu tiến gần khu vực này. Hệ thống tích hợp camera và cảm biến nhiệt độ kết nối với máy tiếp sóng và vệ tinh thông tin sẽ cung cấp hình ảnh thời gian thực, bao phủ diện tích rộng tới 40.000 km2, trong chu vi 60 km trên biển.
Hiện có hơn 400 nhân viên của Cơ quan bảo vệ Biên giới châu Âu cùng hàng chục phương tiện, một số trong đó được trang bị máy ảnh nhiệt hồng ngoại, cùng 8 tàu tuần tra, cũng đã được triển khai tại Hy Lạp để đối phó với các cuộc khủng hoảng di cư.
Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất