Thế giới hơn 103,5 triệu ca mắc covid-19, gần 654 nghìn người tử vong

01/02/2021 08:25 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 1/2, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 103,50 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 653.695 ca tử vong.

Sáng 1/2, ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 tại Hà Nội

Sáng 1/2, ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 tại Hà Nội

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, tính từ 18h ngày 31/1 đến 6h ngày 1/2, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc mới, là ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 385.695 ca nhiễm mới và hơn 9.000 ca không qua khỏi.

Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch bệnh COVID-19, trong 24 giờ qua đã có thêm 103.869 ca nhiễm và 1.825 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại nước này hiện đã lên tới con số lần lượt 26,73 triệu ca và 452.218 ca.

Mỹ đang nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine cho người dân nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, tính đến sáng 31/1, nước này đã phân phối gần 50 triệu liều vaccine và đã tiêm chủng cho hơn 31,12 triệu người.

Chú thích ảnh

Tại châu Âu, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan. Trong 24 giờ qua, Anh là nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất (21.088 ca), tiếp sau là Pháp (19.235 ca), Nga (18.359 ca), Italy (11.252 ca)...

Căn cứ diễn biến dịch bệnh, các nước thực hiện các biện pháp phòng dịch khác nhau. Bồ Đào Nha ngày 31/1 bắt đầu thực hiện lệnh cấm nhập cảnh, ngoại trừ một số trường hợp là người công tác tới Bồ Đào Nha liên quan đến lĩnh vực y tế, vận tải hàng hóa hoặc đoàn tụ gia đình. Theo Bộ Nội vụ nước này, Bồ Đào Nha hiện là nước có tỷ lệ ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới tính theo đầu người. Bồ Đào Nha hiện đã tăng cường giám sát biên giới và giảm số lượng cửa khẩu tại các tuyến đường bộ nối với nước láng giềng Tây Ban Nha. Trong 24 giờ qua, Bồ Đào Nha ghi nhận 9.498 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 720.516 ca.

Trong khi đó, bất chấp những lo ngại liên quan đến các biến thể của SARS-CoV-2, Chính phủ Hà Lan ngày 31/1 thông báo sẽ mở cửa các trường tiểu học và mầm non từ ngày 8/2. Quốc gia châu Âu này đã đóng cửa trường học từ giữa tháng 12/2020 khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 hoành hành. Hà Lan đến nay ghi nhận 978.475 ca và gần 14.000 ca tử vong.

Tại châu Á, trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này với 12.001 ca, tiếp sau là Ấn Độ (11.528), Malaysia (5.298 ca)...

Sáng 1/2, Ủy ban y tế Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 42 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với con số 92 ca của ngày trước đó. Trong số những ca nhiễm mới này có 33 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 89.564 ca mắc và 4.636 ca tử vong.

Tại châu Phi, Nam Phi đang chứng kiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng với 4.525 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua. Nam Phi vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực với 1.45 triệu ca. Cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng dịch, Nam Phi đang thúc đẩy các chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19.

Tổng thống Ghana Akufo-Addo ngày 31/1 tuyên bố tái triển khai lệnh cấm tập trung tại nơi công cộng khi số ca nhiễm tại quốc gia Tây Phi này tăng cao. Trong tháng 1, các trường học ở nước này đã mở cửa trở lại sau 10 tháng phải đóng cửa do dịch COVID-19. Tuy nhiên, Tổng thống Akufo-Addo kiên quyết thực thi các biện pháp nghiêm ngặt đề phòng dịch bệnh lây lan. Từ tháng 3/2020 đến nay, biên giới đường bộ và đường biển của Ghana vẫn đóng cửa, cũng như các bãi biển, các câu lạc bộ giải trí, rạp chiếu phim và quán rượu.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm