Điều nguy hiểm nhất khi Donald Trump cấm dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh

07/02/2017 14:32 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sắc lệnh cấm người dân ở 7 nước Hồi giáo nhập cảnh Mỹ của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cấm người dân ở 7 nước Hồi giáo nhập cảnh Mỹ đang tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi. Sau khi Thẩm phán Liên bang tại Seattle (bang Washington) là James Robart ra lệnh tạm ngừng thực thi sắc lệnh của ông Trump trên toàn quốc, Bộ Tư pháp đã nộp đơn lên Tòa án Phúc thẩm Liên bang đề nghị dỡ bỏ quyết định này.

Tuy nhiên, Tòa án Phúc thẩm đã bác bỏ đơn của Bộ Tư pháp. Báo chí Mỹ cho rằng chính quyền sẽ tiếp tục có các bước đi để dỡ bỏ quyết định của Thẩm phán Robart.

Ngày 6/2, một nhóm cựu quan chức Mỹ gồm hai cựu Ngoại trưởng John Kerry và Madeleine Albright, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Janet Napolitano, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Avril Haines, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Michael Hayden, hai cựu Phó Giám đốc CIA John McLaughlin và Michael Morrell, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Lisa Monaco đã gửi một tuyên bố chung tới một tòa phúc thẩm liên bang nhằm chỉ trích sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.

Họ cho rằng sắc lệnh này làm xói mòn an ninh quốc gia, phá hoại mối quan hệ giữa Mỹ và cộng đồng Hồi giáo, tạo thêm cớ để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chống lại Mỹ.


Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, DC ngày 2/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Một báo cáo mới đây của RAND Corporation sau khi nghiên cứu 150 cuộc tấn công gồm cả thành công và thất bại ở Mỹ trong giai đoạn 1995-2012 đã chỉ ra rằng trong gần 30% các cuộc tấn công thất bại thì những manh mối ban đầu cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đều đến từ những người không liên quan đến âm mưu tấn công khủng bố.

Dữ liệu tương tự cũng được thể hiện trong nghiên cứu của John Mueller, Giáo sư Đại học bang Ohio. Kết quả khảo sát 92 cuộc tấn công thất bại ở Mỹ từ năm 2001 đã cho thấy những người cung cấp thông tin đã báo về hầu hết các âm mưu tấn công cho cơ quan thực thi pháp luật từ "giai đoạn manh nha".

Từ những động lực trên, các cơ quan cảnh sát ở Mỹ và những nước khác hiểu rằng quan hệ cộng đồng là một yếu tố cốt yếu để ngăn chặn khủng bố. Như John Miller- Phó Trưởng điều phối về tình báo của thành phố New York- chỉ ra hồi năm 2014 rằng "sự cảnh giác của tất cả người dân New York sẽ tạo thành sức mạnh lớn hơn nhiều để giữ cho thành phố này an toàn" và thiết lập nhiều sáng kiến với “mục tiêu tiếp tục tăng cường niềm tin với các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các vấn đề của chủ nghĩa khủng bố”.

Khi các cộng đồng xung quanh những tên khủng bố nhìn nhận nước Mỹ và phương Tây với con mắt thiện chí sẽ thúc đẩy họ giúp đỡ nhân viên tình báo và cơ quan thực thi pháp luật Mỹ nhiều hơn trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công. Còn khi những người đó nhìn nhận nước Mỹ với ánh mắt tiêu cực thì điều ngược lại sẽ diễn ra. Các hành động tương tự như sắc lệnh hành pháp mới đây về nhập cư và người tị nạn đã làm cho những cộng đồng đó trở nên ít thân thiện hơn và làm giảm khả năng những thành viên của các cộng đồng đó sẽ cộng tác với nhân viên cảnh sát và cơ quan thực thi pháp luật.

Tổng thống Donald Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp vì cãi lệnh chống nhập cư

Tổng thống Donald Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp vì cãi lệnh chống nhập cư

Tân Tổng thống Donald Trump ngày 30/1 đã sa thải Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đương nhiệm sau khi bà này chất vấn về tính pháp lý của sắc lệnh chống người nhập cư mà ông Trump mới ký.


Thêm vào đó, thiệt hại đối với các chiến dịch quân sự và tình báo ở nước ngoài thậm chí có thể trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Hơn nữa, thậm chí nếu sắc lệnh nói trên của ông Trump phần nào giúp ngăn chặn các cuộc tấn công vào nước Mỹ thì điều này cũng không chắc chắn sẽ giúp người Mỹ an toàn hơn. Giảm các cuộc tấn công khủng bố ở trong nước là chưa đủ bởi công dân Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trong các cuộc tấn công khủng bố ở nước ngoài (giống như vụ 3 người Mỹ bị sát hại ở Nice mùa Hè năm 2016).

Theo nghiên cứu của Trung tâm quốc gia về Nghiên cứu và Phản ứng với chủ nghĩa khủng bố, trong số 80 người Mỹ bị thiệt mạng do khủng bố từ năm 2004 đến 2013 (không kể ở Iraq và Afghanistan), chỉ có 36 người là nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố ở trong nước Mỹ. Tương tự, quân đội Mỹ đang đồn trú ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có khu vực Trung Đông, cũng đang đối mặt với nguy cơ lớn hơn nếu họ đại diện cho một quốc gia bị coi như đã tuyên bố chiến tranh với những người mà nước Mỹ có vẻ như đang bảo vệ họ.

Về nhân sự, thống kê báo chí cho thấy chính quyền Trump vẫn còn thiếu rất nhiều quan chức cấp phó trong các bộ, ngành. Đến nay, Tổng thống Trump mới chỉ đề cử thứ trưởng cho ba bộ là Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa. Hầu hết các bộ ngành của ông Trump đang hoạt động mà chưa có lãnh đạo chính thức. Trong khi đó, Bộ trưởng Lục quân được đề cử là Vincent Viola đã tuyên bố rút khỏi vị trí này.

Đây là trường hợp đầu tiên xin rút khỏi đề cử của Tổng thống Donald Trump. Dư luận báo chí cho rằng ông Trump sẽ sớm đề cử Elliott Abrams, một cựu quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Ronald Regan và George W. Bush, vào vị trí Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao với sự ủng hộ của Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Ông Abrams là một nhân vật kỳ cựu trong lĩnh vực đối ngoại, theo đuổi chính sách tân bảo thủ và đã nhiều lần nghi ngờ năng lực của ông Trump trong quá trình tranh cử. Ông ủng hộ việc mở rộng giá trị Mỹ, thúc đẩy dân chủ trên toàn cầu, trái ngược với quan điểm biệt lập của ông Trump. Việc lựa chọn ông Abrams có thể sẽ phần nào trấn an cộng đồng chính sách đối ngoại Washington về kinh nghiệm của đội ngũ lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Ngày 5/2, ông Trump đã tuyên bố sẽ thiết lập một ủy ban do Phó Tổng thống Mike Pence đứng đầu để điều tra về các gian lận trong quá trình bầu cử. Quyết định này không nhận được nhiều sự ủng hộ.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện và cũng là một đồng minh thân cận của ông Trump, cho rằng những gian lận trong bầu cử chắc chắn đã xảy ra nhưng không có bằng chứng cho thấy nó xảy ra trên quy mô lớn và không cần thiết phải chi ngân sách liên bang cho cuộc điều tra này.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm