Châu Âu: Phản ứng trái chiều về quỹ phục hồi hậu COVID-19

28/05/2020 11:25 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đề xuất lập quỹ phục hồi sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 750 tỷ euro, các nước châu Âu tiếp tục đưa ra những phản ứng trái chiều. Trong khi Pháp, Đức, Italy, Hy Lạp, Ba Lan bày tỏ hoan nghênh giải pháp này, một số nước Bắc Âu như Áo và Thụy Điển tỏ ra thận trọng hoặc thậm chí phản đối.       

Dịch COVID-19: Nhiều nước châu Âu chưa có kế hoạch mở cửa biên giới

Dịch COVID-19: Nhiều nước châu Âu chưa có kế hoạch mở cửa biên giới

Chính quyền Tây Ban Nha có kế hoạch tiếp tục đóng cửa biên giới đến tháng 7, trong một động thái nhằm tránh một làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngày 27/5, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hoan nghênh gói hỗ trợ của EU là một "bước đi lớn" và cho rằng ngay cả những nước thành viên còn hoài nghi cũng sẽ được hưởng lợi. Ông Mitsotakis ca ngợi các nỗ lực của EC và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi "chìa tay" cho liên minh đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái lịch sử.       

Phát biểu khi tham gia một sự kiện trực tuyến của Viện Brookings ở Washington (Mỹ) và Đại học Virginia, Thủ tướng Mitsotakis khẳng định: "Đây là một bước đi lớn đối với Liên minh châu Âu (EU) nhằm thể hiện tình đoàn kết một cách rất cụ thể và hỗ trợ tất cả chúng ta vượt qua khủng hoảng".

Ông cũng nói thêm rằng: "Cuối cùng rồi ngay cả những nước đang do dự và hoài nghi về việc liệu chúng ta có đi đúng đường hay không - những nước cũng phụ thuộc rất nhiều vào một thị trường chung duy nhất - có thể sẽ được hưởng lợi nhiều hơn chúng tôi". 

Theo nhà lãnh đạo này, nếu thị trường chung sụp đổ vì bất kỳ lý do gì, các nước (đang hoài nghi) sẽ phải trả một giá rất đắt và điều mà EC đề xuất không chỉ mang lại lợi ích cho các nước nghèo mà còn cho toàn châu Âu cũng như cho dự án châu Âu.    

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Bà Ursula Von Der Leyen trong cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến của EU về gói hỗ trợ các quốc gia chịu tác động từ dịch COVID-19 ở Brussels, Bỉ ngày 23/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù không nêu đích danh các nước trên, nhưng Thủ tướng Mitsotakis muốn nhắm tới các thị trường tương đối mở của nhóm tự nhận là "Bộ tứ tằn tiện", gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển. Các nước này đã trình một đề xuất riêng của mình nhằm phục hồi kinh tế sau dịch, tái khẳng định phản đối việc giảm nợ hoặc dành một gói hỗ trợ cho các nước Nam Âu, thay vào đó muốn việc hỗ trợ khẩn cấp cho các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh được thực hiện dưới dạng các khoản vay một lần "với kỳ hạn ưu đãi", có thể được nhất trí trong vòng 2 năm.       

Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đánh giá đề xuất của EC là một "tin tốt lành" và có thể coi là một điểm khởi đầu để đàm phán thêm. Ông nhấn mạnh: "Đây là thành công đối với EU, thành công đối với Ba Lan".       

Trước đó, đề xuất của EC đã nhận được sự ủng hộ quan trọng của Đức và Pháp, song vẫn cần có sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU để được thực thi. Pháp hy vọng EU sẽ đạt thỏa thuận vào đầu tháng Bảy tới về đề xuất trên dù dự báo các cuộc đàm phán với "Bộ tứ tằn tiện" sẽ "khó khăn".       

Trong phản ứng của mình cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã bày tỏ thất vọng về mức hỗ trợ trong gói trị giá 750 tỷ euro mà EC đề xuất. Ông thừa nhận rằng quỹ phục hồi sẽ giúp các nền kinh tế quốc gia trở lại đúng hướng, song nhấn mạnh: "Thật ngạc nhiên khi EC đề nghị hơn 5.000 tỷ kronor (500 tỷ euro) dưới dạng các khoản hỗ trợ mà không hề kèm theo yêu cầu gì. Thụy Điển muốn quỹ của EU tập trung vào các khoản cho vay, và với điều kiện phải chứng minh được rằng số tiền đó được sử dụng hiệu quả".  

Chú thích ảnh
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven trả lời phỏng vấn báo giới bên ngoài tòa nhà Rosenbad ở Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: The Local/TTXVN

Phản ứng một cách thận trọng hơn, Áo - một thành viên của "Bộ tứ tằn tiện" - cho rằng mức độ và tỷ lệ giữa các khoản hỗ trợ và cho vay trong gói đề xuất của EC cần phải được thảo luận thêm. Thủ tướng Sebastiean Kurz nêu rõ: "Theo kế hoạch trên, có những nước phải bỏ tiền như Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và chúng tôi. Vì vậy, thể hiện trách nhiệm với người đóng thuế trong nước, chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi ủng hộ hình thức cho vay hơn". Ông Kurz cho biết thêm rằng các khoản chi cho quỹ tái thiết cần được giới hạn về mặt thời gian và phải đảm bảo rằng không dẫn tới một "liên minh nợ vĩnh viễn".       

Nếu được thông qua, đề xuất của EC sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU và sẽ bao gồm các biện pháp đánh thuế sâu rộng đối với các mặt hàng nhựa, khí thải carbon và các hãng công nghệ lớn. Đề xuất này cũng xác định công nghệ sẽ là một "mũi tên" phát triển để vực dậy nền kinh tế của khối sau dịch, theo đó EU sẽ đầu tư nhiều hơn vào mạng 5G, 6G, trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng, thông tin bảo mật, dữ liệu và hạ tầng đám mây, siêu máy tính, lượng tử và chuỗi khối.

Bích Liên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm