Lịch sử 90 năm Thế vận hội mùa Đông qua ảnh

08/02/2014 13:08 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Từ những ngọn núi hùng vĩ ở Innsbruck 1964, tới cuộc cạnh tranh kịch tính tại Lake Placid 1980, Thế vận hội mùa Đông luôn mang tới những hình ảnh đẹp đẽ, sống động.

Ngày khai mạc: Bức ảnh trên gợi lại hình ảnh đáng nhớ của ngày khai mạc kỳ Thế vận hội ở Innsbruck, Áo năm 1964. Đằng sau địa điểm diễn ra buổi lễ là khung cảnh tuyệt đẹp của những ngọn núi hùng vĩ trên dãy Nordkette.

Hành động: Thế vận hội mùa Đông không chỉ có tốc độ từ những chiếc ván trượt tuyết mà còn cả xe trượt lăn rất thú vị. Tốc độ của loại xe này lên tới 153km/h. Trên ảnh là màn thi của VĐV Nataliia Yakushenko  tại Thế vận hội 2010 diễn ra ở Whistler, Canada.

Va chạm: Tốc độ luôn đi kèm với những hiểm nguy. VĐV người Áo Hermann Maier hiểu rõ điều này từ vụ tai nạn kinh hoàng khi đang trượt xuống đồi ở Hakuba năm 1988. Maier may mắn không bị chấn thương và cuối tuần đó, anh giành huy chương vàng ở nội dung SuperG và đổ dốc có chướng ngại vật.

Cảnh đẹp: Những đường trượt đôi khi tạo nên những cảnh đẹp huyền diệu. Hình ảnh của một đường trượt ở Thế vận hội mùa Đông năm 1968.

Sự tuyệt vọng: Gương mặt của Christelle Gros đặc trưng cho sự thất vọng não nề của các VĐV Olympic. Christelle tham dự Thế vận hội Nagano năm 1998 ở nội dung xki tiếp sức.

Niềm vui: VĐV Oksana Baiul của Ukraine không giấu nổi niềm vui khi biết điểm số mà cô giành được ở nội dung trượt băng nghệ thuật tại Thế vận hội Lillehammer năm 1994. Mặc dù dính chấn thương trong lúc tập luyện nhưng Oksana vẫn xuất sắc giành HCV.

Lịch sử: Đội trượt băng bằng xe của Anh giành HCB tại Thế vận hội mùa Đông đầu tiên được tổ chức ở Chamonix, Pháp vào năm 1924 với 16 nội dung thi. Trước đó, một vài môn thể thao mùa Đông thuộc chương trình của Thế vận hội mùa Hè.

Bê bối: Một trong những sự kiện có tiếng xấu nhất trong các Olympics mùa Đông là scandal giữa những VĐV trượt băng tên tuổi của Mỹ là Tonya Harding và Nancy Kerrigan. Tháng 1/1994, một người đàn ông đã tấn công Kerrigan vào đầu gối ngay đêm trước khi đội Mỹ vô địch trượt băng. Sau đó người ta đã phát hiện chồng cũ của Harding là Jeff Gillooly, và vệ sỹ Shawn Eckhardt đã lên kế hoạch vụ tấn công với hy vọng gia tăng cơ hội của Harding tại các trận đấu tập của Mỹ và cuối cùng là Olympic.

Thời trang: VĐV Illia Kulik của Nga giành HCV trượt băng nghệ thuật nội dung tự do taijõ Thế vận hội năm 1998 ở Nagano, Nhật Bản trong trang phục lấy cảm hứng từ hươu cao cổ. Một vài quốc gia, như Na Uy, có thói quen thiết kế trang phục lòe loẹt cho đoàn VĐV tham dự Thế vận hội.

Người hùng: 4 thành viên trong đội trượt tuyết bằng xe của Jamaica tại Olympic 1988 ở Calgary, Alberta, Canada đã trở nên bất tử nhờ được hình tượng hóa trong bộ phim Cool Runnings. Họ là đại diện của khu vực nhiệt đới và chịu áp lực phân biệt to lớn. Hành trình vươn tới ngôi vị số 1 của họ đã được khắc họa rất rõ nét qua bộ phim hài nổi tiếng về thể thao.

An toàn: John Crammond, nhà vô địch Olympic nội dung trượt xe tại St Moritz năm 1948, với chiếc mũ bảo hiểm thời kỳ sơ khai. Qua từng kỳ Olympic, chiếc mũ đã được cải tiến nhiều nhưng sau cái chết bi thảm của VĐV trượt băng tốc độ người Georgia Nodar Kumaritashvili, an toàn cho VĐV vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Điều kỳ diệu: “Phép mầu trên sân băng” là từ ngữ dùng để miêu tả chiến thắng diệu kỳ của ĐT Mỹ trước ĐT Liên Xô ở trận bán kết nội dung khúc côn cầu trên băng năm 1980.

Sự tiến bộ: Không chỉ có VĐV mới phá vỡ những ranh giới tại Thế vận hội, các phóng viên ảnh đôi khi cũng góp phần tạo nên những đột phá. George Silk là sáng tạo bậc thầy trong những năm 1960. Kỹ thuật slit-camera của ông (chụp liên tiếp tốc độ cao) đã trở nên nổi tiếng và được ứng dụng rộng rãi trong thể thao.

May mắn: Khi Steven Bradbury giành HCV nội dung trượt băng 1.000m của nam cho Australia tại Thế vận hội 2002, đó là chiến thắng của chủ nghĩa thực dụng. Bradbury sẽ không thể chiến thắng trừ khi các đối thủ cạnh tranh gặp một tai nạn.

Khán giả: Đám đông khán giả ủng hộ cho VĐV người Na Uy Bjorn Daehlie tranh tài ở nội dung trượt tuyết 15km tại Thế vận hội  Lillehammer 1994. Tại Thế vận hội Sochi, theo tin tức từ truyền thông, 70% trong tổng số 1,2 triệu vé đã được bán ra.

K.Đ
Theo Guardian

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm