5 màn mua sắm đáng chú ý nhất của các tỷ phú châu Á

30/12/2015 07:32 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Châu Á đang “in” các tỷ phú với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Quan trọng hơn, nhóm đại gia mới phất này đã khiến các nhà tài phiệt ở Nga và Trung Đông phải tròn mắt với những màn mua sắm của họ.

Dưới đây là 5 tỷ phú trong khu vực và một số thương vụ đáng chú ý nhất của họ trong năm.

1. Liu Yiqian

Liu Yiqian từng là tài xế taxi trước khi đổi đời nhờ đầu tư vào thị trường chứng khoán Thượng Hải, sau đó lại đổ tiền vào kinh doanh bất động sản, dược và tài chính. Nhưng dù có gia sản trị giá nhiều tỷ USD, Liu vẫn bay miễn phí bằng cách đổi điểm dặm bay mà ông kiếm được, thông qua việc dùng thẻ tín dụng American Express để mua tác phẩm nghệ thuật.

Nói về nghệ thuật, Liu cùng vợ Wang Wei đã mở hai bảo tàng tư nhân, chất đầy tác phẩm nghệ thuật và cổ vật mua bằng tiền túi.


Bức Nu Couche được Liu mua với giá hơn 170 triệu USD

Tự nhận mình là “giàu mới phất”, Liu thích nhúng mũi vào làng nghệ thuật và thường dùng tiền đè bẹp các đối thủ tại một cuộc đấu giá. Năm ngoái, ông bỏ ra 36 triệu USD để mua một chiếc chén uống nước đã 500 tuổi, từng thuộc về một hoàng đế Trung Quốc. Sau đó ông gây phẫn nộ khi uống trà bằng chiếc chén này.

Tháng 11 năm nay, Liu lại đưa hoạt động chi tiêu của mình lên tầm cao mới khi mua bức Nu Couche (Khỏa thân nằm tựa) của danh họa Amedeo Modigliani với giá 170,4 triệu USD. Đây là số tiền lớn thứ hai trong lịch sử mà người ta từng bỏ ra để mua một bức tranh.  

2. Cyrus Poonawalla

Gia tộc Poonawalla nằm dưới sự lãnh đạo của tỷ phú người Cyrus Poonawalla, chủ tịch Viện nghiên cứu Serum của Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Năm nay ông đã bỏ ra 120 triệu USD mua một dinh thự ở Mumbai làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.

Tuy nhiên theo con trai Adar của Cyrus, dinh thự nằm trên diện tích hơn 4.600 m2 này có thể vẫn chưa có đủ không gian cho cả gia đình. Nhà Poonawalla hiện đã có kế hoạch nâng cấp mặt chính của tòa nhà, sửa lại phòng an ninh và có thể là nâng thêm tầng nữa nếu chính quyền Mumbai cho phép.

Được biết dinh thự này là một công trình cổ, do một vị vua ở Ấn Độ xây dựng vào năm 1938 và bán lại cho chính quyền Mỹ vào năm 1957. Người Mỹ dùng nơi này làm tòa lãnh sự trong 50 năm, trước khi bán lại nó. Theo báo chí địa phương, số tiền mà nhà Poonawalla bỏ ra để mua dinh thị này đã lớn kỷ lục ở Mumbai.

3. Wang Jianlin

Wang Jianlin, nhân vật giàu nhất châu Á, đã có một năm bận rộn mua sắm tài sản. Người đàn ông 61 tuổi này, sáng lập viên và là chủ tịch Tập đoàn Dalian Wanda, đã xây dựng gia sản từ bất động sản. Ông còn sở hữu nhiều chuỗi rạp chiếu phim ở nước ngoài và nay đang mở rộng đế chế thể thao của mình.

Hồi tháng 1 năm nay, ông đã bỏ ra 45 triệu euro (49 triệu USD) để mua 20% cổ phần trong đội bóng đá Atletico Madrid. Wang cũng là người mê mẩn nghệ thuật của thế kỷ 20. Năm nay, ông đã bỏ 20,4 triệu USD để mua một bức tranh sơn dầu của Claude Monet.


Viên kim cương xanh Lau mua để tặng con gái

4. Joseph Lau

Lau, người nắm quyền kiểm soát công ty phát triển bất động sản Hong Kong Chinese Estates Holdings, chưa từng ngại khoe độ giàu có của mình. Năm 2007, ông bỏ ra 39,2 triệu USD để mua bức Te Poipoi của Paul Gauguin. Năm ngoái, ông lại chi 41 triệu USD để mua nữ trang cho cô con gái Zoe.

Năm nay, tỷ phú này tiếp tục có các màn mua sắm gây sốc. Hồi tháng 5, ông đã tới Mỹ bỏ ra 67,4 triệu USD để mua bức Buste de Femme của Pablo Picasso. Ngày tiếp theo, ông lại bỏ ra 41,7 triệu USD và mang về bức The Ring (Engagement) của Roy Lichtenstein.

Tháng 11 vừa qua, Lau đã có màn chi tiêu gây sốc dài 2 ngày ở Thụy Sĩ. Đầu tiên, ông bỏ ra 28,7 triệu franc Thụy Sĩ (29,2 triệu USD) để mua một viên kim cương hồng 16,08 carat. Ngày hôm sau, ông lại chi 48,6 triệu franc để mua một viên kim cương xanh 12,03 carat. Cả hai món quà này được mua chỉ để thỏa mãn mong ước của cô con gái Josephine, 7 tuổi.

5. Jack Ma

Báo chí Trung Quốc từng dẫn lời vị lãnh đạo tập đoàn thương mại điện tử Alibaba nói rằng “kiếm tiền thì dễ, tiêu mới khó”. Dù vậy, Jack Ma, người đang có trong tay khoảng 30 tỷ USD, đã bắt đầu hưởng thụ đôi chút.

Năm nay, ông bỏ ra 23 triệu USD để mua một khu đất rộng 113km2 ở New York với mục đích biến nó thành khu bảo tồn, đồng thời là nơi nghỉ dưỡng của ông.

Ma còn gây chú ý nhiều hơn trong tháng 12, khi Alibaba thông báo đã bỏ ra 266 triệu USD mua lại tờ South China Morning Post ở Hong Kong. Ông thực ra chỉ đi theo bước chân của một người khổng lồ thương mại điện tử khác là tỷ phú Jeff Bezos, người đã mua tờ Washington Post hồi năm 2013.

Gia Bảo (Theo Bloomberg)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm