24/10/2011 13:30 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Dẫu cuộc sống ở xóm chài cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) còn lắm nỗi khó khăn nhưng họ vẫn sống giàu tình yêu thương và đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội. Và mong ước của họ cũng rất đỗi bình dị là được là một ngày được “an cư”.
Đã hơn 30 năm qua, 4 chiếc ghe gỗ cũ nát vẫn neo đậu gần cầu Bình Lợi thuộc địa bàn phường 13, quận Bình Thạnh. Đấy là mái ấm của 4 gia đình trên sông.
Ông “cứu hộ” dưới chân cầu
Sau chuyến đi với vợ chồng Ba Chúc, chúng tôi quay trở lại xóm chài vào đầu giờ trưa. 4 chiếc ghe cũ nằm nép mình bên bờ sông Sài Gòn, tách ra khỏi với nhịp sống hối hả thường thấy ở đất Sài thành.
Ông Ba Chúc hồ hởi khoe tấm giấy khen vì thành tích cứu người trên sông
Vợ chồng Ba Chúc cùng với con gái út Nguyễn Thị Bích Ngọc (19 tuổi) và đứa cháu ngoại Nguyễn Hoàng Tuấn Anh (5 tuổi) dọn bữa cơm trưa với món cá khô, rau luộc trên “căn nhà di động” của mình. “Nhà” kế bên, cụ Ngô Thị Liên, 79 tuổi cùng với con dâu cũng đang chuẩn bị bữa trưa để chờ con trai đi đánh cá từ mờ sáng trở về.
Rót cho chúng tôi ly nước trà xanh còn nóng hổi, Ba Chúc nói: “Hôm nay vợ tôi mệt nên không đi đánh cá được, con trai bà Liên và 2 nhà bên cạnh đi từ sáng sớm rồi”.
Người dân sinh sống xung quanh khu vực này thường gọi ông Ba Chúc với cái tên “ông cứu hộ”. Ba Chúc cười khà khà kể: “Từ hồi kéo ghe đến đây, tôi thường xuyên cứu người tự tử hoặc bị té xuống sông, hoặc vớt xác người nên mới có biệt danh như thế. Với lại chắc vì mình làm chuyện có đức, nên chính quyền họ thương không đuổi cái xóm nghèo này đi chỗ khác”.
Ba Chúc không thể nhớ hết bao nhiêu lần ông vớt xác, cứu người. Ông cho chúng tôi xem giấy khen của UBND phường 13, quận Bình Thạnh trao tặng cho ông vì góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn phường. “Thấy người khác lâm nạn sao mình làm ngơ được, mới hồi tháng 7 vừa rồi, tôi vớt được 2 xác và cứu 1 cô gái mang bầu 5 tháng nhảy cầu Bình Lợi tự tử” - ông Ba Chúc tự hào kể.
Dù cuộc sống nghèo khó nhưng những người xóm chài vẫn sống chan hòa và chia sẻ với nhau những lúc khó khăn. Cụ Ngô Thị Liên tâm sự: “Chồng tôi mất 19 năm rồi, tôi thì tuổi già nên mắc đủ loại bệnh tật, nhiều lúc “trái gió trở trời” con cái không có nhà, chỉ biết nhờ hàng xóm. Mấy đêm mưa giông, chiếc ghe lớn để ở cũng bị hỏng, nước lên cao lại tràn vào, sức tôi một mình tát không xuể, có lần nước vào nhiều quá gần chìm, mọi người trong xóm phải xúm tay vào”.
Những người dân sống ở trên bờ cũng thương cho người dân ở xóm chài nên họ cho câu điện và nước sạch để sinh hoạt, thậm chí là giúp đỡ cả chuyện “tế nhị”. “Sống ở sông nước, bất tiện nhất là đi “vệ sinh”, nhất là phụ nữ nhưng được mọi người trên bờ nhiệt tình giúp đỡ, cuộc sống chúng tôi cũng đỡ nhiều”- bà Hinh kể.
4 chiếc ghe của xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi
Những mong ước bình dị
Cái nghèo chưa buông tha xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi và những mảnh đời mưu sinh trên sông Sài Gòn. Cho đến ngày hôm nay, trong họ luôn ấp ủ những ước mơ chưa bao giờ dứt.
Chỉ tay vào đứa cháu Tuấn Anh đang vô tư chơi đùa một mình ở đầu mũi ghe, bà Hinh buồn rầu nói: “Như thằng nhỏ này, mấy hôm nay chú Quý là một người hay đến đây câu cá, thấy vợ chồng tôi và cả ba, mẹ của nó không lo nổi tiền cho nó đi học nên chú ấy đang tìm nguồn tiền tài trợ để lo cho thằng bé đến trường. Quả thật, vợ chồng tôi rất buồn vì cả đời của mình không thể lo cho các con, cháu học hành đến nơi đến chốn. Tôi chỉ có một mong ước có đủ tiền để lo cho cháu mình học hành như bao đứa trẻ khác”.
Con cái của vợ chồng ông Ba Chúc và cả của cụ Liên đều dang dở chuyện học hành, trong đó có người chỉ học đến lớp 1, lớp 2 thì phải bỏ học. Chưa nói đến tiền bạc, việc sống trên sông nước và làm nghề cá phải theo con nước khi dâng, khi ròng cũng khiến những đứa con của họ khó có thể đảm bảo được chuyện học.
Chúng tôi được những hộ dân trên bờ cho biết, sau khi cây cầu Bình Lợi 2 hoàn thành, có thông tin cả khu vực dân cư này sẽ bị di dời đi nơi khác, trong đó có cả xóm chài cũng có thể bị “xóa xổ”. Những hộ dân ở xóm chài lo lắng không biết sẽ đi về đâu, cuộc sống sẽ khó khăn hơn nữa khi nguồn điện, nước sạch và ngay cả chuyện “tế nhị” sẽ không còn được những hộ dân trên bờ giúp đỡ.
Em Bích Ngọc, con gái vợ chồng ông Ba Chúc ao ước: “Em ước có một việc làm ổn định và đủ tiền thuê nhà trên bờ cho ba mẹ sống, để cả gia đình được ngủ ngon, không còn lo mưa gió tạt ướt người, không còn cảnh chiếc ghe bị chòng chành khi nước lên. Ba mẹ em cũng đã lớn tuổi nên không còn đủ sức để kiếm sống bằng nghề đánh cá. Còn ghe của cụ Liên cũ quá rồi không còn chịu nổi bao lâu nữa, ước gì có ai đó giúp cụ để không phải vất vả tát nước mỗi ngày”.
Anh Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất