7 điều cần biết về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP

05/10/2015 21:16 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 5 năm đàm phán, 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP cuối cùng đã đạt thỏa thuận về hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, TPP là gì và gia nhập TPP mang lại lợi ích gì vẫn là một trong những câu hỏi lớn đối với nhiều người Việt Nam.

1. TPP là gì?

Hiệp định đối tác thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương là một thỏa thuận thương mại đang được đàm phán giữa các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Australia, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia, New Zealand, Peru, Mexico, Canada.



TPP còn tác động đến nhiều khía cạnh khác. Thỏa thuận này yêu cầu các quốc gia thực hiện luật lao động và môi trường chặt chẽ hơn, củng cố rào chắn pháp lý cho các công ty dược, kéo dài thời kỳ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Hay nói cách khác, những thỏa thuận thương mại hiện đại như TPP bao hàm rất nhiều thứ ở bên ngoài phạm trù thương mại. Chúng đã trở thành một trong những con đường chính để điều hành kinh tế toàn cầu. Đó cũng chính là lý do lớn nhất khiến TPP gây ra nhiều tranh cãi. Ví dụ, các nhóm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ kỹ thuật số hay các nhóm y tế cộng đồng - vốn không quan tâm đến các vấn đề về thương mại – đã lớn tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực từ TPP đối với tiến bộ khoa học công nghệ cũng như công cuộc chiến đấu với bệnh AIDS trên toàn cầu.

TPP cũng gây nhiều tranh cãi bởi các cuộc đàm phán được thực hiện bí mật. Các nhóm lợi ích có kết nối với nhau được tiếp cận với lượng thông tin nhiều hơn và cũng có nhiều cơ hội gây ảnh hưởng lên quá trình đàm phán.

2. Tại sao TPP lại phức tạp đến vậy?

Thông thường, các hiệp định thương mại sẽ tập trung vào giảm thiểu hàng rào thuế quan như các loại thuế, phí và hạn ngạch. Tuy nhiên các hiệp định thương mại hiện đại có thể làm được nhiều hơn thế.

Bước ngoặt của hoạt động thương mại quốc tế diễn ra vào năm 1994, với sự ra đời của WTO. Tổ chức này đã đưa ra một quá trình hoàn toàn mới cho việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Nếu một nước tin rằng nước khác đã không hoàn thành các cam kết về thương mại, họ có thể tìm kiếm một trọng tài phân xử trước khi đem vụ việc ra WTO. Nếu hội đồng xét xử tranh chấp ở WTO nghiêng về bên đi kiện, nước bị kiện sẽ triển khai các lệnh cấm vận thương mại được thiết kế để gây áp lực lên nước kia.



Biểu đồ thể hiện khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Mỹ và các quốc gia còn lại. TPP được kỳ vọng sẽ giúp giảm đáng kể những rào cản thương mại giữa các nước, hạ thuế đánh vào các mặt hàng như xe tải, gạo và dệt may.

Mọi người nhanh chóng nhận ra rằng cơ chế này cũng sẽ hiệu quả đối với các tranh chấp ở những lĩnh vực không liên quan nhiều đến thương mại. Ví dụ, các công ty dược đòi hỏi bổ sung vào các hiệp định thương mại những luật lệ nhằm tăng bảo vệ bản quyền cho các loại thuốc. Nói cách khác, các nhóm lợi ích có thể sử dụng quá trình giải quyết tranh chấp ở WTO để bổ sung những điều khoản có lợi cho họ.

TPP sẽ có cơ chế dàn xếp tranh chấp tương tự như WTO, bởi vậy nhiều nhóm lợi ích đang kêu gọi bổ sung các điều khoản có lợi cho họ, bao trùm nhiều lĩnh vực: dược phẩm, các ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, đầu tư nước ngoài, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, luật bản quyền, thương mại điện tử… Rất nhiều trong số các vấn đề này đã được quy định trong các thỏa thuận riêng rẽ. Tuy nhiên, gắn chúng với một thỏa thuận thương mại giúp đảm bảo rằng các quốc gia sẽ nghiêm túc thực hiện cam kết.

3. TPP sẽ giúp giảm bớt các rào cản thương mại. Hiệp định này đem lại những lợi ích kinh tế như thế nào?


Thực ra thì các nước đang tham gia đàm phán TPP vốn đã cam kết tự do hóa thương mại với nước khác trong khuôn khổ vòng đàm phán Uruguay năm 1994. Ngoài ra các nước này còn tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực (như NAFTA). Do đó hàng rào thuế quan giữa các nước hiện đã ở mức khá thấp.

Dẫu vậy, TPP vẫn mang đến nhiều lợi ích về thuế đối với một số sản phẩm nhất định. Ví dụ, hiện nay Mỹ đang áp thuế 25% đối với sản phẩm xe tải nhập khẩu từ Nhật Bản. Sau khi TPP được ký kết, mức thuế sẽ giảm đáng kể, thậm chí bị xóa bỏ, giúp người Mỹ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Ngoài ra các sản phẩm nông nghiệp như gạo và đường cũng được hưởng nhiều ưu đãi.



Kết quả nghiên cứu của Viện Peterson cho thấy đến năm 2025 TPP có thể giúp thu nhập của Mỹ tăng thêm 77 tỷ USD. Dù chỉ tương đương 1% nhưng đây là con số không hề nhỏ. Những người ủng hộ TPP kỳ vọng hiệp định này sẽ là tiền đề cho các thỏa thuận thương mại kết nối nhiều vùng trên thế giới, ví dụ như giữa Trung Quốc và châu Âu, và mang lại nhiều lợi ích to lớn.

Tự do hóa thương mại cũng đem đến nhiều lợi ích cho các đối tác thương mại của Mỹ mà điển hình là Việt Nam.

Dĩ nhiên tất cả sẽ phụ thuộc vào các thỏa thuận chi tiết. Ví dụ, một trong những câu hỏi lớn nhất vẫn chưa có lời giải đáp là TPP sẽ quy định như thế nào đối với các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm và giáo dục. Trong những trường hợp này, rào cản thương mại là các luật lệ thay vì hàng rào thuế quan, do đó quá trình tự do hóa sẽ phức tạp hơn nhiều và cũng gây ra rất nhiều tranh cãi.

4. TPP sẽ ảnh hưởng đến luật bản quyền như thế nào?

Các hiệp định thương mại được cho là một cách hữu hiệu giúp Hollywood “xuất khẩu” một phần luật bản quyền của Mỹ sang các nước khác. TPP không phải là trường hợp ngoại lệ.

Theo dự kiến, trong TPP sẽ có điều khoản buộc tất cả các nước phải áp dụng thời hạn hiệu lực của bản quyền giống như ở Mỹ: cả cuộc đời của tác giả cộng thêm 70 năm nữa. Điều đó có nghĩa là mọi người phải đợi hơn 2 thập kỷ trước khi những tác phẩm đã ra đời từ thế kỷ 20 trở thành miễn phí với bất kỳ ai.

Một điều khoản khác yêu cầu các nước phải áp dụng luật cấm mọi người can thiệp vào các chương trình bảo vệ các bộ phim, ca khúc hoặc các tác phẩm khác có bản quyền.

5. Ảnh hưởng của TPP đến nông nghiệp?

Nông nghiệp là một trong những thị trường nhạy cảm nhất đối với các nước tham gia TPP, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. Mỹ đang có rào cản lớn đối với đường, trong khi Nhật Bản bảo hộ các sản phẩm như thịt lợn, thịt bò và gạo. Nếu TPP giảm bớt những rào cản này, người tiêu dùng Mỹ sẽ được mua đường và những sản phẩm có đường với giá rẻ hơn, đồng thời cơ hội xuất khẩu thịt lợn và thịt bò Mỹ sẽ rộng mở.



Các ngành khác nhau sẽ có những quan điểm khác nhau về việc tự do hóa thương mại. Thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm bơ sữa của Mỹ sẽ tràn vào Nhật Bản, đồng thời các nước cũng mong muốn Mỹ mở cửa thị trường hơn nữa.

Tuy nhiên, ngành đường vốn đang được bảo hộ sẽ phản đối đều này. Những nhóm các nhà sản xuất kẹo có lợi khi giá đường rẻ, bởi vậy họ thích mở cửa thị trường.

6. TPP có bảo vệ được quyền lợi của người lao động?


Mặc dù phản đối TPP, các tổ chức công đoàn ở Mỹ lại coi TPP là một cơ hội để buộc các đối tác thương mại của Mỹ cung cấp nhiều quyền lợi hơn cho người lao động. Họ cho rằng tự do hóa thương mại nếu không đi kèm với các tiêu chuẩn khắt khe về quyền của người lao động sẽ khiến người lao động Mỹ mất đi lợi thế cạnh tranh.

Nhà Trắng nhấn mạnh rằng TPP sẽ chấm dứt việc lạm dụng lao động trẻ em, bảo vệ quyền lợi của người lao động và nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn lao động.



7. Quyền xúc tiến thương mại (TPA) là gì và tại sao lại quan trọng đối với TPP?

Nhìn chung các hiệp định thương mại phải được Quốc hội thông qua trước khi có hiệu lực, tuy nhiên một vấn đề sẽ nảy sinh: các nước lo ngại Quốc hội Mỹ có thể thay đổi các điều khoản của hiệp định sau khi kết thúc đàm phán.

Bởi vậy, từ bao lâu nay, các đời Tổng thống Mỹ vẫn xin và nhận được quyền xúc tiến thương mại, hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh (fast track). Các cựu Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush đều đã sử dụng quyền đàm phán nhanh để thông qua các hiệp định thương mại quan trọng. Đây được coi là điều kiện quan trọng nhất để TPP về đích.

Tuy nhiên ông Obama vẫn chưa thuyết phục được Quốc hội. Trong nhiệm kỳ trước, yêu cầu của ông đều bi bác bỏ. Giờ đây, khi ông Obama chỉ còn cầm quyền thêm 2 năm nữa và đàm phán TPP còn cách đích không xa, ông Obama coi đây là vấn đề quan trọng hàng đầu.

PV (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm