14/07/2021 06:21 GMT+7 | Thế giới Sao
(Thethaovanhoa.vn) - EURO 2020 đã khép lại nhưng dư âm của việc thua trên chấm phạt đền chưa thôi ám ảnh bóng đá Anh. Ba cầu thủ sút hỏng luân lưu Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka, tất cả đều người da màu, trở thành nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc. Sự việc gây rùm beng bóng đá Anh, trở thành một bê bối hậu EURO đáng quên của đất nước xứ sương mù.
Khi Bukayo Saka thực hiện không thành công lượt sút luân lưu thứ 5 của tuyển Anh, ngôi sao của Arsenal đã không kìm nén được cảm xúc, gục xuống khóc nức nở. Saka cùng với Rashford và Sancho là những người đã đá hỏng lượt sút của mình, để ngôi vương EURO 2020 thuộc về tuyển Ý.
Bê bối kỳ thị chủng tộc
Khó có thể trách họ, những cầu thủ trẻ cạnh tranh tại giải đấu tầm cỡ châu lục như EURO, phải gánh trên mình trọng trách quá lớn. Từ khán đài Wembley cho tới những cung đường ở thủ đô London, đám đông người hâm mộ có buồn, có tiếc nuối nhưng sâu thẳm họ vẫn tự hào về những gì cầu thủ Anh đã làm được ở kỳ EURO này. Đa số cảm thông với các cầu thủ đá hỏng phạt đền. Để bước lên trên chấm 11m vào thời khắc đó, họ đã dũng cảm đến thế nào.
Nhưng không phải tất cả đều nghĩ vậy. Ngay sau khi cú sút của Saka bị thủ thành Gianluigi Donnarumma cản phá, trang Instagram của cầu thủ Arsenal tràn ngập những bình luận chửi bới, xúc phạm, kỳ thị chủng tộc kèm theo biểu tượng hình con khỉ. Rashford và Sancho cũng chịu chung số phận. Bức tranh tường tôn vinh Rashford vì những hoạt động thiện nguyện trong đại dịch Covid-19 tại quê nhà Manchester bị CĐV quá khích phun sơn nhiều câu chửi bới và hình ảnh thô tục.
Lên tiếng
Huấn luyện viên đội tuyển Anh, Gareth Southgate, đã gọi hành vi kỳ thị chủng tộc với các cầu thủ là “không thể tha thứ”. “Việc các cầu thủ bị kỳ thị chủng tộc là không thể tha thứ. Đây không phải là điều chúng tôi đại diện. Chúng tôi đã là một ngọn hải đăng trong việc mang mọi người đến với nhau và đội tuyển quốc gia là đại diện cho tất cả mọi người, vì vậy sự đoàn kết phải tiếp tục. Chúng tôi ở đây vì họ và tôi biết rằng 99% công chúng cũng sẽ như vậy”.
Trên trang cá nhân, đội trưởng tuyển Anh Harry Kane viết: “Ba chàng trai đã rất tuyệt vời trong suốt hành trình này và đã có đủ can đảm bước lên nhận trọng trách. Họ xứng đáng được ủng hộ chứ không phải sự kỳ thị chủng tộc thấp hèn mà họ phải chịu đựng. Nếu bạn kỳ thị chủng tộc bất kỳ ai trên mạng xã hội thì bạn không phải là người hâm mộ tuyển Anh”.
Hoàng tử William bày tỏ sự phẫn nộ: “Tôi cảm thấy ghê tởm bởi việc phân biệt chủng tộc nhắm vào các cầu thủ Anh sau trận chung kết. Đây là điều không thể chấp nhận được, khi các cầu thủ phải chịu đựng hành vi ghê tởm này. Việc này cần phải dừng lại ngay bây giờ và tất cả những người liên quan phải chịu trách nhiệm”.
“Tuyển Anh xứng đáng được ca ngợi, ghi công như những người hùng, chứ không phải hứng chịu hành vi phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội. Ai có hành vi xúc phạm các cầu thủ nên tự thấy xấu hổ về bản thân”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh.
Hành động
Tại EURO 2020, tuyển Anh tiên phong trong việc quỳ gối để phản đối kỳ thị chủng tộc bởi những trải nghiệm họ đã có với vấn nạn này. Hồi tháng 4, nhiều cầu thủ từng tham gia vào chiến dịch tẩy chay mạng xã hội để buộc các công ty có lập trường mạnh mẽ hơn trong việc chống kỳ thị chủng tộc và kỳ thị giới tính. Tuy nhiên, các tin nhắn vẫn không bị kiểm duyệt, những kẻ kỳ thị vẫn tự do làm tổn thương các cầu thủ.
Ít tháng trước, chính phủ Anh tuyên bố sẽ áp dụng mức phạt nặng cho các công ty truyền thông xã hội nếu họ không giải quyết được tình trạng kỳ thị trên nền tảng của mình. Giờ đây, Tổ chức chống phân biệt chủng tộc Kick It Out, kêu gọi chính phủ “giữ lời hứa”.
“Chúng tôi kêu gọi những người có năng lực hành động ngay bây giờ. Các công ty truyền thông cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng lạm dụng trên nền tảng của họ, và chính phủ cần giữ lời hứa điều chỉnh. Dự luật an toàn trực tuyến có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi và chúng tôi mong muốn giúp điều đó diễn ra”, Giám đốc điều hành của Kick it Out, Tony Burnett, cho biết.
Trước áp lực mạnh mẽ từ truyền thông và dư luận, Facebook cho biết họ đã có các biện pháp cứng rắn hơn trên nền tảng Instagram, trong đó có việc xóa vĩnh viễn các tài khoản phát đi tin nhắn, bình luận có nội dung kỳ thị. “Không ai có thể khắc phục được thách thức này trong một sớm một chiều, nhưng chúng tôi cam kết giữ cho cộng đồng của mình an toàn khỏi sự kỳ thị”, đại diện Facebook cho biết.
Trong khi đó, cảnh sát Manchester đang tiến hành cuộc điều tra về “sự cố phá hoại” bức tranh tường của cầu thủ Rashford. FA cũng tuyên bố sẽ hành động mạnh mẽ để bảo vệ cầu thủ của mình khỏi bất cứ hành vi kỳ thị nào cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Đến hôm qua, một nhóm người hâm mộ đã tới quán café nơi có bức tranh tường của Rashford. Họ cùng chung tay xóa đi những câu từ lăng mạ trên đó và thay bằng hình ảnh trái tim cùng lá cờ của nước Anh. “Marcus thân mến, xin hãy biết rằng bạn rất được ngưỡng mộ và mọi người tìm thấy ở bạn nguồn cảm hứng”, họ chụp lại ảnh bức tranh và chia sẻ.
Rashford đã vô cùng xúc động trước nghĩa cử này. Anh viết trên Twitter: “Những gì xảy ra đã khiến tôi rơi nước mắt. Cộng động luôn dang rộng vòng tay nâng đỡ tôi. Tôi là Marcus Rashford, 23 tuổi, người da đen đến từ Manchester”.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất