13/05/2020 08:46 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 12/5, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận thêm 881 ca tử vong do nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 12.400 người, trong khi số trường hợp nhiễm mới cũng tăng thêm 9.258 người, lên 177.589 ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này.
Báo cáo của Bộ Y tế Brazil cho biết đây là số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi đầu tháng 3. Với số ca nhiễm COVID-19 mới, Brazil cũng vượt qua Đức trở thành nước có số người nhiễm bệnh cao thứ 7 trên thế giới.
Hiện nay, các thành phố lớn như Manaus và Rio de Janeiro đã bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải trong mạng lưới các bệnh viện và cơ sở y tế công do số lượng bệnh nhân liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Trong tổng số 177.589 ca nhiễm bệnh đã có 72.597 người hồi phục, tương đương với 40,9%.
Bang Sao Paulo tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm và tử vong cao nhất cả nước, tiếp đến là Rio de Janeiro.
Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo đã thông qua hơn 3,4 tỷ USD tín dụng cho 11 quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo IMF, Haiti, Cộng hòa Dominicana, Santa Lucia, Granada, Bolivia, Costa Rica, Ecuador, El Salvador, Panama, Paraguay và Honduras sẽ được cấp các khoản tín dụng trị giá từ 22 triệu USD đến 650 triệu USD. Trong khi đó, Colombia đã đề nghị mở rộng hạn mức tín dụng linh hoạt (FCL) lên 10,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, IMF cho biết Mexico có thể sử dụng ngay khoản tín dụng linh hoạt 61 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.
Do tác động của đại dịch COVID-19, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh (CEPAL) của Liên hợp quốc dự báo kinh tế của khu vực suy giảm kỷ lục, với GDP tăng trưởng âm 5,3% trong năm 2020, và kéo theo khủng hoảng xã hội trầm trọng với hàng triệu người rơi vào nghèo đói và thất nghiệp. Theo CEPAL, kinh tế suy giảm mạnh khiến gần 30 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 11,5% (tương đương 37,7 triệu người), tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2019.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn thông báo của Viện Bảo hiểm xã hội Mexico (IMSS) cho biết chỉ trong tháng 4 vừa qua, 555.247 lao động chính thức tại nước này đã mất việc làm, hệ quả của tính trạng khẩn cấp y tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, hơn 1 triệu người Mexico rơi vào tình trạng thất nghiệp. IMSS dự báo con số thất nghiệp tại Mexico sẽ tiếp tục gia tăng khi tính hình dịch bệnh chưa được kiểm soát khiến chính phủ chưa thể tái kích hoạt và mở cửa lại các hoạt động kinh tế.
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Mexico đã ban bố tính trạng khẩn cấp y tế từ cuối tháng 3 vừa qua, qua đó tạm thời đình chỉ tất cả các hoạt động kinh tế không thiết yếu.
Theo số liệu của Viện thống kê và địa lý Mexico (Inegi), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này đã suy giảm 2,4% trong quý 1/2020, mức giảm kỷ lục từ năm 2009 đến nay và đây là quý thứ 3 liên tiếp kinh tế Mexico tăng trưởng âm.Trước đó, quý 3 và quý 4/2019 ghi nhận các mức tăng trưởng âm tương ứng là 0,4% và 0,2%. Từ tháng 3 vừa qua, GDP của Mexico bắt đầu suy giảm mạnh do các hoạt động kinh tế bị đình trệ bởi tác động của đại dịch COVID-19.
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ Mexico lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế tại một số bang kiểm soát tốt dịch COVID-19 từ ngày 17/5 tới, trong khi các bang còn lại sẽ được hoạt động bình thường trở lại từ ngày 1/6.
Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) cảnh báo Mỹ Latinh có thể trở thành "điểm nóng" COVID-19 tiếp theo do sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh tại nhiều quốc gia trong khu vực.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ Latinh, MSF nhận định diễn biến dịch COVID-19 đang trở nên đáng quan ngại tại các nước trong khu vực như Brazil, Peru, Ecuador, Chile và Mexico, với số ca mắc và tử vong tăng mạnh theo từng ngày.
Kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên hôm 26/2 tại Brazil, tính tới thời điểm hiện tại khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận trên 380.000 ca bệnh, trong đó có hơn 21.500 ca tử vong. MSF nhận định với tỉ lệ người nghèo chiếm 30,8% dân số, sự bất bình đẳng xã hội cao và hệ thống y tế yếu kém, Mỹ Latinh đang phải đối mặt với các thách thức to lớn về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất