26/03/2020 09:02 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc quốc hội lưỡng viện nước này nhanh chóng thông qua dự luật trị giá 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ và kích thích nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định ông sẽ ký dự luật ngay sau khi văn kiện này vượt "ải" Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Ông đồng thời nhấn mạnh đây sẽ là một quyết định đánh dấu một ngày tuyệt vời dành cho người lao động và các hộ gia đình tại Mỹ.
Trước đó, sau nhiều ngày đàm phán, ngày 25/3, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump và các thượng nghị sĩ Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ thứ 3 nhằm giải quyết những tác động trong nước do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Theo dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ thông qua dự luật này cùng ngày, sau đó Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu vào ngày 26/3, mặc dù vẫn còn những bất đồng vào phút chót liên quan đến tiền trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định, Quốc hội lưỡng viện Mỹ vẫn cần bỏ phiếu thông qua dự luật hỗ trợ và kích thích nền kinh tế trước khi chuyển tới Tổng thống Trump để ký ban hành thành luật. Nếu được thông qua, gói kích thích lần này sẽ là gói cứu trợ thứ 3 của Chính phủ Mỹ trong nỗ lực giảm nhẹ tác động từ dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch bệnh, trong khi dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2 và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Trong khi đó, ngày 25/3, một nhóm gồm 16 bộ trưởng tư pháp các tiểu bang kêu gọi Tổng thống Trump ngay lập tức sử dụng quyền hạn của mình theo luật quốc phòng nhằm thúc đẩy sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết nhằm chống lại dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, nhóm các bộ trưởng tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang Wisconsin Josh Kaul đứng đầu đã gửi thư kêu gọi Tổng thống Trump sử dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng nhằm chỉ đạo các công ty sản xuất các vật tư cần thiết khẩn cấp như mặt nạ cho nhân viên y tế và máy thở cho các bệnh nhân nặng.
Trong thư, các bộ trưởng tư pháp cho rằng Mỹ đang trên bờ vực phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc do thiếu hụt các nguồn cung cấp quan trọng. Chính vì vậy, chính phủ liên bang phải hành động dứt khoát và sử dụng quyền quyết định của mình để càng nhiều vật tư cần thiết được sản xuất sớm nhất có thể và để phân phối càng nhanh càng tốt.
Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch nhằm gây sức ép với Tổng thống Trump để sử dụng mọi quyền lực của mình nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Trước đó, một loạt thống đốc bang của những tiểu bang bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19 cũng như Hiệp hội Bệnh viện Mỹ, Hiệp hội Y khoa Mỹ và Hiệp hội Y tá Mỹ, cũng lên tiếng kêu gọi Tổng thống Trump sử dụng quyền hạn của mình để tăng nguồn cung các thiết bị y tế cần thiết.
Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Mỹ do CDC ghi nhận hiện nay là 54.453 ca, trong đó có 737 ca tử vong.
Đối phó với dịch bệnh, quân đội Mỹ đang tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa cụ thể, trong đó đáng chú ý là tạm dừng các hoạt động của các lực lượng Mỹ tại nước ngoài và nâng cấp an ninh liên quan đến y tế.
Ngày 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã công bố một chỉ thị tạm dừng các hoạt động của các lực lượng Mỹ tại nước ngoài lên tới 60 ngày để ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong quân đội Mỹ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho hay chỉ thị này áp dụng cho tất cả lực lượng Mỹ, công nhân viên quốc phòng, và gia đình của họ, đồng thời lưu ý rằng sẽ có một số ngoại lệ.
Bộ trưởng Esper nhấn mạnh việc rút các lực lượng Mỹ tại Afghanistan sẽ tiếp diễn. Theo thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban ký kết hồi tháng 2, Mỹ sẽ cắt giảm các lực lượng của nước này tại Afghanistan xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày. Hiện có khoảng 13.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Afghanistan.
Hãng tin CNN cho hay, theo chỉ thị của Bộ trưởng Esper, các trường hợp ngoại lệ cũng có thể bao gồm các tàu hải quân dự kiến trở về Mỹ. Ngoài ra, chỉ thị này sẽ tác động tới 90.000 quân nhân Mỹ, bao gồm lực lượng dự kiến trở về Mỹ và triển khai ra nước ngoài.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ nâng cấp an ninh liên quan đến y tế tại các căn cứ trên toàn thế giới trước tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 do Lầu Năm Góc đã thừa nhận về sự gia tăng liên tục các ca nhiễm bệnh trong toàn bộ lực lượng. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã nâng điều kiện bảo vệ y tế (HPCON) lên mức Charlie - cấp độ cao thứ 2, chỉ tình trạng truyền nhiễm liên tục trong cộng đồng. Bộ trên đã công bố về 53 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong quân đội Mỹ, nâng tổng số mắc COVID-19 trong toàn lực lượng trên toàn cầu lên 227 trường hợp.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chuẩn tướng Không quân Paul Friedrichs (Pôn Phrai-đơ -rích) - bác sĩ phẫu thuật của Hội đồng Tham mưu Liên quân nhấn mạnh, mức bảo vệ y tế HPCON Charlie gồm các quy định hạn chế những hoạt động tụ tập đông người và gia tăng khoảng cách trong tiếp xúc xã hội.
Đặng Huyền - Ngọc Ánh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất