06/05/2020 08:41 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 7h30 sáng 6/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 3.724.345 ca, trong đó có 258.012 ca tử vong. Dịch bệnh hiện đã lây lan ra 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân bình phục là 1.239.900 người.
Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.237.461 ca nhiễm và 72.256 ca tử vong. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ sớm giải tán nhóm đặc nhiệm chống COVID-19 trong bối cảnh nước này đang hướng đến giai đoạn 2, tập trung vào các biện pháp sau dịch. Phó Tổng thống Mike Pence, người đứng đầu nhóm đặc nhiệm, cho biết Nhà Trắng có thể bắt đầu chuyển giao nhiệm vụ điều phối phản ứng chống dịch của Mỹ sang các cơ quan liên bang vào cuối tháng 5 này.
Ở khu vực Mỹ Latinh, Brazil ghi nhận thêm 6.935 ca mắc và 600 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 114.715 ca, trong đó có 7.921 ca tử vong. Số ca mắc mới ở nước này đã tăng khoảng 6,4% kể từ tối 4/5, trong khi số ca tử vong tăng khoảng 8,2%.
Chính quyền Peru xác nhận tổng số ca mắc tại nước này đã tăng lên 50.189 ca, trong đó có 1.444 ca tử vong. Peru là một trong những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, tuy nhiên, trong vòng 10 ngày Peru đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng gấp đôi, khiến nước này trở thành quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 trong khu vực, sau Brazil.
Tại châu Âu, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố cho thấy nước này ghi nhận thêm 1.075 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 213.013 người. Số ca tử vong tại Italy tăng 236 ca lên 29.315. Có thêm 2.352 ca bình phục, nâng tổng số ca bình phục ở nước này lên 98.467 người. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm 52 ca xuống còn 1.427 người.
Pháp ghi nhận số ca tử vong lên tới 25.531 người (tăng 330 ca trong 24 giờ). Hiện Pháp có 24.775 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 773 ca so với hôm trước), trong đó 3.430 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 266 trường hợp). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực tại Pháp đã giảm liên tiếp 27 ngày.
Đức ghi nhận tổng cộng 167.007 ca mắc, trong đó có 6.993 ca tử vong. Các nhà khoa học ở thành phố Braunschweig của Đức đã phát hiện các kháng thể có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào, qua đó có thể hy vọng sớm sản xuất thuốc điều trị hiệu quả virus SARS-CoV-2.
Tại châu Phi, Algeria ghi nhận thêm 179 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên 4.838 người, trong đó có 470 ca tử vong. Thêm 46 bệnh nhân đã được chữa khỏi, nâng tổng số bệnh nhân bình phục và xuất viện lên 1.936 người.
Maroc tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng ở mức 3 con số trong hơn 2 tuần qua. Cụ thể, nước này ghi nhận thêm 166 ca mắc mới và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc ở Maroc lên 5.219 người, trong đó có 181 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Maroc, tổng số bệnh nhân được chữa khỏi ở nước này là 1.838 người.
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iran cảnh báo người dân về sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19. Người đứng đầu Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng thuộc Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur nhấn mạnh các cơ quan chức năng cũng như các trung tâm nghiên cứu đều chưa đưa ra được bức tranh rõ ràng về cơ chế hoạt động của virus SARS-CoV-2. Theo Bộ Y tế Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã có 99.970 ca mắc, trong đó 6.340 ca tử vong.
Tương tự, Cơ quan Cấp cứu quốc gia Israel (NEA) cũng dự báo khả năng dịch COVID-19 tái bùng phát và tình hình sẽ tồi tệ hơn hiện nay. Theo NEA, một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới có thể xảy ra vào thời điểm Năm Mới của người Do Thái vào giữa tháng 9 tới. Dự báo số ca mắc có thể tăng gấp đôi so với hiện nay, lên tới hàng chục nghìn người, con số tử vong từ vài trăm cho tới vài nghìn. Báo cáo trên được đưa ra sau khi Israel dỡ bỏ nhiều biện pháp phong tỏa và số ca mắc mới có xu hướng giảm. Bộ Y tế Israel đã ghi nhận 238 ca tử vong, và chỉ có 43 ca mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, theo đó tổng số ca mắc ở nước này đến nay là 5.586.
Tại châu Á, Indonesia ghi nhận 12.071 ca mắc, trong đó có 872 ca tử vong và 2.197 người được chữa khỏi. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ký sắc lệnh hoãn cuộc bầu cử khu vực dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới do dịch COVID-19. Theo sắc lệnh, cuộc bầu cử này sẽ hoãn tới tháng 12 tới và sẽ tiếp tục hoãn nếu đến thời điểm đó dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.
Bộ trưởng thương mại của các nền kinh tế thành viên thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) kêu gọi đẩy mạnh hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, coi đây như một giải pháp để chống dịch COVID-19.
Trong một tuyên bố, các Bộ trưởng và quan chức thương mại APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các thị trường mở cửa và phối hợp để đảm bảo một môi trường thương mại và đầu tư ổn định và có thể dự đoán. Tuyên bố cũng hối thúc các nền kinh tế thành viên APEC thực thi các biện pháp khẩn cấp "có mục tiêu, tương xứng, minh bạch, tạm thời" và không tạo các rào cản không cần thiết đối với hoạt động thương mại trong khi ứng phó với những thách thức do dịch COVID-19 gây ra.
Nguyễn Hằng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất