02/02/2021 11:15 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/2, Bộ Y tế Pháp thông báo có thêm 455 ca tử vong do mắc bệnh COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 25/1 vừa qua, trong khi số bệnh nhân đang được điều trị tích cực cũng tăng mạnh.
Tính tới nay, Pháp đã ghi nhận 76.512 ca tử vong, cao thứ 7 thế giới sau Mỹ, Brazil, Mexico, Ấn Độ, Anh và Italy. Tổng số bệnh nhân phải nhập viện là 27.914 người, tăng 70 trường hợp trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 4.347 ca và hiện Pháp đã ghi nhận hơn 3,2 triệu ca mắc kể từ khi dịch bùng phát. Khoảng 1,49 triệu người tại Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 47.000 người đã được tiêm mũi thứ hai vào tối 30/1.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Pháp thông báo tiếp tục ngừng cung cấp dịch vụ cáp treo tại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trong tháng 2. Pháp hiện không trong tình trạng phong tỏa và về lý thuyết, người dân được tự do tới các khu nghỉ dưỡng và lưu trú tại khách sạn. Tuy nhiên, hệ thống cáp treo đã đóng cửa nhiều tháng qua, khiến nhiều cơ sở kinh doanh tại đây lao đao vì vắng khách. Các nhà hàng trong khu nghỉ dưỡng cũng đóng cửa do các biện pháp hạn chế chống dịch và các hình thức trượt tuyết cũng khá giới hạn. Thủ tướng Pháp Jean Castex đã cam kết đền bù cho ngành kinh doanh các môn thể thao mùa Đông, vốn tạo ra khoảng 250.00 - 400.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp tại Pháp.
Cùng ngày, Bộ Y tế Litva xác nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh. Bộ này cho biết trường hợp mắc biến thể mới là một phụ nữ ở thủ đô Vilnius. Cho tới nay, Litva đã ghi nhận 182.893 ca mắc và 2.825 ca tử vong.
Cũng trong ngày 1/2, chính phủ đã "bật đèn xanh" cho phép các cơ sở trượt tuyết ngoài trời mở cửa từ ngày 2/2. Tuy nhiên, vé chỉ được bán trực tuyến và không có dịch vụ cho thuê đồ trượt tuyết.
* Trong khi đó, nhằm hỗ trợ ngành y tế Bồ Đào Nha vốn đang bên bờ sụp đổ do bùng phát đợt dịch COVID-19 mới nghiêm trọng, ngày 1/2, Bộ Quốc phòng Đức cho biết nước này sẽ cử các chuyên gia y tế, cung cấp các giường bệnh dã chiến và các máy thở tới Bồ Đào Nha.
Cụ thể, 26 nhân viên y tế, 150 giường bệnh, 50 máy thở và 150 máy truyền dịch sẽ được chuyển đến quốc gia phía Nam của Liên minh châu Âu (EU) trong ngày 3/2. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh: "Bồ Đào Nha đang trong tình huống đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi sự đoàn kết ở châu Âu."
Bồ Đào Nha đã áp đặt lệnh cấm công dân đi ra nước ngoài trong hai tuần, có hiệu lực từ ngày 31/1. Số ca tử vong do COVID-19 trong tháng 1 vừa qua chiếm hơn một nửa trong tổng số 12.000 ca tử vong từ khi dịch bùng phát đến nay, cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại đây. Hiện nước này đang áp đặt lệnh phong tỏa thứ hai từ ngày 15/1.
* Ngày 1/2, Bộ Y tế Cuba thông báo số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em tiếp tục tăng, sau khi ghi nhận 111 ca mới trong 24 giờ qua.
Theo số liệu của bộ trên, trong gần 11 tháng đối phó với đại dịch, đã có 2.882 trẻ em và thanh thiếu niên đã mắc COVID-19 và 586 em trong số đó vẫn chưa bình phục. Giám đốc phụt trách vệ sinh và dịch tễ học thuộc bộ trên Francisco Duran cho biết số trẻ vị thành niên được phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày là điều đáng lo ngại.
Trong 24 giờ qua, Cuba ghi nhận thêm 906 ca mắc và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 27.592 ca và 216 ca. Với số liệu này, Cuba đã khép lại tháng 1 với tổng số 15.536 ca mắc - tháng nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bùng phát.
* Ngày 1/2, Bộ Y tế Israel cho biết chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, nước này đã ghi nhận tới 1.433 người tử vong do mắc COVID-19, chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngoài ra, dịch bệnh cũng đang “nhắm” vào những người trẻ tuổi, trong đó có 6 trẻ em.
Chính phủ Israel đang tích cực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine với hàng trăm nghìn người được tiêm mỗi ngày, đưa tổng số người được tiêm phòng lên gần 3,1 triệu người (chiếm 33% dân số). Tuy nhiên, nỗ lực này không thể ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Tỷ lệ phát hiện bệnh thông qua xét nghiệm vẫn ở mức cao là 9,7%, trong khi ở các cộng đồng người Do Thái chính thống tỷ lệ này lên tới 20,1%.
Số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tại Israel là trên 68.300 người, trong đó có 1.140 bệnh nhân nặng, đặc biệt 315 người phải thở máy. Các nhân viên y tế cho biết tỷ lệ bệnh nhân dưới 60 tuổi nhập viện với các triệu chứng nặng chiếm đến hơn 30%.
Cũng trong cùng ngày, Chính phủ Israel đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 5 ngày, đồng thời tiếp tục ngừng tất cả các chuyến bay ra vào đất nước cho đến ngày 7/1. Các chuyên gia khuyến nghị chính phủ cần có "các biện pháp phòng ngừa mạnh hơn nữa" mới có thể hy vọng ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Phương Oanh - Vũ Hội/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất